Thấm nhuần lời dạy của Bác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh
Hôm nay (19/5), toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Đối với giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác cũng là dịp để mỗi công nhân, đoàn viên thấm nhuần hơn nữa tư tưởng và những lời dạy của Người để giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh góp phần phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, đất nước hùng cường.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng tiến tới thành lập chính đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) để lãnh đạo cách mạng tiến hành giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của giai cấp công nhân. Bởi thế, việc giác ngộ ý thức cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin cho công nhân lao động đang làm việc tại các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền… ở Việt Nam có ý sống còn.
Tuy nhiên, muốn tập hợp được sức mạnh của giai cấp công nhân, người lao động, theo Người phải có một tổ chức chính danh, đó là tổ chức Công hội. Người đã khái quát một số chức năng, nhiệm vụ của Công hội đó là: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình với nhau; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Ngày 28/7/1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc, tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác Công đoàn và phong trào công nhân. Ngày 5/11/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108-SL/L.10 ban hành Luật Công đoàn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.
Trước đó, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học viên Trường cán bộ Công đoàn ngày 19/1/1957, Người nêu rõ 6 nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn, trong đó khẳng định: “Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu: Công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân”...
Đối với cán bộ Công đoàn, Bác căn dặn: “Cán bộ Công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật… Cán bộ Công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.
Còn trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Bác nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải công nhận rằng, đại đa số công nhân ta cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay… Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng… Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh lao động”.
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, trong suốt chiều dài lịch sử, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển và trưởng thành, có những đóng góp quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Tổ chức Công đoàn đã trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động của cả nước; Công đoàn Việt Nam đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng và Nhà nước.
Để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, ngày 28/1/2008, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nhờ có Nghị quyết quan trọng này, các vấn đề liên quan đến công nhân đã được cải thiện rõ rệt suốt thời gian qua, trong đó nổi bật là nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, chính sách nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, lương, thu nhập và các phúc lợi xã hội khác đi kèm.
Thời kỳ mới, tình hình mới, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cả cấp độ đa phương, lẫn song phương, đặc biệt với việc chúng ta cho phép có nghiệp đoàn độc lập hoạt động trong doanh nghiệp, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02 về “đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02 không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với phong trào công nhân lao động, tổ chức Công đoàn mà thực sự là động lực để tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Thủ đô nói riêng ngày càng phát triển.
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn, mỗi đoàn viên, người lao động của Thủ đô luôn thấm nhuần và khắc ghi những lời dạy của Bác, nguyện đoàn kết một lòng, ra sức học tập, lao động, sản xuất để nâng cao năng suất lao động góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực./.