Thăm tháp cổ Vĩnh Hưng
'Đây là ngôi đền tháp thuộc về nền Văn hóa Óc Eo duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long' - PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, người nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy văn hóa Nam bộ đã giới thiệu ngay khi chúng tôi tới thăm ngôi đền tháp độc đáo được phát hiện năm 1911 này.
Đứng trước ngôi đền tháp cổ, chúng tôi ngỡ như nó mới được ông Lunet de Lajonquiere, người Pháp phát hiện ra. Nghĩa là ngôi đền tháp vẫn đứng sừng sững mà "đơn côi" giữa màu xanh của cây, của lúa.
Theo lời kể, hồi phát hiện ra ngôi đền này, cả khu vực quanh đây đều ngập nước, chỉ trên một gò đất nổi lên giữa mênh mông ấy là cây lá rậm rạp che khuất mọi vật. Nhà nghiên cứu người Pháp đã linh cảm rằng bên trong sự rậm rạp kia là một thứ gì đó rất đáng khám phá. Và thế là ông cùng đồng sự kiên trì vạch lá phát cây. Một ngôi đền được xây bằng gạch nung đã hiện ra. Ông đặt tên là tháp Trà Long. Đến năm 1917, một nhà nghiên cứu người Pháp khác tên là Henri Parmentier tiếp tục khảo sát và công bố kết quả trong tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp với tên gọi mới là tháp Lục Hiền.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú giải thích thêm cho chúng tôi sau khi tôi có ý thắc mắc vì sao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lại đã từng có và tồn tại một nền văn hóa cổ như vậy. Xưa kia vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất "Thủy Chân Lạp", có nghĩa là vùng đất ngập nước của nhà nước Chân Lạp. Ban đầu Chân Lạp là một nhà nước chư hầu của nhà nước Phù Nam ở phía Bắc, tức là vùng Nam Trung bộ hiện nay. Nhưng chỉ trong vòng 60 năm sau đó, nhà nước Chân Lạp này đã giành được độc lập và dần dần lấn lướt nhà nước Phù Nam. Đến thế kỷ 6 thì họ đã xâm chiếm Phù Nam. Cuối cùng, trong thế kỷ 7 nhà nước Chân Lạp đã xâm chiếm toàn bộ Phù Nam".
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói đến đấy thì dừng lại, ông nhìn vẻ mặt vẫn còn chưa nguôi thắc mắc của chúng tôi, rồi nói tiếp: "Cái hay là nhà nước Chân Lạp tuy thôn tính nhà nước Phù Nam nhưng họ lại hấp thu nền văn hóa Phù Nam. Mà văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa có nguồn gốc bản địa, chủ nhân của nó là những cư dân Phù Nam. Và văn hóa Phù Nam chịu ảnh hưởng tín ngưỡng Bà la môn truyền từ Ấn Độ tới".
Tháp cổ Vĩnh Hưng được gọi như hiện nay bởi các nhà khoa học Việt Nam đã đặt tên theo địa danh mà ngôi đền tháp hiện hữu - xã Vĩnh Hưng A, thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tháp cổ Vĩnh Hưng xưa kia có lẽ không đơn lẻ mà là cụm kiến trúc tín ngưỡng với nhiều tháp hoặc nhiều khối nhà, là nơi các tín đồ đạo Bà la môn thờ linh vật phồn thực theo tín ngưỡng của mình. Bên trong lòng tháp cổ Vĩnh Hưng chúng tôi được mục sở thị hai linh vật của tín ngưỡng đạo Bà la môn, đó là linh vật Linga (sinh dục nam) và linh vật Yoni (sinh dục nữ). Đấy đều là hai linh vật có tính phồn thực mà người theo đạo Bà la môn rất tôn trọng. Dĩ nhiên khi tạc ra nó người xưa đã đạt tới độ nghệ thuật và gạt bỏ được sự dung tục.
Chúng tôi sau khi đã quan sát thật kỹ bên trong, bên ngoài của Tháp cổ Vĩnh Hưng, dĩ nhiên cũng chụp kha khá các kiểu ảnh, thì được anh Đặng Văn Khoa, cán bộ Ban quản lý các khu di tích và danh thắng tỉnh Bạc Liêu, hiện là người trông coi kiêm thuyết minh viên di tích Tháp cổ Vĩnh Hưng mời vào tham quan nhà trưng bày hiện cổ vật tháp Vĩnh Hưng. Cũng như các ngôi đền tháp cổ khác, tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng dạng gạch nung. Cho đến giờ giới khoa học vẫn chưa thể nói chắc chắn được rằng: Tháp Vĩnh Hưng được xây dựng bằng gạch nung trước hay xây dựng xong mới nung? Tuy nhiên, dấu ấn kiến trúc cổ xưa bao giờ cũng là "bí mật lịch sử" để người đời sau phải "lao tâm khổ tứ" tìm lời giải thích.
