Thăm ngôi nhà nơi Bác Hồ soạn thảo 'Tuyên ngôn Độc lập'

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tới thăm ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo 'Tuyên ngôn Độc lập' khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Dù 79 năm trôi qua nhưng những kỷ vật trong căn nhà còn vẹn nguyên, du khách tới thăm đều cảm nhận được không khí sục sôi của ngày Độc lập.

Một chứng nhân lịch sử

Bước vào không gian chứa đựng hồi ức của cả dân tộc, chúng tôi như chìm đắm trong dòng sử ký hào hùng của những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử năm 1945. Được biết, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là cửa hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa lớn vào bậc nhất ở Hà Nội vào những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống nằm gần cuối phố Hàng Ngang. Đây là nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và vợ ông bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời, đồng thời cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và đưa ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

Khu tầng 2 - nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương.

Khu tầng 2 - nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương.

Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trước Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đồng chí Khuất Duy Tiến liên hệ và giác ngộ cách mạng cho chủ nhà là ông Trịnh Văn Bô. Không lâu sau đó, cả gia đình ông tham gia Mặt trận Việt Minh vì vậy đây là cơ sở tin cậy của Việt Minh ở nội thành Hà Nội. Đặc biệt hơn đây là ngôi nhà cao tầng ở phố Hàng Ngang có cửa sắt chắc chắn, thuận lợi cho công tác bảo vệ.

Ngôi nhà có 2 cổng, cổng chính là số 48 Hàng Ngang, cổng sau là số 35 Hàng Cân. Do đây là ngôi nhà cao tầng nên có thể bao quát được xung quanh, từ trên gác 2, gác 3 có thể bước sang nóc nhà bên cạnh mà không cần phải qua cầu thang hoặc xuống đường nên khi có động rất dễ di chuyển. Cửa hàng lớn khách ra vào tấp nập do vậy, ngôi nhà 48 Hàng Ngang hoàn toàn thuận lợi cho Bác và các đồng chí Trung ương Đảng ở và làm việc.

Lúc đầu, ông bà Trịnh Văn Bô mời Bác lên ở tại gác 3 làm việc cho yên tĩnh nhưng Bác không thích ở một mình nên Bác chỉ ở đó 2 tối. Sau đó các đồng chí Trung ương đã bố trí cho Bác ở và làm việc trong căn phòng nhỏ thông với phòng khách (thuộc tầng 2). Căn phòng nhỏ có kê một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành có lưng tựa cao bọc vải trắng và một chiếc ghế dài. Chính trong căn phòng này, tranh thủ từng giờ từng phút, Người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thời gian Bác ở đây, những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, mặc chiếc quần nâu bạc, ngồi trầm ngâm ở đó làm gì và họ cũng không hề biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử trọng đại.

Gần 80 năm đã trôi qua, ngôi nhà vẫn được giữ nguyên kiến trúc năm xưa. Riêng tầng 1 ngôi nhà trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác và hiện vật như bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, các di ảnh, đồ vật của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng. Khu tầng 2 là nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương, được giữ nguyên nội thất với những hiện vật đã có. Trong đó, đặt ở giữa là chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, 8 ghế tựa đặt ở hai bên, một ghế lớn ở đầu.

Tại chiếc bàn này, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương đã thông qua 3 nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ Lâm thời. Một căn phòng khác trong tầng 2 chính là nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945). Căn phòng còn có 1 tủ nhỏ, 1 chiếc giường nằm nghỉ. Khi viết xong, Bác tổ chức họp để thông qua Tuyên ngôn Độc lập. Còn tầng 3 của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương.

Địa chỉ đỏ về lòng yêu nước

Từ nhiều năm nay, đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Đặc biệt vào ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, lượng du khách tăng đột biến. Đã có rất đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập. Sinh viên các trường đại học thường xuyên tập hợp thành từng nhóm là những tình nguyện viên hướng dẫn khách du lịch tại di tích 48 Hàng Ngang.

Bạn Trần Anh Khoa (sinh năm 2001, sống tại thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Đây là lần thứ 2 em tới Hà Nội, những lần trước em đã tham quan được một số di tích như Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, lần này đến Hà Nội dịp Quốc khánh em đã lựa chọn địa điểm số nhà 48 Hàng Ngang để tham quan.

Du khách tham quan di tích ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. (Ảnh: Lê Thắm)

Du khách tham quan di tích ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. (Ảnh: Lê Thắm)

“Em rất thích tìm hiểu về lịch sử và những sự kiện liên quan tới Bác Hồ. Khi đến đây, em cảm thấy xúc động vì tại nơi này, toàn bộ những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được Người khởi thảo và thành văn. Tại đây cũng có một số tranh, ảnh và lời giới thiệu giúp thế hệ trẻ như em hiểu rõ hơn hoàn cảnh, điều kiện ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo 79 năm về trước”, anh Khoa chia sẻ.

Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, năm 1979, nhà số 48 phố Hàng Ngang được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH /QĐ ngày 29/4/1979.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, hướng dẫn viên tại Di tích nhà số 48 Hàng Ngang tâm sự: “Mặc dù là hướng dẫn viên gắn bó với ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã lâu nhưng mỗi lần được tiếp từng đoàn khách, gợi mở cho mọi người từng câu chuyện, đồ vật về ngôi nhà và cả về chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc tôi lại cảm thấy hết sức tự hào và xúc động. Tôi mong rằng mỗi mảnh ghép của lịch sử ở đây chính là món quà nghĩa tình lớn nhất khi du khách có dịp ghé qua”.

Được biết, vào những ngày cận kề Quốc khánh 2/9, lượng khách đến thăm ngôi nhà số 48 Hàng Ngang khá đông, ngoài khách lẻ là du khách nước ngoài, học sinh, sinh viên, những người yêu lịch sử, di tích còn đón thêm các đoàn tham quan của các cơ quan tổ chức. Ngoài ra, nhà số 48 Hàng Ngang cũng đang phát huy tốt vai trò là địa chỉ đỏ về lòng yêu nước khi được nhiều cơ quan, tổ chức lựa chọn làm nơi sinh hoạt đoàn, đội, kết nạp đảng viên…

Năm tháng qua đi, những hiện vật về cuộc đời hoạt động của Bác, nhất là những hiện vật gắn với dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn đang được giới thiệu sống động. Nhưng điều đáng nói hơn là những câu chuyện xúc động, thiêng liêng về tư tưởng, đạo đức của Người. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Người luôn để lại bài học về tinh thần đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân cho hậu thế.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tham-ngoi-nha-noi-bac-ho-soan-thao-tuyen-ngon-doc-lap-176127.html