Tham quan bảo tàng thời công nghệ số
Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) năm nay có chủ đề 'Tương lai của bảo tàng trong các cộng đồng đang thay đổi nhanh chóng' - một thông điệp phản ánh sự chuyển động không ngừng của đời sống xã hội và yêu cầu đổi mới của bảo tàng, với vai trò là thiết chế văn hóa-giáo dục trong kỷ nguyên số.

Trải nghiệm công nghệ số tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).
Trong làn sóng chuyển đổi số và thực tiễn tiếp cận di sản hiện nay cho thấy, người tham quan có thể “chạm vào lịch sử” bằng công nghệ tương tác. Vì vậy, bảo tàng không thể tiếp tục là thiết chế văn hóa “đứng yên” trong một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ bởi công nghệ và yêu cầu trải nghiệm ngày càng cao của công chúng. Chuyển đổi số, công nghệ số và xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm đang tiếp tục làm thay đổi căn bản cách thức bảo tàng hoạt động, tiếp cận công chúng và tổ chức nội dung trưng bày.

Bảo tàng cần thay đổi trong trưng bày nội dung để gia tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Thực tế cho thấy, nhiều bảo tàng tại Việt Nam đã từng bước thay đổi. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động trưng bày và phục vụ công chúng.
Với các giải pháp như phần mềm thuyết minh tự động đa phương tiện (iMuseum VFA), tour tham quan 3D, không gian triển lãm trực tuyến (VAES),… bảo tàng đã mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm đa chiều, sinh động hơn. Không cần thuyết minh viên, khách có thể dễ dàng lựa chọn ngôn ngữ, tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, âm thanh, video… ngay trước tác phẩm. Thậm chí, người không có mặt tại bảo tàng vẫn có thể “dạo bước” qua các phòng trưng bày, tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ.
Nguyễn Vân Hà, học sinh lớp chuyên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: "Công nghệ khiến nghệ thuật trở nên gần gũi và sinh động hơn. Không chỉ được chiêm ngưỡng các sáng tạo mỹ thuật, em còn được hiểu sâu hơn về lịch sử, phong cách và cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ sau mỗi tác phẩm trưng bày".
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chuyển đổi số không chỉ là cách bắt kịp xu thế mà còn là cơ hội lan tỏa di sản đến nhiều đối tượng công chúng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự sống động của không gian trưng bày số đã góp phần đưa di sản đến gần hơn với đời sống hiện đại.
Trong bối cảnh công nghệ chủ đạo, nhiều bảo tàng đã và đang ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày và giáo dục. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia kết hợp hiện vật và công nghệ trình chiếu 3D, tạo nên chiều sâu lịch sử cho mỗi chuyên đề. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phát huy thế mạnh trưng bày ngoài trời, kết hợp trình diễn sống động phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc.
Tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Điện Biên, Đà Nẵng,… các bảo tàng cũng chủ động số hóa kho tư liệu để mở rộng không gian tiếp cận, triển khai mã QR để giới thiệu hiện vật, phát triển các tour tham quan ảo với thuyết minh đa ngôn ngữ.
Công nghệ không làm mất đi giá trị nguyên bản của hiện vật mà góp phần kể lại những câu chuyện một cách hấp dẫn hơn. Các giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), mô hình 3D, thiết bị tương tác, bản đồ số hóa… đang tạo nên các “bảo tàng thông minh, từng bước đưa công chúng đến gần hơn di sản.
Tuy vậy, chuyển đổi số trong bảo tàng không chỉ là việc đưa công nghệ vào trưng bày mà cần sự chuyển dịch, đổi mới cả về tư duy vận hành, phương pháp lẫn công nghệ.
Thực tế hiện nay, phần lớn bảo tàng ở nước ta đang đối mặt những khó khăn về thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, hạn chế về hạ tầng công nghệ và ngân sách đầu tư. Nhiều nơi vẫn duy trì mô hình trưng bày truyền thống, một chiều, chủ yếu trưng bày hiện vật với bảng giới thiệu tĩnh, thiếu tính tương tác và khả năng kể chuyện.
Trong khi đó, nhu cầu của công chúng, nhất là giới trẻ ngày đang thay đổi theo hướng tìm kiếm những trải nghiệm phong phú, sinh động và đa chiều hơn. Do đó, chuyển đổi số trong bảo tàng là yêu cầu tất yếu để bảo tàng không lạc hậu, đồng thời góp phần thay đổi quan niệm xã hội về bảo tàng. Đây cũng là thời điểm để bảo tàng làm mới mình, không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày quá khứ mà trở thành trung tâm kết nối tri thức, không gian sáng tạo, giáo dục và tương tác liên ngành giữa văn hóa-công nghệ-giáo dục-du lịch…

Chuyển đổi số hình thành các bảo tàng thông minh.
Để chuyển đổi số phát huy hiệu quả, bảo tàng cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài từ nhà nước, xã hội cùng những cơ chế thúc đẩy sự hợp tác liên ngành.
Đội ngũ cán bộ bảo tàng cũng cần nhập cuộc, nhạy bén với công nghệ, góp phần để bảo tàng trở thành thiết chế văn hóa năng động và hiện đại. Cùng với đó, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và kho dữ liệu khổng lồ sẽ hỗ trợ cá nhân hóa hành trình tham quan, từ gợi ý nội dung đến thuyết minh… Mỗi bảo tàng đổi mới là thêm một điểm hẹn văn hóa, nơi người trẻ tìm hiểu lịch sử dân tộc qua lăng kính hiện đại và du khách tiếp cận tinh hoa văn hóa Việt bằng công nghệ thân thiện.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tham-quan-bao-tang-thoi-cong-nghe-so-post880568.html