Trên đường từ trung tâm thị trấn Bình Liêu theo QL18C lên biên giới, du khách sẽ tới một điểm đến đặc biệt ở xã Lục Hồn là đình Lục Nà - ngôi đình nằm yên bình giữa thung lũng, bao quanh là những dãy núi trùng điệp nơi biên cương, trong đó có đỉnh Cao Ba Lanh hùng vĩ.
Theo nhiều ghi chép, đình Lục Nà được xây dựng từ thời Hậu Lê, là đình hàng tổng có quy mô lớn nhất vùng với 5 gian và những hàng cột gỗ tròn có đường kính 40 - 50cm. Ngôi đình hiện nay được tôn tạo từ năm 2022 với hơn 8,5 tỷ đồng.
Với đồng bào các dân tộc bản địa Tày, Dao, Sán Chỉ… (chiếm 97% dân số huyện), đình Lục Nà là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thiêng liêng. Đình thờ thành hoàng Hoàng Cần - một tướng quân, người anh hùng đã có công đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng biên cương Đông Bắc. Người Bình Liêu bao đời nay vẫn kể cho con cháu nghe về sự tích chàng trai Tày Hoàng Cần thông minh, khỏe mạnh đã tập hợp dân làng đứng lên dẹp giặc.
Đình Lục Nà còn là địa điểm ghi dấu những mốc son lịch sử cách mạng của Bình Liêu: Ngày 20/11/1945, nhân dân các dân tộc huyện đã dự cuộc mít tinh tuyên bố thành lập Ủy ban lâm thời huyện Bình Liêu; Ngày 6/1/1946, Ủy ban lâm thời huyện tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội (khóa I) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Ngày 18/1/1946, Chủ tịch và đại diện đồng bào dân tộc ở các xã bầu ra Ủy ban hành chính huyện…
Vào mùa xuân, đình Lục Nà trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Khi mây trắng vờn quanh núi, mưa xuân lất phất bay, người Bình Liêu cùng nhau về bên mái đình, mở hội tưởng nhớ Thành hoàng và dâng lễ vật lên các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa, cầu mong cho một năm mới bình an, sung túc.
Lễ hội đình nay được phục dựng lại với quy mô lớn và những phong tục, lễ nghi truyền thống. Ngày 16 tháng Giêng khai hội, lễ rước sắc phong từ sân đình đi quanh thôn Bản Cáu, gióng trống khai hội, lễ tế thần diễn ra trang trọng.
Thanh nữ người Tày áo chàm, người Dao áo đỏ, Sán Chỉ áo xanh tươi tắn, rực rỡ cùng tham gia lễ rước, người đội mâm lễ, người cầm cờ hội, bà con dân bản xúng xính áo mới, thành kính nối nhau theo sau đoàn rước ngai…
Đông vui nhất là hội đình với các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống như hát then - đàn tính của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ; các trò chơi dân gian và môn thể thao đẩy gậy, kéo co, đánh quay, ném còn, cờ tướng, các cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng…
Các trò chơi đều không đặt nặng thắng thua bởi tinh thần giao lưu đoàn kết dịp đầu xuân mới. Bà con cũng cùng nhau trải chiếu thụ lộc ngay tại sân đình, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng khắp nơi.
Những năm gần đây, vào dịp lễ hội đình, Bình Liêu cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu đặc sắc khác như Liên hoan hát then – đàn tính cùng với các CLB từ Lạng Sơn, Cao Bằng, giúp “tiếng then bay xa hơn”.
Lễ hội đình Lục Nà cũng mở đầu cho những ngày hội tiếp theo như Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc của huyện, Hội Soóng Cọ, Hội Kiêng gió… thu hút đông đảo du khách bốn phương. Ghé thăm mái đình tựa như dáng núi biên cương, khách phương xa thêm hiểu, thêm quý những giá trị văn hóa độc đáo và tinh thần bảo vệ quê hương bờ cõi của người Bình Liêu nơi biên thùy.
Trường Giang, La Lành/VOV-Đông Bắc