Thâm Quyến 'hút' dân Hồng Kông đến mua sắm khiến bán lẻ xứ cảng lao đao

Thâm Quyến như thỏi nam châm mới thu hút người Hồng Kông đổ xô đến du lịch cuối tuần, ăn uống, mua sắm, sinh sống hay lập nghiệp. Trong khi đó, các trung tâm thương mại của Hồng Kông lao đao vì vắng khách.

(KTSG Online) – Thâm Quyến như thỏi nam châm mới thu hút người Hồng Kông đổ xô đến du lịch cuối tuần, ăn uống, mua sắm, sinh sống hay lập nghiệp. Trong khi đó, các trung tâm thương mại của Hồng Kông lao đao vì vắng khách.

Lượng khách từ Hồng Kông đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương của Thâm Quyến, với chi tiêu cho mua sắm tăng 7%, thực phẩm tăng 15%. Ảnh: SCMP

Lượng khách từ Hồng Kông đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương của Thâm Quyến, với chi tiêu cho mua sắm tăng 7%, thực phẩm tăng 15%. Ảnh: SCMP

Thâm Quyến – thỏi nam châm mới

Hồng Kông từng là thỏi nam châm thu hút người từ đại lục đến du lịch, học tập, làm việc và chữa bệnh. Nhưng mọi thứ giờ đã đảo ngược tại xứ cảng.

Chi cần 20 phút đi tàu cao tốc, khoảng một giờ bằng xe hơi, xe buýt hay tàu điện ngầm, người dân Hồng Kông đã có mặt ở trung tâm mua sắm tại Thâm Quyến. Từ các thương hiệu phương Tây ở mức giá cao chót vót như Chanel, Louis Vuitton, Gucci hay Dior đến những thương hiệu tầm giá trung như Lululemon hoặc rẻ tiền hơn như Uniqlo hay Zara. Hoặc những thương hiệu xa xỉ của Trung Quốc như Shang Xia, Ne Tiger, Exception hay Uma Wang. Đến hàng tiêu dùng nhanh, đồ điện tử gia dụng… Mọi thứ ở đây đều rẻ hơn Hồng Kông.

Nguồn du khách từ Hồng Kông góp tỷ lệ khá lớn cho GDP của Thâm Quyến. Theo chính quyền địa phương, chi tiêu tiêu dùng tại Thâm Quyến tăng 8% vào năm ngoái lên 1.050 tỉ nhân dân tệ (145 tỉ đô la), trong đó chi tiêu mua sắm tăng 7% và chi tiêu cho thực phẩm tăng 15%. Du lịch y tế là nguồn thu mới của Thâm Quyến khi các bệnh viện hiện đại cũng đang thu hút người Hồng Kông đến khám chữa bệnh.

Các startup và các doanh nhân kỳ cựu của xứ cảng cũng kéo đến Thâm Quyến bởi tiền thuê văn phòng, các chi phí khác và tiền lương cho nhân tài chất lượng cao đều rẻ hơn so với trung tâm tài chính có vật giá đắt đỏ nhất thế giới.

Tại cửa khẩu giữa Hồng Kông và Thâm Quyến. Trong dịp lễ hội thuyền rồng ở Hồng Kông, hơn 1,3 triệu lượt người dân xứ cảng đã đến Thâm Quyến, trong khi chỉ khoảng hơn 420.000 du khách đại lục đến Hồng Kông. Ảnh: CNN

Tại cửa khẩu giữa Hồng Kông và Thâm Quyến. Trong dịp lễ hội thuyền rồng ở Hồng Kông, hơn 1,3 triệu lượt người dân xứ cảng đã đến Thâm Quyến, trong khi chỉ khoảng hơn 420.000 du khách đại lục đến Hồng Kông. Ảnh: CNN

Doanh nghiệp bán lẻ Hồng Kông lao đao

Nhà bán lẻ tại Hồng Kông đang đối diện nhiều thách thức khi khách đại lục chi tiêu ít hơn, còn dân địa phương lại kéo đến Thâm Quyến mua sắm và ăn uống.

Wharf Real Estate Investment Co. (Wharf REIC), hãng con của tập đoàn Wheelock & Co, đang điều hành hai trung tâm mua sắm mang tính biểu tượng của đặc khu – Harbour City và Times Square. Wharf REIC đã lỗ ròng hơn 1 tỉ đô la Hồng Kông (135 triệu đô Mỹ) trong nửa đầu năm nay, cao hơn 11% so với dự báo trước đó. Hãng nói khoản lỗ chủ yếu là do giá trị của danh mục đầu tư bất động sản đã suy giảm sau khi được định giá lại.

