Thăm nhà của 'phù thủy dựng phim' ở La Habana

Đến La Habana mà không thăm Viện Phim và xem phim của Santiago Álvarez thì quá phí. Ông sang Việt Nam 14 lần, trong đó 12 lần giữa chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ông làm những bộ phim tài liệu nghệ thuật bất hủ về chiến tranh Việt Nam, về Hồ Chí Minh. Và ông là nhà làm phim kinh điển của thế giới chứ không phải chỉ riêng của Cuba.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà làm phim Santiago Álvarez

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà làm phim Santiago Álvarez

Chúng tôi đến nhà ông Santiago Álvarez vào một chiều nắng khô. Căn hộ này có thang máy đi lên mở ra liền áp ngay vào cửa. Tôi chưa thấy ở đâu một căn hộ như thế. Bà Lazara Herrera – vợ nhà làm phim tài liệu Santiago Álvarez, sống cùng hai người em gái ở đó. Căn nhà đầy ắp kỷ niệm. Những bức ảnh và poster các liên hoan phim quốc tế mà Santiago Álvarez đã tham gia. Ở vị trí trang trọng là những bức ông chụp cùng Hồ Chí Minh, cùng Fidel Castro, cảnh làm phim tài liệu ở Việt Nam.

Bà Lazara gây ấn tượng với tính cách cương nghị, uy quyền song hài hước, tinh tế. Trước khi đến đây, bà Maria Llorens – tên Việt Nam là Hiền, đã cho tôi biết toàn bộ di sản của Santiago Álvarez còn đó, nhờ bà vợ. Chị là bạn thân của bà Lazara– bà Hiền nói. Hiền Maria Llorens từng công tác ở Việt Nam nhiều năm và tự nguyện làm phiên dịch cho tôi ở Cuba.

Chúng tôi ngồi bên những cốc rượu rum và xì gà đúng kiểu Cuba. Chiều hôm ấy, trước khi đi, Hiền Maria lục chiếc hộp cũ kỹ bên trong lổng chổng những điếu xì gà dân dã bản địa, chỉ dành cho bạn thân (bà Hiền Maria chỉ hút thuốc lá). Đi qua một cửa hàng không biển hiệu, bà Hiền vẫy tôi ghé vào mua một chai rượu ngon, loại rượu phải mua bằng ngoại tệ. Tôi rút ví, nhưng bà ngăn lại “Chị mua rượu để đãi bạn, đây là việc của chị”. Tôi ngạc nhiên, đó là số tiền lớn với đời sống ở Cuba hiện tại.

Santiago Álvarez gắn với huyền thoại có thật: ông đến Việt Nam dự lễ viếng đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969) cùng đoàn đại biểu Cuba. Vào không phận Bắc Việt, tiêm kích Mỹ áp sát và yêu cầu họ quay trở về nếu không muốn bị bắn hạ. Phía Cuba tuyên bố: “Chúng ta không quay đầu lại trước lễ tang người bạn của chúng ta”.

Từ chuyến đi đáng nhớ này, Santiago Álvarez thực hiện bộ phim "79 Mùa xuân". Lần đầu tiên, có một phim tài liệu mang phong cách Mỹ Latinh về cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh với góc nhìn chân thực, giản dị và sâu sắc. Bà Lazara kể: Khi xem ông ấy dựng phim, tôi ngạc nhiên: Sao anh lại dùng nhạc rock trong một phim nhiều đau thương mất mát như vậy? Ông nói: Đau thương mất mát nhưng dân tộc ấy, đất nước ấy vẫn mạnh mẽ chiến đấu. Vậy thì chỉ có nhạc rock mới phù hợp. Álvarez là thế, ông không hổ danh là “phù thủy dựng phim”.

Trong tư liệu của Viện Nghệ thuật và Điện ảnh Cuba, Hà Nội, thứ Ba ngày 13 (1967) được đánh giá là một kiệt tác của đạo diễn Santiago Álvarez và quay phim Ivan Napoles. Hai người thực hiện bộ phim dưới tầm bom đạn bằng những chiếc camera cầm tay, dựng thêm bằng những mảnh phim chắp vá lấy được từ các đội thông tin của Mỹ và họ không có thiết bị ghi âm nào. Nhưng Hà Nội, thứ Ba ngày 13 trở thành một trong những bộ phim lớn nhất từng được sản xuất về chiến tranh Việt Nam.

Nói về bộ phim này, bà Lazara Herrera kể thêm “ông ấy đã sớm biết trước Mỹ sẽ cho máy bay bay từ phía biển vào để đánh phá miền Bắc Việt Nam, nhưng vẫn không thể ngờ Mỹ lại đánh vào Hà Nội – một thành phố đông dân như thế”.

