Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, phải đương đầu chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian quý hiếm của mình để nghĩ về vấn đề thi đua. Ngày 11-6-1948, Người đã ra Lời kêu gọi 'Thi đua ái quốc' để động viên toàn thể đồng bào, chiến sỹ trong cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống 'giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm'.

Khơi dậy lòng yêu nước

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực, như: Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng... thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào: Sóng Duyên hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất, Trống Bắc Lý, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phát động, đạt hiệu quả thiết thực tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Người dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hái chè.

Người dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hái chè.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác TĐKT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt là, trong 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác TĐKT, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ban hành và không ngừng bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sỹ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Qua đó, động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong 5 năm trở lại đây, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện các phong trào thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua - khen thưởng, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, thi đua vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo những dấu ấn nổi bật.

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bao bì DHT, Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) kiểm tra công đoạn kéo sợi bao bì xuất khẩu. Ảnh: Quốc Việt

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bao bì DHT, Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) kiểm tra công đoạn kéo sợi bao bì xuất khẩu. Ảnh: Quốc Việt

Tiêu biểu trong lĩnh vực kinh tế là các phong trào: “Thi đua lao động sản xuất”, “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thanh niên lập nghiệp”... Đặc biệt, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn của nhiều địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh đã tạo những chuyển biến đáng kể. Trong ngành Giáo dục có các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngành Y tế có phong trào thi đua thực hiện 12 Điều Y đức; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; trong lực lượng vũ trang có phong trào “Thi đua Quyết thắng”; Vì nước quên thân, vì dân phục vụ...

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi như: “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh”, “Dân vận khéo”, “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay Vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”... Qua các phong trào, cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò nêu gương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm được nhiều việc có lợi cho dân, được nhân dân đồng thuận đánh giá cao như: chương trình làm đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao ở thôn, tổ dân phố; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa... Tính từ năm 2011 đến nay, cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã tự nguyện đóng góp trên 500 tỷ đồng, hàng vạn ngày công và hiến hàng nghìn m2 đất, góp phần hoàn thành bê tông hóa trên 4.200 km đường giao thông nông thôn, 600km đường nội đồng; kiên cố hóa trên 1.000 km kênh mương, xây dựng gần 1.000 nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân...

Trải qua hơn 7 thập kỷ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn. Từ những phong trào thi đua yêu nước đã nhận được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Minh Tuyên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/tham-nhuan-tu-tuong-thi-dua-ai-quoc-159085.html