Thấm nhuần văn hóa để xây dựng nhân cách bộ đội

'Chúng tôi cho rằng, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong đơn vị không chỉ nuôi dưỡng, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, mà còn góp phần xây dựng đơn vị trở thành điểm sáng văn hóa để lan tỏa trên địa bàn đóng quân'.

Đó là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân, Phó chính ủy Sư đoàn 316 (Quân khu 2) khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những việc làm sáng tạo của đơn vị trong Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” (CVĐ) gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phóng viên (PV): Một trong những câu khẩu hiệu ấn tượng nhất đối với tôi khi đến tham quan Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) là: “Chăn vuông góc, tóc cắt cao, gặp nhau hỏi chào, xưng hô bằng đồng chí”. Phải chăng các đồng chí quan niệm xây dựng nếp sống văn hóa cho bộ đội bắt đầu từ những việc làm giản dị như thế?

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân: Tôi cũng nghĩ vậy. Nội dung quan trọng hàng đầu của CVĐ là chăm lo giáo dục, xây dựng những giá trị nhân cách cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Câu khẩu hiệu đó nhằm nhắc nhớ, yêu cầu bộ đội phải rèn luyện tính tỉ mỉ, thận trọng trong chấp hành chế độ nội vụ vệ sinh, đồng thời xây dựng tác phong chuẩn mực, giao tiếp cởi mở, xưng hô đúng điều lệnh và ứng xử với nhau có văn hóa. Nếu thực hiện đầy đủ, thường xuyên những nội dung này sẽ góp phần tích cực vào việc rèn luyện, xây dựng nhân cách quân nhân ngày càng tiến bộ và xây dựng đơn vị có nền nếp chính quy tốt, bầu không khí thân ái, đoàn kết và môi trường văn hóa lành mạnh. Bởi thế, ý nghĩa của câu khẩu hiệu không phải chỉ là những từ ngữ có vần “xuôi tai”, mà đó còn là lời giáo dục, động viên mọi quân nhân trong đơn vị phải kiên trì thực hiện những thói quen văn hóa để mang lại lợi ích cho bản thân và đơn vị.

PV: Ngoài đề ra những câu khẩu hiệu hay, ý nghĩa thiết thực, sư đoàn đã có những mô hình, cách làm sáng tạo nào để làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi quân nhân và các hoạt động của đơn vị, thưa đồng chí?

Bộ đội Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đọc báo trong ngày nghỉ. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Bộ đội Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đọc báo trong ngày nghỉ. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân: Muốn có đời sống văn hóa tốt đẹp trong đơn vị, chỉ có những câu khẩu hiệu hay thôi chưa đủ. Điều quan trọng là phải biến những mục tiêu, nội dung CVĐ thành những cách làm phù hợp, hiệu quả. Ví như để cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu, nhớ lâu các giá trị truyền thống lịch sử của quân đội, đơn vị, sư đoàn đã “mềm hóa” bằng những sản phẩm nghệ thuật như phát hành đĩa phim “Sáng mãi những tấm gương tuổi trẻ Sư đoàn 316 anh hùng”, đĩa hát karaoke “Bài ca 316 anh hùng”; xây dựng và đưa vào sử dụng thiết chế văn hóa “Đồi cây tri ân” để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho bộ đội…

Các đơn vị trong sư đoàn cũng triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Ví như thực hiện mô hình “Mỗi ngày làm một việc tốt”, mỗi quân nhân chủ động xác định, đăng ký, báo cáo trong sinh hoạt tổ, tiểu đội về công việc của mình trong ngày, sau đó sinh hoạt trung đội sẽ bình bầu mỗi tiểu đội một quân nhân tiêu biểu; cấp đại đội bình bầu mỗi trung đội một quân nhân tiêu biểu nhất để biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến. Để thực hiện mô hình “Lối sống văn hóa trong đơn vị”, 100% đầu mối từ trung đội trở lên đã đăng ký các nội dung như: Ứng xử có văn hóa, lời nói có văn hóa, sử dụng điện thoại di động có văn hóa… Khen, chê là chuyện bình thường trong cuộc sống, nhưng để cho việc khen, chê thật sự ý nghĩa, có tác dụng thiết thực trong việc góp phần xây dựng nhân cách văn hóa quân nhân và xây dựng bầu không khí thân ái, đoàn kết, đơn vị đã đề ra phương châm “Khen thưởng kịp thời, phê bình đúng lúc”… Nghĩa là chúng tôi cố gắng đưa mọi hoạt động của bộ đội dưới ánh sáng văn hóa, thông qua cách làm văn hóa để tạo được sự phát triển hài hòa, bền vững trong đơn vị.

PV: Được biết, Sư đoàn 316 là một trong 30 đơn vị tiêu biểu của toàn quân được Tổng cục Chính trị mời về Hà Nội tham dự và báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện CVĐ gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức vào cuối tháng 12-2017. Sư đoàn 316 có thể phổ biến những kinh nghiệm gì từ CVĐ này cho đại biểu toàn quân?

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân: Chúng tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và quan điểm của Đảng ta “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Sức mạnh của văn hóa là sức mạnh nội sinh quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng. Trên cơ sở nhận thức đó, chúng tôi đã triển khai sâu rộng 5 nội dung của CVĐ, bảo đảm cho văn hóa không ngừng thấm sâu vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở để mỗi người tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những quân nhân cách mạng hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Là sư đoàn chủ lực của Quân khu 2 đóng quân trên địa bàn 3 tỉnh miền núi Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái, kinh tế-xã hội địa phương và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn luôn xác định, việc xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội cũng như tham gia xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đóng quân không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị mà còn củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, làm cơ sở để phát huy sức mạnh quân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ANH THẢO (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tham-nhuan-van-hoa-de-xay-dung-nhan-cach-bo-doi-526053