Thăm ngôi nhà di sản báo chí Việt Nam
Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2014, nội dung tập trung vào tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam, được nhiều chuyên gia lịch sử, báo chí và bảo tàng nhận định 'sẽ phải mất 10 năm chuẩn bị mới có thể ra được bảo tàng!'.
Tuy nhiên, sau 3 năm thành lập (2017-2020), Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã hoàn thành không gian trưng bày thường xuyên, chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020 và trở thành một địa chỉ tham quan có hoạt động đón khách sôi nổi, liên tục từ đó đến nay.
Không gian trưng bày được tái hiện công phu
Với nguồn ngân sách đầu tư hạn chế trên tòa nhà văn phòng có sẵn, song Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đảm bảo các nội dung trưng bày chính và còn sáng tạo vượt lên ý tưởng ban đầu; tổ chức thiết kế, thi công được nhiều hạng mục tiêu biểu, được đánh giá cao như hệ thống thiết bị phục vụ nội dung trưng bày số hóa, giúp tăng cường diện trưng bày, tra cứu sâu tại chỗ; hệ thống phim tư liệu về tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam từ khi hình thành đến nay phục vụ trong từng không gian trưng bày; bước đầu hoàn thiện hàng chục bộ phim chân dung nhà báo cách mạng tiêu biểu để chiếu phục vụ khách tham quan và nghiên cứu…
Ngoài việc áp dụng những phương pháp trưng bày truyền thống, bảo tàng đã tiếp cận và áp dụng các phương pháp trưng bày hiện đại (màn hình tivi, màn hình tra cứu, trục quay ru-lô, bục trưng bày kim cương…); kết hợp công nghệ và trải nghiệm đối với các loại hình báo chí khác nhau (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử); đồng thời khai thác và giới thiệu rộng rãi tới công chúng một cách sáng tạo và hiệu quả mảng báo chí 63 tỉnh thành…
Đặc biệt, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, 95% là bản gốc gắn liền với những sự kiện quan trọng, những câu chuyện độc đáo, đặc sắc của lịch sử báo chí Việt Nam đã được tuyển chọn, thẩm duyệt kịp thời phục vụ trưng bày và giới thiệu rộng rãi tới công chúng trong các không gian trưng bày của Bảo tàng.
Hút khách trong và ngoài nước
Mặc dù mở cửa trong bối cảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 3 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đón trên 20.000 lượt khách tham quan, trong đó có hàng trăm lượt khách quốc tế.
Nhà báo Dương Đức Đà Trang, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi trẻ trong chuyến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xúc động khi nhìn ngắm kỷ vật là chiếc ăng-gô mà cha anh, nhà báo Dương Đức Quảng, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng sử dụng trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Nhà báo Đà Trang chia sẻ: Thật hạnh phúc khi lần đầu tiên được thăm Bảo tàng Báo chí, từ nay làng báo có “Ngôi nhà chung”. Tôi tự hào khi được “gặp lại” kỷ vật là chiếc ăng-gô của Nhà báo Dương Đức Quảng được trưng bày tại Bảo tàng và hãnh diện được là một nhà báo tiếp nối truyền thống cha anh”.
Vào dịp khai trương, Bảo tàng đã ký kết “hợp tác chiến lược” với 02 cơ sở đào tạo báo chí lớn trong nước là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Báo chí và Truyền thông – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, “coi Bảo tàng Báo chí là giảng đường thứ 2”. Đây là một hướng đi tạo sự chủ động cho các bên về lâu dài và có ý nghĩa sâu sắc, có hiệu quả trực tiếp cho hoạt động quảng bá, giáo dục truyền thông sâu rộng của bảo tàng. Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện là địa điểm học tập ngoại khóa bổ ích của các bạn sinh viên.
Gia đình họa sĩ George Burchett, con trai nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett, sau khi tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhận xét rằng "Bảo tàng đã làm nổi bật được cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập, thống nhất và tự do của Việt Nam thông qua công việc của những người làm báo Việt Nam.
Đây cũng là bảo tàng độc đáo với các câu chuyện được kể một cách hiệu quả và cuốn hút. Tôi rất tự hào về đóng góp của cha tôi, nhà báo Australia Wilfred Burchett đối với cuộc chiến đấu quả cảm của nhân dân Việt Nam”, Ông George chia sẻ trong sổ cảm tưởng của Bảo tàng.
Trưng bày báo chí 63 tỉnh, thành và báo chí Bắc Kạn
Bảo tàng Báo chí Việt Nam dành một phần không gian trang trọng tầng 2 để phục vụ trưng bày báo chí 63 tỉnh, thành. Tại đây, Bảo tàng trưng bày báo chí các tỉnh, thành theo các ô với thứ tự vị trí địa lý từ Bắc vào Nam. Trên các ô là hình ảnh đồ họa giới thiệu tổng quan về báo chí địa phương, các cơ quan báo chí và các hình ảnh hoạt động báo chí của từng địa phương. Trong mỗi ô trưng bày tài liệu, hiện vật báo chí của địa phương đó.
Báo chí Bắc Kạn có một ô gồm 3 mặt trưng bày đồ họa nêu các nét chính của lịch sử báo chí Bắc Kạn và măng-sét các cơ quan báo chí hiện nay ở Bắc Kạn. Bên cạnh đó, Bảo tàng bố trí màn hình số hóa riêng để trưng bày các hình ảnh, phim tư liệu về báo chí Bắc Kạn.
Các tỉnh, thành khác cũng được Bảo tàng bố trí 34 màn hình tương tác cảm ứng và 3 màn hình tivi để khách tham quan trải nghiệm. Các màn hình này đăng tải hình ảnh, trang báo và phim liên quan đến báo chí các tỉnh thành phù hợp với các thời kỳ. Với lượng thông tin lên tới 2TB và kết nối trực tuyến với máy chủ, cán bộ bảo tàng có thể dễ dàng đăng nhập để quản lý và cập nhật thông tin số hóa trưng bày theo thời gian thực ở bất kỳ đâu.
Việc đưa các màn hình tra cứu số hóa đã giúp Bảo tàng đăng tải lượng thông tin phong phú, liên tục trong điều kiện diện tích trưng bày còn khiêm tốn, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Chia sẻ về hoạt động đón khách của Bảo tàng, bà Trần Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Bảo tàng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tốt; được công chúng trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, nhiều chuyên gia bảo tàng - lịch sử - báo chí, các nhà nghiên cứu và nhà báo đánh giá tích cực về nội dung và hình thức trưng bày”.../.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/tham-ngoi-nha-di-san-bao-chi-viet-nam-post53291.html