Tham nhũng, tiêu cực đều dẫn tới nguy cơ mất còn của Đảng, của chế độ

Nhìn nhận vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hội nghị TƯ4, ông Đào Duy Quát cho rằng, Tham nhũng, tiêu cực đều dẫn tới nguy cơ mất còn của Đảng, của chế độ.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bế mạc vào sáng 7/10 sau 3 ngày rưỡi họp tại Hà Nội.

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Ảnh: Ngọc Thành)

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Ảnh: Ngọc Thành)

Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với suy thoái

Cái mới của hội nghị lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.

Tại phiên bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó bày tỏ sự lo lắng khi cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Hội nghị đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Tham nhũng, tiêu cực đều dẫn tới nguy cơ mất còn của Đảng, của chế độ

Ông Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Trung ương đã thống nhất cao việc tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cùng với đó là bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ không chỉ kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng mà còn phải kiên trì đấu tranh phòng chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bởi 2 yếu tố này đều dẫn tới nguy cơ mất còn của Đảng, của chế độ.

Ông Đào Duy Quát.

Ông Đào Duy Quát.

Theo ông, tham nhũng chủ yếu là mất vật chất, kinh tế, nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì gây ra hậu quả vô cùng lớn, rồi mất cả cán bộ. Lần này, Đảng ta tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật, tự soi những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn để tiếp tục đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất, mắc sai phạm.

“Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Hội nghị Trung ương 4 lần này trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân” – ông Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, cùng với Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Quy định về những điều đảng viên không được làm mà kỳ họp này Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng như ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái.

“Ở khóa XII, chúng ta đã có bước tiến quan trọng và ngay đầu khóa XIII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng đã có đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, khi chưa đầy 1 năm đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có một loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật rất nghiêm khắc. Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn. Và lần này, Trung ương khẳng định thêm quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tôi tin quyết tâm chính trị của Trung ương sẽ được toàn dân đồng tình tham gia và sẽ có những bước tiến rất quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng” – ông Đào Duy Quát cho biết.

Quyết tâm chính trị cao hơn, mạnh mẽ hơn

Theo dõi sát Hội nghị Trung ương 4 lần này, ông Nguyễn Tạo – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, nếu như trước đây Đảng ta thường nhấn mạnh cụm từ “tăng cường”, “đẩy mạnh” thực hiện nhiệm vụ thì bây giờ là “kiên quyết chống”, “kiên quyết xử lý” với quyết tâm chính trị cao hơn, ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn.

“Tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục xảy ra ở mức độ tinh vi hơn, có tổ chức hơn. Từ đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách tổ chức chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Đồng thời xây dựng hành lang pháp lý thực sự vững chắc, không có lỗ hổng, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Làm sao cuộc đấu tranh này tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân”.

Nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và đề ra nhiều giải pháp, song đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng cho rằng, ở đâu đó, ở bộ phận nào đó vẫn phát sinh quyền anh – quyền tôi, cục bộ, tạo ra “vùng cấm” khó kiểm soát được. Theo đó, thời gian tới cần hoàn thiện hơn các thiết chế kiểm soát quyền lực nói riêng, các quy định của pháp luật nói chung thì mới đấu tranh tới cùng vấn đề này.

Thực tế thời gian qua cho thấy, quản lý tài sản công, quản lý dự án, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản... đã bộc lộ nhiều lỗ hổng khiến một bộ phận cán bộ lợi dụng, liên kết với nhau tạo thành lợi ích nhóm, lợi ích ngành, từ đó phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Để chặn đứng các hiện tượng tiêu cực này, ngoài việc ban hành hành lang pháp lý chặt chẽ thì một giải pháp căn bản nhất vẫn là công tác cán bộ. Theo đó, công tác nhân sự phải được tiến hành rõ ràng, khoa học, chặt chẽ, thuyết phục; hạn chế thấp nhất tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, tránh tình trạng “bổ nhiệm hôm nay đúng quy trình nhưng ngày mai đã vi phạm”.

Đánh giá cao những thông điệp mạnh mẽ trong phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên chính là do suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo đó, cần phải chú trọng đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm"; rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; thực hiện nghiêm việc bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương.../.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tham-nhung-tieu-cuc-deu-dan-toi-nguy-co-mat-con-cua-dang-cua-che-do-896320.vov