Lazara Herrera sinh 1946, trong khi chồng bà sinh năm 1919. Bà nói: “Tôi gặp ông ấy lần đầu khi tôi 18 tuổi và trở thành một người vợ hạnh phúc. Tôi tự hào vì người chồng đã 14 lần đi Việt Nam, trong đó có 12 lần giữa chiến tranh. Ông là người hiếm hoi quay được phim về sự hủy diệt của bom Mỹ tại Hà Nội”. Ông bà có một người con trai, hiện sống ở Tây Ban Nha.

Có lúc hai người bạn thân cùng nghề phiên dịch nói chuyện riêng, đùa vui, kể chuyện tiếu lâm với nhau, tôi tranh thủ đi xem tranh ảnh và ngắm cảnh sống của những người cán bộ về hưu ở Cuba (hai người em gái của bà Lazara đều nguyên là cán bộ, giáo viên). Căn hộ nhiều phòng nhưng ít đồ đạc, mấy bao lương thực, củ quả để gần ban công. Cuba đang trong thời kỳ khó khăn đặc biệt do lệnh cấm vận của Mỹ. Từ ban công nhà Lazara Herrera và Santiago Álvarez, tôi nhìn thấy biển xanh vắng bóng tàu thuyền bên cạnh đại lộ Malecon…

Lazara Herrera tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Pháp trường Makxim Gorky ở La Habana; Sau đó hoàn thành chương trình học cấp cao và sau đại học tại Pháp. Bà là phiên dịch cao cấp của chính phủ, người đồng sáng lập tổ chức Phục vụ hội nghị Cuba. Là thành viên Ban Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình của Liên minh Nhà văn và Nghệ sĩ Quốc gia Cuba (UNEAC) và Tổng Hiệp hội Tác giả Tây Ban Nha (SGAE). Bà hợp tác với nhiều tạp chí và nhà xuất bản trong vai trò viết bài và dịch thuật về điện ảnh và văn hóa. Từ năm 1980, bà hợp tác chặt chẽ với chồng mình, nhà làm phim Santiago Álvarez, tham gia sản xuất nhiều phim tài liệu.

Câu chuyện với bà Lazara miên man trong những kỷ niệm về người chồng nổi tiếng. “Anh ấy là một người đàn ông rất nhạy cảm và điều đó được phản ánh trong công việc của anh”, bà Herrera sôi nổi kể. Ông vốn là người phụ trách kho lưu trữ âm nhạc trên đài phát thanh và vào nghề làm phim lúc đã trên 40 tuổi. Hoàn toàn tự học. Álvarez đã từng nói vui: “Cho tôi 2 tấm ảnh, 1 bản nhạc và 1 máy dựng, và tôi sẽ cho ra đời một bộ phim”. Phong cách dựng phim của ông đặc biệt rất mới vào những năm 60 của thế kỷ trước, giờ đây được coi là tiền thân của phim video ngắn hiện đại. Lazara Herrera kể và cười sảng khoái: Anh ấy gọi đây là “lối dựng phim bồn chồn”.

Bà Lazara tặng tấm Poster có hình Santiago Álvarez cho tác giả bài viết

Bà Lazara tặng tấm Poster có hình Santiago Álvarez cho tác giả bài viết

Bà cho biết thêm về lối sống lý tưởng của ông: “Anh ấy nói rằng một người không thể đi đường này ở nơi làm việc và cách khác ở nhà”.

Cũng nên có vài dòng trích ngang về nhà làm phim tài liệu kiệt xuất Santiago Álvarez Román: Sinh ngày 18/3/1919, tại khu phố cổ ở thủ đô La Habana, Cuba. Năm 14 tuổi, ông làm việc trong một xưởng in, đồng thời học lớp buổi tối. Năm 19 tuổi, ông phải bỏ dở đại học y vì thiếu tiền. Thử vận may, ông lên tàu thủy đến New York (Mỹ) chỉ với vài đô-la trong túi. Ở Mỹ, thoạt đầu ông làm công việc rửa bát ở tiệm ăn và đi học một trường do ĐCS Mỹ tổ chức.

Cách mạng Cuba thành công (1959), Santiago Álvarez trở thành một trong 4 người sáng lập Viện Công nghiệp và Nghệ thuật điện ảnh Cuba (ICAIC). Những năm tiếp theo, ông là Tổng biên tập “Bản tin Mỹ - Latin” của ICAIC, đồng thời hướng đến việc làm phim tài liệu như một “nghệ thuật có quan điểm”. Chính 1.492 bản tin ICAIC và hơn 60 phim tài liệu có giá trị lịch sử xã hội, nghệ thuật của ông đã được UNESCO công nhận là Ký ức của Thế giới.

Đài Radio Miami Today, nhận định: Santiago Álvarez là biểu tượng vĩ đại không chỉ đối với điện ảnh Cuba mà còn đối với phong trào sáng tạo thế giới trong nghệ thuật thứ bảy. Santiago Álvarez đã đề xuất một thẩm mỹ mới mẻ cho đến thời đại chúng ta hiện nay.

