Thẩm quyền quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe nên giao Bộ nào?

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo). Dự án Luật vừa được trình Quốc hội hôm 24/10.

Xem xét thẩm quyền quản lý việc sát hạch, cấp GPLX phải tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: VGP

Xem xét thẩm quyền quản lý việc sát hạch, cấp GPLX phải tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: VGP

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (BĐTT ATGTĐB), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, quá trình thẩm tra dự án Luật về qui định quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) (khoản 4 Điều 66) còn có ý kiến chưa thống nhất.

Một số ý kiến cho rằng đào tạo, sát hạch lái xe để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, ý thức của người lái xe, nhằm xây dựng trạng thái GTĐB an toàn, là nội dung của BĐTT ATGTĐB, nên giao cho Bộ Công an quản lý nhà nước là phù hợp.

Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. Qua đó sẽ siết chặt kỹ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và chấp hành pháp luật của người lái xe.

Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ.

Ngược lại, một số ý kiến cho rằng việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước và gây lãng phí khi Bộ Công an phải đầu tư về con người, phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch, cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Bộ Giao thông vận tải đã có và đang thực hiện ổn định.

Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, BĐTT ATGTĐB có những nội dung đặc thù, nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong dự thảo Luật này là phù hợp, nhưng cần phải quy định bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung đặc thù và bảo đảm khả thi.

Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật BĐTT ATGTĐB, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, mục đích của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

"Quá trình xây dựng dự án Luật BBĐTT ATGTĐB đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ" - Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, thông tin trước QH.

Lo ngại khi đấu giá, biển số xe sẽ trở thành tài sản cá nhân

Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội của Quốc hội tán thành với quy định đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định này, vì cho rằng biển số xe dùng để quản lý, kiểm soát xe cơ giới (tài sản công), sau khi thực hiện đấu giá (bán, mua) sẽ trở thành tài sản cá nhân. Ý kiến khác cho rằng, việc đấu giá biển số xe không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Ủy ban QPAN đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cho phù hợp, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/tham-quyen-quan-ly-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-nen-giao-bo-nao-552086.html