Tham quan Chernobyl và xu hướng du lịch u ám
Xuất hiện từ những năm 1990, thuật ngữ 'du lịch u ám' dùng để chỉ các chuyến đi tới địa điểm liên quan đến cái chết và sự đau khổ. Ngày nay, xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ.
Sau sự cố xảy ra vào năm 1986, nhà máy điện Chernobyl (Ukraine) trở thành hiện trường của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Vụ nổ lò phản ứng khiến một vùng rộng lớn xung quanh nhiễm phóng xạ. Toàn bộ cư dân trong khu vực phải sơ tán.
Hơn 30 năm sau thảm họa, các nhóm du khách bắt đầu đổ về thành phố Pripyat bị bỏ hoang ngay cạnh Chernobyl để trải nghiệm sự vắng vẻ của một đô thị từng đông đúc dân cư. Đồ vật họ mang theo trong hành trình là máy theo dõi bức xạ. Tiếng bíp bíp phát ra, vang vọng giữa không gian hoang tàn khiến nơi đây càng thêm ám ảnh.
Thế nhưng, Chernobyl chỉ là một trong những ví dụ phổ biến nhất của hiện tượng "du lịch u ám", thuật ngữ dùng để chỉ chuyến đi đến các địa điểm liên quan đến cái chết và sự đau khổ. Ngoài nhà máy hạt nhân ở Ukraine, một số địa điểm khác có thể kể đến là trại tập trung của Đức quốc xã ở châu Âu, bảo tàng và đài tưởng niệm 11/9 tại New York (Mỹ).
Karel Werdler, giảng viên lịch sử tại Đại học Inholland (Hà Lan), nhận định các vùng đất kể trên tựa ranh giới giữa sự sống và cái chết. Nơi du khách đang đứng có thể là chỗ rất nhiều người qua đời.
Xu hướng 'du lịch u ám'
Chernobyl và Pripyat xuất hiện trên bản đồ "du lịch u ám" từ khi vùng lân cận mở cửa cho du khách ghé thăm năm 2011. Tuy nhiên, sau khi series Chernobyl chiếu trên HBO, du khách quan tâm đến khu vực này nhiều hơn.
"Sau khi xem phim, tôi bắt đầu tìm thêm tài liệu để hiểu hơn về những gì đã xảy ra ở Chernobyl và phát hiện tour du lịch đến vùng đất này", Edgars Boitmanis, du khách Latvia, nói với CNN.
Rất nổi tiếng nhưng Chernobyl không phải vùng đất khổ đau duy nhất đứng đầu danh sách "phải ghé thăm". Năm 2018, khoảng 2,15 triệu du khách đến thăm trại Auschwitz Birkenau ở Ba Lan, cao hơn năm trước đó 50.000 người.
Con số tăng trưởng tương đối nhỏ nhưng phần nào phản ánh xu hướng du lịch toàn cầu. Năm 2018, lượng khách quốc tế là 1,4 tỷ người và cùng với đó là sự tăng trưởng về mức quan tâm "du lịch u ám".
Thực tế, "du lịch u ám" là thuật ngữ xuất hiện vào những năm 1990, khi các học giả khám phá lý do du khách đến thăm địa điểm liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Tuy nhiên, người ta tìm đến những nơi thực sự liên quan đến cái chết và sự hủy diệt từ trước đó.
Từ những năm 1700, Pompeii (Italy), thành phố La Mã cổ bị phá hủy bởi vụ phun trào núi lửa năm 79 sau Công nguyên trở thành điểm du lịch. Hiện tại, thành phố vẫn là một trong những khu nổi tiếng nhất Italy.
Theo Tony Johnston, người đứng đầu ngành Du lịch tại Học viện Công nghệ Athlone (Ireland), động lực "du lịch u ám" truyền từ người này sang người khác, từ vùng nọ sang vùng kia.
Trong khi một số người đến các vùng đất của sự đau khổ bởi họ đang đi nghỉ ở gần đó, số khác lại vì đam mê lịch sử. Một nhóm nhỏ có mối quan tâm tương đối lệch lạc. Johnson cho biết những người này đến để tìm cảm giác "vui vẻ". Song, hầu hết du khách đều có cách hành xử đúng mực.