Còn người vợ và cũng là người ngưỡng mộ ông kết luận: “Santiago Álvarez khó có thể bị lãng quên, anh ấy thật tuyệt vời, một con người đặc biệt, tự hào là người Cuba, rất trung thành và là “người sao Hỏa” đến tận xương tủy”. Tôi có hỏi sao lại là “người sao Hỏa”, bà cười lớn: Ý tôi nói, anh ấy đặc biệt kiểu người hành tinh khác!

Sau khi ông qua đời, năm 1998, bà Lazara trở thành giám đốc văn phòng Di sản của Santiago Álvarez đến nay. Từ năm 1999, bà chủ trì Liên hoan phim tài liệu quốc tế mang tên chồng mình (Santiago Álvarez In Memorian - có trụ sở tại thành phố Santiago de Cuba). Từ năm 2000, bà tham gia nhiều hội nghị và tổ chức triển lãm, chiếu phim để quảng bá và phổ biến tác phẩm của Álvarez và các nhà làm phim kinh điển Cuba tại Mexico, Argentina, Tây Ban Nha, Brazil, v.v.

Tòa nhà ICAIC ở thủ đô La Habana

Tòa nhà ICAIC ở thủ đô La Habana

Chính vì thế, hôm sau chúng tôi đến thăm ICAIC, nơi có văn phòng Di sản của Santiago Álvarez ở địa chỉ số 1155, Đường Rampa - 23, khu Vedado, La Habana. Đây là nơi đăng cai Liên hoan quốc tế điện ảnh Mỹ Latinh mới. Trước cách mạng, địa điểm này là Câu lạc bộ điện ảnh Havana, được thành lập bởi một người Anh. Điện ảnh Cuba thời đó chỉ sản xuất vài phim giải trí mỗi năm, có cả phim “tươi mát”… Sau này, đến nửa đầu những năm 1970, chính phủ mới đã sản xuất được tổng cộng 500 bộ phim thời sự, 300 bộ phim tài liệu ngắn cùng trên 50 bộ phim truyện. Thời điểm này, nhiều bộ phim Cuba đã đạt đủ chất lượng để có thể xuất khẩu sang châu Âu và Liên Xô.

Tòa nhà ICAIC rất lớn, là nơi lưu trữ phim rất quy mô và công phu. Đáng tiếc, hôm đó do không có sự chuẩn bị, chúng tôi không được xem một số phim tư liệu như mong muốn. Văn phòng Di sản của Santiago Álvarez cũng là căn phòng ông làm việc trong hầu hết sự nghiệp. Nó khá khiêm tốn về diện tích nhưng có không khí trang trọng, chu đáo. Tất cả là nhờ chính sách về bảo tồn vốn rất đáng ngưỡng mộ của Cuba, và tất nhiên là nhờ chính bà vợ của ông.

Nói đến bảo tồn, có một chi tiết thú vị. Bà Lazara đã được Bảo tàng La Guayabera (Quốc phục) mời đến khi bà hiến tặng một chiếc guayabera (áo sơ mi truyền thống, được coi là quốc phục Cuba) mà ông Álvarez từng sử dụng. Bảo tàng rất trân trọng, nhận chiếc áo này nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Bảo tàng độc đáo ở Thành phố Sancti Spiritus này hiện trưng bày 272 chiếc áo và nhiều hiện vật liên quan. Trong số này, có áo từng được sở hữu bởi những người nổi tiếng trao tặng lại, chẳng hạn như áo của Fidel và Rául Castro, hay áo của nhà văn từng đoạt giải Nobel - Gabriel García Márquez.

Đến thăm Việt Nam năm 2016, do Viện ICAIC mời, bà Lazara rất ngưỡng mộ sự đổi mới của Việt Nam. Như khá nhiều trí thức Cuba, bà mong mỏi quê hương bà sớm thay đổi theo đường lối đổi mới.

ICAIC là trung tâm lưu trữ phim lớn của Mỹ Latinh

ICAIC là trung tâm lưu trữ phim lớn của Mỹ Latinh

Bà cũng nhắc đến bộ phim “Đôi mắt của Santiago”, được khởi quay từ đầu tháng 6/2013. Đây là bộ phim tài liệu về sự thay đổi của Việt Nam sau những năm chiến tranh, được các đạo diễn và phóng viên truyền hình của Viện Nghệ thuật và Điện ảnh Cuba (ICAIC) khởi quay tại Việt Nam. Câu chuyện về bộ phim này thì dài, nhưng nói như vậy để thấy ảnh hưởng của Santiago Álvarez trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba lớn đến thế nào.

Khi chia tay, bà Lazara tặng tôi cuốn “Nghệ thuật và cam kết: một thế kỷ của Santiago Álvarez”, một cuốn tạp chí chuyên đề về nhà làm phim tài liệu nổi tiếng. Có thể thấy, Santiago Álvarez là một nhân vật lớn không thể lãng quên...

Lê Anh Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tham-nha-cua-phu-thuy-dung-phim-o-la-habana-post1648612.tpo