Tham nhũng trong xây dựng chính sách ngày càng tinh vi, phức tạp

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho biết, tham nhũng trong xây dựng chính sách pháp luật ngày càng tinh vi và xảy ra ở tất cả giai đoạn.

Còn những bất cập trong quy định pháp luật

Ngày 10/9, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức tọa đàm hoàn thiện Dự thảo "Nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật ở Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế".

Tại tọa đàm, ông Lê Quốc Trung - Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, tại Việt Nam, hiện tượng tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật đã và đang diễn ra phổ biến, ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp do nhu cầu rất cao về hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng XHCN.

Theo kết quả điều tra xã hội học của Viện, trong năm 2023 có 47% người được hỏi thể hiện sự "quan ngại" và 42 % người được hỏi thể hiện sự "rất quan ngại" đối với hiện tượng tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Văn - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và bà Sabina A.Steni - Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển của Liên Hợp uốc (UNDP) Việt Nam chỉ trì tọa đàm.

Ông Nguyễn Quốc Văn - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và bà Sabina A.Steni - Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển của Liên Hợp uốc (UNDP) Việt Nam chỉ trì tọa đàm.

Nguy cơ và biểu hiện của tham nhũng trong xây dựng chính sách - pháp luật có thể được cảm nhận qua những bất cập của thể chế và thực tiễn xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và sự xuất hiện, gia tăng các "lợi ích nhóm" tiêu cực gây áp lực trong quá trình xây dựng VBQPPL.

Hiện tượng tham nhũng trong quá trình xây dựng VBQPPL xảy ra trong đủ các quá trình, giai đoạn như: đề xuất và phê duyệt chính sách; soạn thảo chính sách; thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản pháp luật; phê duyệt, phê chuẩn đến cả khi thông qua dự thảo.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Bộ đã kiểm tra hơn 25.000 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và HĐND, UBND cấp tỉnh. Kết quả đã phát hiện 660 văn bản có quy định trái pháp luật trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Ông Lê Quốc Trung - Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trình bày Dự thảo.

Ông Lê Quốc Trung - Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trình bày Dự thảo.

Theo Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng chính sách, trong đó có bất cập từ quy định pháp luật. Cụ thể, Khoản 1 Điều 53 Luật Ban hành VBQPPL quy định, Trưởng ban soạn thảo là "người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo" và trong hầu hết trường hợp đó là Bộ trưởng.

Quy định trên tiềm ẩn rủi ro, bởi việc làm luật đã từ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội chuyển sang cơ quan hành pháp. Cơ quan hành pháp luôn ở vị trí phản ánh nhu cầu và đề xuất luật nên quy định trên có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Ngoài ra, hiện nay còn thiếu quy định về kiểm soát tham nhũng trong xây dựng VBQPPL; thiếu quy định về hậu kiểm VBQPPL; thiếu chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng pháp luật,…

Phát huy nguồn lực từ bên ngoài

Dự thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị hoàn thiện thể chế nhằm phòng chống tham nhũng trong xây dựng chính sách. Trong đó có việc tăng cường tiếp nhận "phản biện ngoài" trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách.

Theo đó, hiện việc tiếp thu, phản biện, thẩm định. Từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức vẫn mang tính hình thức chưa có nhiều người tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách.

Do đó, cần có sự quan tâm thu hút sự tham gia của các giới chuyên gia, luật gia, luật sư, hiệp hội doanh nghiệp trong việc góp ý xây dựng dự thảo chính sách.

Nhìn chung các văn bản dưới luật, đặc biệt là thông tư, thông tư liên tịch của chính quyền địa phương hiện nay chủ yếu vẫn "phó thác" cho cơ quan chủ trì soạn thảo.

Ngoài ra, Dự thảo cũng kiến nghị như: Cần tăng cường chỉ đạo, cụ thể hóa những chỉ đạo của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách - pháp luật; công khai minh bạch trong hoạt động xây dựng chính sách; nâng cao năng lực của cán bộ, cơ quan làm công tác chuyên trách về phòng chống tham nhũng và xây dựng chính sách-pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo VBQPPL; giao cơ quan độc lập đánh giá tác động chính sách,…

Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế.

Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế.

Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế góp ý, việc giao cho một cơ quan độc lập đánh giá tác động chính sách là ý kiến hay và có thể thể đảm bảo tính khách quan, giảm tải cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, cơ quan độc lập lại không đủ dữ liệu, chiều sâu về mặt chuyên môn để hiểu được tổng thể tác động chính sách. Chưa kể, cơ quan độc lập vẫn có thể chịu "tác động" bên ngoài qua vận động hành lang thì lại là câu chuyện phức tạp.

Bà Trang cũng cho rằng, trong quá trình ban hành chính sách, không chỉ cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm đánh giá tác động mà người đề xuất chính sách đó phải cần chứng minh được đó là chính sách tốt.

"Đặc biệt, phải làm rõ chính sách đó đại diện cho nhóm lợi ích nào, bảo vệ nhóm đối tượng nào? Từ đó, ban hành quy định đánh giá từng giai đoạn một cách kỹ lưỡng và coi đó như một quy trình thì hiện nay chưa có", bà Trang nêu ý kiến.

Bà Trang kiến nghị Viện Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra sớm tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo và có đề xuất với Bộ Tư pháp lồng ghép ngay vào Luật Ban hành VBQPPL sắp được lấy ý kiến.

Thảo luận góp ý sau đó, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng chính sách - pháp luật cần huy động sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia độc lập và đặc biệt cần tạo sự động thuận cao nhất của xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tham-nhung-trong-xay-dung-chinh-sach-ngay-cang-tinh-vi-phuc-tap-204240910121907951.htm