Tham nhũng là vấn đề hệ trọng, cần Nhà nước tập trung giải quyết

Tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng, cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% so với năm 2021.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố sáng nay, 12-4

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố sáng nay, 12-4

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố sáng nay, 12-4, phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế, tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch.

Đặc biệt, mối quan ngại về hiệu quả phòng chống tham nhũng ở cấp địa phương ngày càng gia tăng trong bối cảnh người dân ngày càng kỳ vọng cao hơn về nền quản trị hiệu quả. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ này, kết quả khảo sát PAPI năm 2022 cho thấy, tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% so với năm 2021.

Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Tỷ lệ người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên và tỷ lệ người dân phải "chung chi" khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng.

Theo báo cáo, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022 – tăng 19,4% so với một năm trước đó. Cũng ở câu hỏi này, tỷ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” giảm tới 13,7% so với tỷ lệ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022.

Tương tự như vậy, ở cấp hộ gia đình, tỷ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là “kém” giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022. Tuy nhiên, mặc dù có tới 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn vào năm 2022 (tỷ lệ này là 52% vào năm 2021), đây vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012. Những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là “kém” đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021.

Những vấn đề thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh rất rõ khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022. Tỷ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất giảm mạnh từ 23,84% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,38% theo khảo sát PAPI 2022. Vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,13% số người trả lời chọn vấn đề này năm 2022.

Báo cáo PAPI 2022 được UNDP xây dựng trên cơ sở tập hợp ý kiến của 16.117 người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh, thành của Việt Nam - số lượng người trả lời cao nhất từ trước tới nay.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tham-nhung-la-van-de-he-trong-can-nha-nuoc-tap-trung-giai-quyet-post685453.html