Thấm nhuần phương châm 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương...'

Phương châm 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt' thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Đây là phương châm định hướng, điều chỉnh hành vi của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong xử lý, giải quyết các mối quan hệ trong đơn vị, tự nguyện gắn bó với đơn vị, với biên giới, với đồng bào các dân tộc, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Ngay sau ngày thành lập (3-3-1959), hưởng ứng phong trào thi đua do Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương (nay là BĐBP) phát động, trên khắp mọi miền biên cương, bờ biển và giới tuyến, toàn lực lượng với các phong trào thi đua sôi nổi, như: “Coi đồn là nhà”, “Coi biên giới là quê hương thứ hai”, “Giỏi một xóm, biết nhiều nhà”... BĐBP đã đúc kết thành phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

 Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các lực lượng chức năng và nhân dân đoàn kết bảo vệ vững chắc biên cương. Ảnh: VÕ TIẾN

Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các lực lượng chức năng và nhân dân đoàn kết bảo vệ vững chắc biên cương. Ảnh: VÕ TIẾN

Dưới góc độ tập thể, phương châm này được biểu hiện cao nhất ở quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Dưới góc độ cá nhân, phương châm này biểu hiện trước hết là tinh thần tận tụy, sự cống hiến không tính toán, do dự đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cùng với sự tận tụy, cống hiến là tình cảm, lòng kính trọng, lễ phép, yêu thương đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới; là sự quý trọng mỗi bờ cỏ, ngọn cây nơi địa đầu Tổ quốc; là sự chung sức, chung lòng, đoàn kết, thân ái, giúp đỡ đồng chí, đồng đội; là tinh thần vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để bám đất, bám dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Để đồn biên phòng thực sự là “nhà” trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, BĐBP đã tranh thủ mọi nguồn lực đẩy nhanh công tác xây dựng cơ bản từ cơ quan Bộ tư lệnh đến BĐBP các tỉnh, thành phố, hệ thống đồn, trạm trên toàn tuyến biên giới, biển, đảo. Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo và phát động các phòng, ban, đồn, trạm thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Các đơn vị chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của lực lượng, đơn vị để cán bộ, chiến sĩ hiểu và thêm yêu quý, gắn bó với nơi mình đóng quân.

Thực hiện phương châm “Biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, kiên trì bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, biển, đảo, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân, động viên, giúp đỡ đồng bào đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, dạy chữ, chữa bệnh, xóa bỏ tập tục lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực biên giới. Phát huy truyền thống của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, các đơn vị BĐBP phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân đẩy mạnh hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thực hiện “3 bám", "4 cùng" (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương), tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.

Các đơn vị BĐBP phối hợp với các lực lượng và chính quyền, nhân dân địa phương phát động, tổ chức thực hiện 22 phong trào, mô hình, cuộc vận động ở khu vực biên giới, tiêu biểu như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản biên giới”; mô hình "Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc Chứt, dân tộc La Hủ và tộc người Đan Lai”; các chương trình “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Biên cương-Đêm hội trăng rằm”... Các phong trào, chương trình, mô hình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc.

Trong tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, những năm qua, BĐBP đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Hiện nay, BĐBP đang triển khai 122 cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện, 433 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 291 đồng chí cán bộ tăng cường xã; tham mưu với các địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn hơn 23.200 tổ chức đảng, gần 36.200 tổ chức chính trị-xã hội... Các đồn biên phòng duy trì phân công hàng nghìn lượt đảng viên phụ trách hơn 40.000 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Vận động, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố hạ tầng cơ sở ở nông thôn, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm, vạch mặt những đối tượng lợi dụng tôn giáo, kích động quần chúng chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Trước những khó khăn, phức tạp về địa hình, dân tộc, tôn giáo, đời sống xã hội, dân trí nhiều nơi còn thấp... BĐBP đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, thói quen của người dân từ thụ hưởng sang chủ động, từ cách làm truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật; từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa... Các đơn vị đã có nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào từ phương thức canh tác, nuôi trồng đến vệ sinh xóm, bản, sinh hoạt trong mỗi gia đình. Tích cực tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương biên giới, biển, đảo xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng hạ tầng cơ sở thôn, bản theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa và từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ BĐBP gác lại việc riêng căng mình trên các tuyến biên giới phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh đã tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Nặm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ngô. Ảnh: HUY DƯƠNG

Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Nặm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây ngô. Ảnh: HUY DƯƠNG

BĐBP tích cực, chủ động tham mưu, tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên biên giới; quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm, vạch mặt những đối tượng lợi dụng tôn giáo, kích động, lôi kéo quần chúng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự; vận động những người lầm đường lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã vận dụng nhiều phương pháp để xây dựng cơ sở chính trị, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trở thành đảng viên, phát huy truyền thống, niềm tự hào của mỗi dân tộc, dòng họ xây dựng nền tảng tinh thần thành khối đại đoàn kết các dân tộc vững chắc.

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, làm nền tảng xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp. Gần 66 năm qua, hàng nghìn tấm gương điển hình tiên tiến đã dành trọn cuộc đời mình cho đồn, cho bản, cho biên giới và đồng bào các dân tộc. Đồn biên phòng thực sự là nhà, biên giới là quê hương; bà con các dân tộc, dòng họ thực sự nhận các anh là con em ruột thịt. Hình ảnh “người chiến sĩ quân hàm xanh”, “thầy giáo quân hàm xanh”, “thầy thuốc quân hàm xanh”... luôn in đậm trong lòng nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp BĐBP hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ nghị lực và tâm thế của mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP, phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” được truyền lại qua các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, với biên cương và đồng bào các dân tộc anh em. Phương châm ấy đã trở thành tài sản tinh thần của mỗi người lính quân hàm xanh, của toàn lực lượng BĐBP, lặng lẽ mà ngọt lành như suối nguồn biên giới để bồi đắp nên những giá trị nhân văn trong tâm hồn của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” dù đã trải qua hơn 6 thập kỷ kể từ ngày phát động, đến nay vẫn còn nguyên giá trị; là chất keo kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối những người đi sau với thế hệ đi trước, tạo sự đoàn kết, gắn bó mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đơn vị, góp phần tạo ra sự thống nhất ở chuẩn mực hành vi, lối sống, phong cách sống vì lợi ích tập thể của những người lính biên phòng.

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa phương châm này, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Tích cực, tự giác trong tiếp nhận, sáng tạo, lan tỏa hình ảnh BĐBP, giá trị truyền thống "đồn là nhà, biên giới là quê hương..." gắn với phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Coi trọng đoàn kết nội bộ, chan hòa tình đồng chí, đồng đội, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị gắn với thực tiễn công tác, xây dựng lối sống cao đẹp, đề cao nhiệt tình, trách nhiệm đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các chương trình, dự án về phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý, bảo vệ biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN ANH TUẤN, Chính ủy Bộ đội Biên phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/su-menh-thoi-binh/tham-nhuan-phuong-cham-don-la-nha-bien-gioi-la-que-huong-806903