Anh Đặng Văn Khoa chỉ tay vào từng hiện vật khảo cổ đang được trưng bày trong Nhà trưng bày. Đây là một chiếc bàn mài thuốc bằng đá, nhìn thoáng biết ngay chiếc bàn mài thuốc này giống hệt những chiếc thuyền tán thuốc bắc bằng đồng của những thầy lang đông y. Anh Khoa cho biết thêm: "Căn cứ vào bàn mài thuốc bằng đá này cho thấy từ rất lâu những cư dân cổ đã biết công dụng của cây lá thuốc và biết cách bào chế thuốc để chữa bệnh. Điều đó cũng cho thấy người xưa đã có kỹ năng, kỹ nghệ trong sản xuất ra những thứ thuốc có nguồn gốc từ chính mảnh đất họ sinh sống.
Ngoài công cụ bằng đá, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy ở Tháp cổ Vĩnh Hưng nhiều vật dụng được làm bằng gốm. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi người xưa đã biết cách nung gạch xây dựng tháp tinh vi đến nỗi chúng ta hiện nay vẫn lắc đầu thán phục. Chúng tôi đã được xem những chiếc bình đựng nước có vòi rót chẳng khác gì những chiếc ấm (tích) pha chè. Hẳn người xưa đã biết cách tích trữ nước sạch hoặc nước đun sôi để sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó là những chiếc hũ đáy tròn để đựng (chứa) nước, tất cả đều bằng gốm, chứng tỏ công nghệ sản xuất thủ công nghiệp với kỹ nghệ bàn xoay đã có ở vùng đất này từ rất sớm. Rồi còn những viên gạch dùng để trang trí trong xây dựng có hình giống chiếc lá đề. Những vật dụng trang trí khác như những đầu trụ bằng gốm.
Ở một gian trưng bày khác chúng tôi đã thấy những dụng cụ lao động sản xuất, đặc biệt là đồ trang sức được chế tác từ đá quý. Mấy cô, mấy chị trong đoàn rất thích thú với món đồ trang sức đó. Nói vui chứ nếu được phép thì hẳn sẽ có cô nào, chị nào đó đeo thử để chụp ảnh đưa lên "phây" cho độc đáo.
Sau khi thăm và tìm hiểu qua nhà trưng bày, trong chúng tôi nẩy ra mấy "tranh cãi", đó là niên đại của Tháp cổ Vĩnh Hưng và ai là người xây dựng nên ngôi đền tháp này? Nếu như khẳng định tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc về nền Văn hóa Óc Eo thì "tuổi đời" của nó ước chừng trên ngàn năm bởi "Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam bộ Việt Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông, mà cụ thể là nhà nước Phù Nam và có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á cổ đại".
Còn như căn cứ vào cổ vật khai quật được, thì tuổi đời của Tháp cổ Vĩnh Hưng chừng thế kỷ 9 và vẫn do người Phù Nam xây dựng. Nhưng nếu dựa vào phong cách kiến trúc cùng kỹ thuật xây dựng thì Tháp cổ Vĩnh Hưng na ná như những Tháp Chăm hiện hữu ở nam Trung bộ và do người Chăm thực hiện. Như vậy Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng cách đây khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 6, bởi thời kỳ đó người Chăm với nhà nước Chăm Pa của mình do bị các nhà nước khác "dồn ép" nên người Chăm dịch dời về phương Nam. Họ (người Chăm) đã định cư ở vùng đất Tây Nam bộ hiện nay và dĩ nhiện họ đem theo tục thờ cúng tín ngưỡng của mình, cùng lối kiến trúc đền tháp của mình để xây dựng nên Tháp cổ Vĩnh Hưng?
Còn anh Đặng Văn Khoa cho hay: "Từ những hiện vật bằng đồng, bằng đá và bằng gốm được khai quật đã cho thấy một giai đoạn phát triển và phát triển khá dài kể từ khi nhà nước Chân Lạp thôn tính nhà nước Phù Nam trên vùng đất Tây Nam bộ hiện nay". Câu trả lời vẫn thuộc về phía các nhà khoa học.
Năm 2011, di tích Tháp cổ Vĩnh Hưng được trùng tu lớn, những chỗ tường gạch bị bong tróc hay hỏng hóc đều đã được sửa chữa, hàn gắn gần như nguyên bản. Anh Khoa cho hay: "Khi tiến hành trùng tu Tháp cổ Vĩnh Hưng, chúng tôi đã phải ra tận Ninh Thuận, Bình Thuận để "đặt hàng" bà con người Chăm. Bởi lẽ người Chăm rất tinh thông việc xây dựng tháp gạch nung. Gạch cũng như một số thứ bằng gốm khác đều được phục dựng từ chính những lò gốm Chăm, do người Chăm sản xuất và từ chính thứ đất "Chăm" đấy". Rồi anh Khoa chỉ tay lên tấm bằng công nhận là "Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia" cho Tháp cổ Vĩnh Hưng do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp năm 1992.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tham-thap-co-vinh-hung-i689131/