Tham nhũng trong mua bán đạn cối: Bài học đắt giá cho Ukraine
Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, vốn được kỳ vọng là tuyến đầu bảo vệ quốc gia trong cuộc chiến với Nga, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, Washington Post cho biết.
Theo Washington Post, những cáo buộc về chất lượng kém của đạn cối và tham nhũng trong sản xuất đã làm dấy lên sự lo ngại không chỉ trong nước mà còn từ các đồng minh quốc tế của Kyiv. Đây không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn đe dọa đến sự hỗ trợ quân sự và tài chính mà Ukraine đang rất cần trong cuộc chiến hiện tại.
Đại cối bị lỗi và phản ứng của Ukraine
Theo các báo cáo từ truyền thông địa phương và các tổ chức giám sát độc lập, hàng chục nghìn viên đạn cối cỡ 120mm, một trong những loại vũ khí quan trọng nhất trên chiến trường, đã không phát huy tác dụng như mong đợi. Một số binh sĩ ở tiền tuyến cho biết, chỉ có 1 trong 10 viên đạn phát nổ thành công. Những sai sót này đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi một số nguồn tin cho biết lỗi không chỉ giới hạn ở đạn cỡ 120mm mà còn xuất hiện ở các loại đạn cỡ nhỏ hơn, như đạn pháo 82mm. Những vũ khí này đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ các vị trí tiền tuyến khỏi các cuộc tấn công bộ binh, nhưng việc chúng không đạt chuẩn đã gây nguy hiểm cho binh sĩ và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine.
Trước tình hình này, Trung tâm hành động chống tham nhũng, một tổ chức giám sát độc lập tại Ukraine, đã kêu gọi cơ quan an ninh quốc gia (SBU) tiến hành điều tra hình sự. Tổ chức này nhấn mạnh rằng một số quan chức trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, cũng như tập đoàn quốc phòng nhà nước Ukroboronprom, có thể đã biết về các khiếm khuyết này nhưng vẫn để các lô đạn lỗi được phân phối.
Daria Kaleniuk, Giám đốc điều hành của trung tâm, chỉ ra rằng: “Các lỗi này quá rõ ràng để bị bỏ qua. Những người chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng và dây chuyền sản xuất đã biết, hoặc đáng lẽ phải biết về các sai sót nghiêm trọng này”.
Bên cạnh đó, Vitaliy Shabunin, lãnh đạo hội đồng quản trị của trung tâm, đã đăng tải một kiến nghị lên Facebook, đồng thời nộp đơn khiếu nại lên Cục chống tham nhũng Ukraine, yêu cầu điều tra sâu rộng về cáo buộc các cơ quan Ukraine trả quá mức khoảng 90 triệu USD cho một công ty Ba Lan để mua vũ khí. Ông gọi đây là một trong những “âm mưu tham nhũng đẫm máu nhất năm 2024”.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Ukraine đã thừa nhận vấn đề đạn cối bị lỗi và cho biết họ đang tiến hành điều tra. Theo tuyên bố chính thức, nguyên nhân ban đầu được xác định là do chất lượng thuốc súng kém hoặc điều kiện bảo quản không đạt tiêu chuẩn. Bộ này cũng đã đình chỉ sử dụng các lô đạn bị lỗi và thay thế chúng bằng các loại đạn nhập khẩu.
Herman Smetanin, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine, báo cáo trước quốc hội rằng gần một nửa trong số 54.000 viên đạn 120mm thuộc lô hàng bị lỗi cần phải thay thế. Tuy nhiên, ông không tiết lộ tên của công ty sản xuất, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Các cuộc điều tra đang được tiến hành, nhưng đến nay, công ty này vẫn tiếp tục nộp hồ sơ xin sản xuất thêm hàng triệu quả đạn pháo khác.
Tác động đến việc viện trợ và niềm tin quốc tế
Những tranh cãi xoay quanh đạn cối lỗi không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn gây ảnh hưởng đến sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây. Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác đã chi hàng tỷ USD vào viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, những vấn đề về tham nhũng và kiểm soát chất lượng có thể khiến các đối tác quốc tế e ngại.
Những cáo buộc tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng cũng là chủ đề thảo luận chính giữa các chính trị gia Cộng hòa tại Mỹ những người phản đối việc cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mặc dù những cáo buộc này không áp dụng cho vũ khí do phương Tây tài trợ.
Maryna Bezrukova, người đứng đầu cơ quan mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Ukraine, cảnh báo rằng: “Ngay cả một lần sai sót trong mua sắm cũng có thể phá hủy lòng tin của các đối tác”. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề kỹ thuật đôi khi không thể tránh khỏi, ngay cả ở những quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu.
Trong khi đó, các đối tác quốc tế vẫn đang cam kết hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Mỹ đã phân bổ 800 triệu USD để giúp Ukraine sản xuất máy bay không người lái tầm xa, trong khi Kyiv kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề đạn cối lỗi chỉ là một trong nhiều thách thức mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang phải đối mặt. Việc duy trì chất lượng sản xuất trong bối cảnh áp lực chiến tranh, cùng với đảm bảo sự minh bạch trong quản lý, là yếu tố sống còn để giữ vững niềm tin từ quốc tế.
Olena Tregub, thành viên một nhóm giám sát độc lập tại Bộ Quốc phòng Ukraine, khẳng định: “Chúng ta không phải là một quốc gia thất bại hay tham nhũng hoàn toàn, nhưng tình hình này là đáng lo ngại và cần phải được giải quyết triệt để”. Bà cũng nhấn mạnh rằng các viên đạn lỗi đã đặt quân đội Ukraine vào tình thế nguy hiểm.
Để giải quyết tình hình, giới chức Ukraine đã cam kết tăng cường kiểm soát chất lượng và đưa ra các biện pháp cải cách trong quy trình sản xuất. Oleksandr Zavitnevych, lãnh đạo ủy ban an ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo của quốc hội, cho biết các viên đạn lỗi sẽ được thay thế mà không gây thêm chi phí cho chính phủ; đồng thời hệ thống kiểm soát chất lượng sẽ được áp dụng chặt chẽ hơn trên toàn bộ các cơ sở sản xuất.
Trong bối cảnh viện trợ phương Tây có thể sẽ giảm dần, Ukraine cũng đang tập trung xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng tự lực. Các nhà hoạch định chính sách tin rằng việc khắc phục các sai sót hiện tại và đảm bảo tính minh bạch sẽ là chìa khóa để duy trì vị thế, cũng như sự phát triển ngành công nghiệp này trong tương lai.