Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
Các công trình đều hướng đến bảo đảm tính bền vững và hiệu quả quá trình khai thác của dự án, công tác thiết kế, các yếu tố về tần suất lũ, kịch bản biến đổi khí hậu,…
Giúp nông dân “sống khỏe”
Gia đình ông Võ Văn Út (tỉnh Kiên Giang) có 2ha đất làm nông nghiệp, nhưng năm nào cũng chật vật vì đất ruộng nhiễm mặn, nhất là vào vụ đông xuân.
Từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đưa vào vận hành đã giúp kiểm soát nguồn nước, ông và các hộ dân nơi đây không còn nỗi lo nước mặn xâm nhập làm chết cây trồng. Hơn 1 năm trước, ông mạnh dạn chuyển sang mô hình “3 tầng”, trồng khóm – cau - dừa trên cùng đơn vị diện tích bên bờ sông Cái Bé. Trồng 3 loại cây kết hợp giúp ông thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.
Ông Tuấn là một trong số hàng nghìn nông hộ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu tác động ngày càng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Những năm qua, khi đất đai khô kiệt, không thể canh tác đã khiến nhiều gia đình lũ lượt rời bỏ thôn quê, lên các thành phố lớn làm công nhân.
Từ tháng 3/2022, khi dự án siêu cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé chính thức được khánh thành, đưa vào vận hành đã giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Công trình còn góp phần phòng chống thiên tai, cháy rừng, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng, cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông bộ...
Và quan trọng nhất đã giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, sống khỏe và làm giàu trên chính ruộng vườn của mình thông qua những mô hình sinh kế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Đặng Ngọc Giao, tỉnh có địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của cả triều biển Đông và biển Tây, hệ sinh thái chủ yếu là nước ngọt. Từ khi dự án Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành, tỉnh đã hạn chế được việc bị nhiễm mặn, chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, ổn định năng suất.
Hậu Giang cũng đã xây dựng 4 mô hình sinh kế. Các mô hình: Tôm - Lúa, Lúa - Rau màu, mô hình: Mãng cầu, mô hình Khóm - Thủy sản đã cho thấy hiệu quả khi nông dân tham gia đã có sự gia tăng đáng kể về lợi nhuận thu nhập kinh tế (tăng 2 đến 2,5 lần so trước đây).
Khoảng 5 năm trở lại đây, vùng ĐBSCL đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi "khủng" để ứng phó với hạn mặn hay các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nông nghiệp xanh, thuận thiên với phương pháp canh tác dựa theo quy luật của tự nhiên đang được chú trọng phát triển, giúp nông dân có thể yên tâm sản xuất ngay trong “mùa thiên tai”, tiếp tục tục gắn bó với quê hương ruộng vườn của mình.
Cùng thời điểm này, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, cộng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ…, nhiều dự án cao tốc đã được đầu tư mạnh mẽ cho vùng ĐBSCL. Song song đó, các chương trình xây dựng nông thôn mới ở khắp nơi cũng hoàn thành. Những con đường láng bon, nối từ thôn quê ra phố thị đã cải thiện, kết nối hạ tầng giao thông một cách đồng bộ.
“Chìa khóa” từ hạ tầng thủy lợi và giao thông
Những năm qua, biến đổi khí hậu tác động tiềm tàng đến hệ thống đô thị khu vực ĐBSCL, đặc biệt là vấn đề sạt lở, sụt lún khiến mất đất đô thị và thiệt hại về tài sản của người dân, đặc biệt ở những khu vực trũng thấp.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng ngập úng, ô nhiễm hệ thống nước cấp, gia tăng ô nhiễm môi trường do hệ thống thu gom rác thải, nước thải bị gián đoạn.
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, trong đó, ĐBSCL được cảnh báo là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng.
Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó, một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và thành phố Cần Thơ.
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng ÐBSCL. Nhờ đó, đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ÐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt…
Từ năm 2019, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức – GIZ đã triển khai dự án MCRP và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai triển khai thực hiện tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Đức. Dự án MCRP đang được triển khai trên 4 lĩnh vực: hỗ trợ thiết lập khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thích ứng với BĐKH; tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư nhằm quản lý nước đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có chú trọng bình đẳng giới; thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ đổi mới trong phòng chống sạt lở, xói mòn bờ sông và bờ biển, tăng cường năng lực chống chịu khí hậu của cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái nông thôn; triển khai các giải pháp hạ tầng thoát nước và chống ngập đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đến nay, Dự án MCRP đã đạt được kết quả, như: hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai thông qua các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, lồng ghép phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cải thiện công tác quản lý thoát nước đô thị và chống ngập úng đô thị thông qua việc hỗ trợ xây dựng Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, hỗ trợ các địa phương ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương; hỗ trợ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải và lộ trình thực hiện để có nguồn thu chi trả chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước; xây dựng 2 đập tạm bản thép công nghệ mới ở Cà Mau, giúp bảo vệ 120ha đất nông nghiệp trước tác động của xâm nhập măn, ổn định sinh kế người dân; lắp đặt 21 trạm quan trắc nguồn nước tự động ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cung cấp dữ liệu nước thời gian thực cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất tôm - lúa cải tiến được thí điểm thành công trên 461ha ở tỉnh Cà Mau, giúp tăng thu nhập cho người dân…
Thực tế ghi nhận, trong mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là Quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện trong khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.
Từ là “vùng trũng” cao tốc, đến nay trong vùng đã có 120km cao tốc được đưa vào khai thác là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2025, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác và đến năm 2030 là 763km.
Đặc biệt, các công trình đều hướng đến bảo đảm tính bền vững và hiệu quả quá trình khai thác của dự án, công tác thiết kế, các yếu tố về tần suất lũ, kịch bản biến đổi khí hậu,… được tính toán kỹ để thiết kế cao độ phù hợp.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xác định các mục tiêu cụ thể của đề án ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, tránh chồng chéo với các dự án, đề án đã được triển khai tại vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, “chìa khóa” giải quyết những hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu nêu trên là sự kết hợp dự án hạ tầng thủy lợi và giao thông…