Wharf Holdings, hãng con khác của Wheelock & Co. đang nắm giữ phần lớn tài sản của tập đoàn tại Trung Quốc đại lục. Hãng này lỗ hơn 2,6 tỉ đô la Hồng Kông, giảm sâu so với mức lợi nhuận ròng 696 triệu đô la Hồng Kông của năm trước.

Không chỉ mình Wharf thua lỗ, International Housewares Retail, chủ sở hữu của một chuỗi bán lẻ lớn ở xứ cảng cũng thông báo lợi nhuận ròng của công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 4 đã giảm 44% so với năm trước xuống còn 101,07 triệu đô la Hồng Kông.

Công ty bán lẻ này trực tiếp quản lý 315 cửa hiệu bán lẻ tại Hồng Kông, bao gồm các thương hiệu gia dụng địa phương như JHC và Japan Home.

Nhờ danh mục sản phẩm đa dạng, hãng đã trụ vững khá tốt trong giai đoạn Covid. Nhưng khi biên giới mở cửa trở lại đầu năm 2023, người Hồng Kông đã đổ xô kéo sang Thâm Quyến và các nơi ở Quảng Đông để du lịch và mua sắm, khiến doanh số thị trường bán lẻ xứ cảng giảm sút.

International Housewares hiện đang cố gắng thích nghi bằng cách bổ sung thêm nhiều sản phẩm liên quan đến du lịch. Đồng thời, doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động thông qua các chương trình nhập khẩu lao động, đào tạo nâng cao và áp dụng các công nghệ tiên tiến.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Sa Sa International Holdings, một chuỗi bán lẻ lớn chuyên kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm và làm đẹp.

Tổng doanh thu của hãng tại Hồng Kông và Macao trong quí 2-2024 là 684,8 triệu đô la Hồng Kông, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Hai khu vực này chiếm hơn 70% doanh thu của Sasa, với 82 cửa tiệm bán lẻ phân bố chủ yếu ở Hồng Kông. Báo cáo đầu tháng 7 của Sa Sa nêu rõ: “Quá trình hồi phục kinh doanh bị gián đoạn do người địa phương liên tục đổ về phía bắc đến tỉnh Quảng Đông trong những dịp cuối tuần”.

Còn Simon Kwok Siu-ming, chủ tịch kiêm CEO của Sa Sa, nói rằng cơ hội bán hàng cho người dân Hồng Kông trong những kỳ nghỉ dài ngày đã bị tước mất khi người địa phương chọn đi Quảng Đông hay những những kỳ nghỉ ngắn đến Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc các chuyến đi dài ngày đến châu Âu hoặc xa hơn.

Sa Sa nói lượng người đổ xô về phía bắc đến Thâm Quyến có nghĩa là các trung tâm mua sắm Hồng Kông sẽ vắng dân địa phương, và doanh số bán hàng hồi phục “phụ thuộc vào sự gia tăng số du khách đến từ Trung Quốc đại lục”.

Sa Sa đang hy vọng vào chính sách mua hàng miễn thuế cho khách Trung Quốc đến Hồng Kông và Macao được áp dụng từ đầu tháng 7 vừa rồi. Du khách nước ngoài được mua hàng miễn thuế đến 15.000 nhân dân tệ (2.116 đô la), tăng gấp ba so với mức 5.000 nhân dân tệ trước đây. Chính quyền hy vọng biện pháp này sẽ tạo thêm doanh thu 8,8 – 17,6 tỉ đô la Hồng Kông

Hãng trang sức Chow Tai Fook, hãng con của tập đoàn New World Development, nói doanh số bán lẻ của hãng giảm 20% trong quí 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Hồng Kông và Macao bị suy giảm nặng hơn so với đại lúc, lần lượt giảm 28,8% và 18,6%.

Nhà bán lẻ Hồng Kông đang gặp nhiều áp lực khi sức mua mỗi tháng một yếu, tốc độ giảm luôn ở mức hai con số. Dữ liệu chi tiết từ Sở thống kê và dân số của đặc khu cho thấy doanh số bán “hàng hóa trong các cửa hàng bách hóa” đã giảm 21,1% vào tháng 5, khiến lĩnh vực này trở thành một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xe hơi và phụ tùng giảm 20%, cũng như đồ trang sức, đồng hồ và đồng hồ treo tường, và quà tặng có giá trị.

Doanh số bán lẻ của tháng 6, 7 và 8 đều giảm ở mức 11-12% so với cùng kỳ năm trước. Người phát ngôn của chính quyền đặc khu nói sự sụt giảm này là do những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của du khách và người dân địa phương, cũng như sự mạnh lên của đồng đô la Hồng Kông.

Theo Nikkei Asia, SCMP, The Standard, censtatd.gov.hk

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tham-quyen-hut-dan-hong-kong-den-mua-sam-khien-ban-le-xu-cang-lao-dao/