"Thông thường, người ta đến những vùng đất này để tìm hiểu về những chuyện xảy ra trong quá khứ và đôi khi là bài học để tránh sai lầm tương tự trong tương lai", Johnston nói.
Rebekah Stewart, quản lý truyền thông một trung tâm du lịch ở Mỹ, cho rằng trước khi thăm các địa điểm liên quan đến cái chết hay bi kịch, ý định của du khách về chuyến đi rất quan trọng.
"Bạn sẽ đến một nơi để mở rộng hiểu biết, bày tỏ sự kính trọng hay chỉ để check-in và chụp ảnh tự sướng?", bà nói với CNN.
Hành vi không phù hợp
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp du khách có hành vi không phù hợp tại điểm "du lịch u ám". Điển hình, hồi tháng 3, bảo tàng Tưởng niệm Auschwitz đăng các bức ảnh du khách tạo dáng bên đường ray xe lửa bên ngoài trại tập trung với dòng chữ: "Hãy nhớ bạn đang ở nơi hơn một triệu người đã thiệt mạng".
Mới đây, tài khoản Bruno Zupan cũng chia sẻ 4 bức ảnh trên mạng xã hội. Trong đó, hình ảnh một phụ nữ cởi đồ bảo hộ, để lộ nội y khiến nhiều người phẫn nộ. Sau vụ việc, một số người liên quan thông tin các bức ảnh đã bị chỉnh sửa và thậm chí họ không thực sự ở Chernobyl.
Nhiều cuộc tranh luận về các hành vi phù hợp khi đến thăm điểm "du lịch u ám" đã nổ ra. Nhiếp ảnh gia Nigel Walshe từng đến thăm Chernobyl vài năm trước nói rằng ông tránh chụp những bức ảnh dính đến người tại những nơi này. Theo ông, nhiều người lợi dụng sự đặc biệt của các khu vực để trục lợi.
Ciaran Fahey, nhiếp ảnh gia từng chụp những bức hình về các điểm đến bị bỏ hoang tại Berlin (Đức), cũng nêu quan điểm: "Sự tôn trọng đơn giản là thể hiện những gì bạn tìm thấy, không đạo cụ hay màu mè thêm. Tôi không nghĩ buổi chụp hình thời trang ở những nơi này là hành động phù hợp hay biểu thị sự tôn trọng".
Tất nhiên, trong các thể loại, chụp ảnh selfie là khó chấp nhận nhất. Theo Stone, hành động này gần giống việc du khách viết dòng chữ "tôi đã đến đây" lên tường.
Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ ở đâu và như thế nào cũng là vấn đề cần quan tâm. Werdler chỉ ra hầu hết điểm du lịch đều cần bãi đỗ xe và cửa hàng thực phẩm.
"Bạn phải suy nghĩ hậu quả về mặt đạo đức khi bố trí cho khách sử dụng dịch vụ, đặc biệt là giải trí, tại các điểm đến u buồn. Tôi không nghĩ ngồi ăn trong một nhà hàng ở Auschwitz là hành động phù hợp. Tuy nhiên, một số người khác có thể không để tâm đến điều đó", ông nói.
Thời gian cũng là yếu tố để cân nhắc. Pompeii là một ví dụ. Dù là điểm "du lịch u ám", mọi người có thể đỡ "soi" hơn bởi thảm họa xảy ra cách đây rất lâu.
"Đấu trường La Mã ở Rome (Italy) từng là nơi khá tàn nhẫn. Chúng ta có thể tạo dáng vui nhộn ở đấu trường La Mã ở Rome (Italy) mà không ai phàn nàn bởi mọi chuyện đã xảy ra cách đây 2.000 năm", người này thông tin.
Bất chấp các tranh cãi, du khách dường như quan tâm nhiều hơn đến những điều kinh hoàng từng xảy ra. Hầu hết chuyên gia đồng ý du khách nên có trách nhiệm với chuyến đi và tôn trọng điểm đến.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tham-quan-chernobyl-va-xu-huong-du-lich-u-am-post961401.html