Tham mưu đúng, tổ chức hiệu quả
Những năm qua, tỉnh An Giang luôn thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (QPAN) cho các chức sắc, chức việc tôn giáo.
Qua bồi dưỡng, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã phát huy vai trò, vận động bà con giáo dân, tín đồ đồng thuận, ủng hộ, thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tỉnh An Giang hiện có 9 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động với hơn 1,5 triệu tín đồ, chiếm 70,31% dân số. Toàn tỉnh hiện có 529 cơ sở thờ tự, 583 chức sắc, nhà tu hành, 3.359 chức việc và tu sĩ; 6 trung tâm tôn giáo gồm: Trụ sở Tòa giám mục giáo phận Long Xuyên, Văn phòng Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, Văn phòng Ban Vận động tứ ân hiếu nghĩa, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh và Bửu sơn Kỳ hương.
Theo Đại tá Nguyễn Công Danh, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh An Giang: Để các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN đạt chất lượng, hiệu quả, công tác chuẩn bị luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh An Giang quan tâm, thực hiện chặt chẽ ngay từ bước đầu. Xác định vị trí, vai trò của các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, cuối năm 2005, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức điểm việc bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo. Cụ thể, đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh chọn các sãi cả, à cha thuộc những chùa ở khu vực huyện Tri Tôn; đối với đạo Phật giáo Hòa Hảo là trưởng ban trị sự cấp xã và các chức việc trong Ban Trị sự Trung ương. Từ hai lớp thí điểm ban đầu với 156 học viên, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã mở gần 70 lớp với hơn 5.000 vị chức sắc, chức việc tham gia bồi dưỡng kiến thức QPAN.
“Qua trao đổi, tọa đàm, các vị chức sắc, chức việc đều có chung nhận định: Việc tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN giúp họ nhận thức sâu hơn và có kiến thức cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Các vị luôn chấp hành nghiêm túc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao”, Đại tá Nguyễn Công Danh nói.
Tham gia hai khóa bồi dưỡng kiến thức QPAN, Hòa thượng Chau Ty, Trụ trì chùa Soài So (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) cho biết: “Những kiến thức được trang bị qua lớp bồi dưỡng là cơ sở để chúng tôi lồng ghép vào quá trình hành đạo, tuyên truyền, giáo dục cho tín đồ không bị các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của tín đồ được cải thiện, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất để vươn lên ổn định cuộc sống”.
Giáo hữu Ngọc Mạnh Thanh, Cai quản Thánh Thất Thái Sơn (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) nói: “Nội dung bồi dưỡng kiến thức QPAN không nặng về lý luận mà được gắn chặt với thực tiễn nên chúng tôi dễ tiếp thu. Địa phương không chỉ quan tâm, tạo điều kiện mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN mà còn thường xuyên rút kinh nghiệm, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Do vậy, chất lượng các lớp bồi dưỡng ngày càng được nâng lên. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN là điều kiện để chúng tôi được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động, đường hướng, tôn chỉ mục đích giáo lý, cách hành đạo; vận dụng cái hay, cái tốt để tổ chức hoạt động cho tôn giáo mình”.
Là người trực tiếp giảng bài, Thiếu tá Nguyễn Văn Cang, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Tri Tôn chia sẻ: “Ngoài các chuyên đề về đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; xây dựng xã, phường vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… để giúp học viên hiểu bài hơn, chúng tôi còn đưa ra nhiều ví dụ phân tích, chứng minh sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Khi lên lớp, nhiều giáo viên không những sử dụng tiếng Việt mà cả tiếng Khmer giúp học viên dễ tiếp thu bài”.
Qua bồi dưỡng kiến thức QPAN, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo đã phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ, đồng bào các dân tộc. Biểu hiện rõ nét nhất là trong những ngày lễ của tôn giáo thời gian gần đây luôn ổn định về an ninh-trật tự; ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, đồng bào dân tộc Khmer không tổ chức và không tham gia “lễ 4 tháng 6” của tổ chức phản động Khmer Krôm. Người dân ở huyện Phú Tân và Chợ Mới cũng không tham gia vào nhóm Phật giáo Hòa Hảo cực đoan...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo của tỉnh An Giang vẫn còn có mặt hạn chế, khó khăn như: Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo có lúc chưa chặt chẽ; công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, nắm tình hình còn thiếu sâu sát; chưa có đội ngũ giáo viên và giảng viên chuyên sâu nên phương pháp giảng dạy có khi chưa sát với đối tượng cụ thể…
Đại tá Nguyễn Công Danh khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với việc bồi dưỡng kiến thức QPAN; phát huy vai trò tham mưu của hội đồng giáo dục QPAN đối với cấp ủy, chính quyền trong tổ chức, triển khai thực hiện; vận dụng linh hoạt các hình thức học tập, phát huy vai trò tích cực, chủ động của các chức sắc, chức việc trong việc tự bồi dưỡng kiến thức QPAN; củng cố, kiện toàn tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên có kinh nghiệm để tiến hành bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn theo hình thức tập trung thường xuyên nhằm đạt kết quả tốt hơn”.