Thắm thiết nghĩa tình quân - dân
Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam, tình cảm gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, giành được nhiều thắng lợi. Đặc biệt, trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ quân - dân không chỉ dừng lại ở tình cảm mà còn được hun đúc thành một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp, in sâu trong từng trang sử vàng của dân tộc.
Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam, tình cảm gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, giành được nhiều thắng lợi. Đặc biệt, trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ quân - dân không chỉ dừng lại ở tình cảm mà còn được hun đúc thành một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp, in sâu trong từng trang sử vàng của dân tộc.
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời vào ngày 22/12/1944, tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những ngày đầu với chỉ 34 chiến sĩ, đội quân này đã mang trong mình lý tưởng cao cả: Vì nhân dân mà chiến đấu, vì Tổ quốc mà hy sinh. Ngay từ khi khai sinh, quân đội đã xác định rõ vai trò của mình: Không chỉ là lực lượng cầm súng bảo vệ đất nước mà còn là đội quân phục vụ, mang đến bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Câu nói giản dị nhưng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” hay “Quân với dân như cá với nước” đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của người lính Việt Nam.
80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã minh chứng rõ sức mạnh chiến đấu của quân đội ta bắt nguồn từ nhân dân. Trong mối quan hệ đó, nhân dân là gốc, là nền tảng, là khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển của quân đội; quân đội là một bộ phận không thể tách rời của nhân dân, là lực lượng nòng cốt của toàn dân trong các cuộc chiến chống quân xâm lược và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân chính là cội nguồn sức mạnh giúp quân đội ta vượt qua mọi khó khăn. Quân đội chiến đấu kiên cường, bảo vệ Tổ quốc; còn nhân dân không ngừng hỗ trợ, tiếp tế, thậm chí hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Chỉ riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có trên 261.000 dân công, thanh niên xung phong cùng hàng nghìn đồng bào từ các làng, bản, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược... Những bà mẹ ngày đêm giã gạo, đan áo cho bộ đội; những em nhỏ dũng cảm băng rừng, vượt suối mang theo lương thực, đạn dược; những cụ già dỡ nhà, đóng bè, làm cầu qua suối để tiếp tế cho tiền tuyến… Tất cả đều xuất phát từ niềm tin yêu và tình thương vô bờ dành cho quân đội. Chính những tình cảm giản dị nhưng sâu nặng ấy của nhân dân đã tiếp thêm sức mạnh cho quân đội, giúp họ vượt qua bao khó khăn, gian khổ và giành được chiến thắng lịch sử năm 1954, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân lại càng thêm sâu sắc. Trong suốt hành trình mở đường Trường Sơn - "tuyến lửa" nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, không chỉ có các chiến sĩ mà Nhân dân cũng góp sức lớn. Hàng vạn người dân đã ngày đêm băng rừng, vượt suối, mở đường, vận chuyển hàng hóa, thuốc men, lương thực cho bộ đội. Ở hậu phương miền Bắc, nhân dân sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" để chi viện cho tiền tuyến. Còn tại miền Nam, nhân dân bất chấp hiểm nguy, nuôi giấu cán bộ, xây dựng các căn cứ bí mật. Với sự đoàn kết một lòng của toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã giành thắng lợi trước một đế quốc to lớn, thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Sau chiến tranh, đất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn do hậu quả bom đạn để lại. Tình cảm quân - dân một lần nữa được khẳng định trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh và tái thiết đất nước. Hàng triệu hecta đất ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học đe dọa cuộc sống và sản xuất của nhân dân đã được lực lượng công binh xử lý. Những người lính, không quản hiểm nguy, ngày đêm rà phá bom mìn, làm sạch môi trường, trả lại đất sản xuất cho bà con. Đồng thời, quân đội cũng góp phần quan trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho nhân dân. Từ việc đào kênh, làm cầu đường, mở lớp học, xây dựng bệnh viện…, các chiến sĩ luôn hiện diện nơi khó khăn nhất, giúp các gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Có thể khẳng định, sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh to lớn, giúp Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược trước đây và gặt hái được những thành tựu vượt bậc trong giai đoạn hiện nay. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
Bên cạnh nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ, các lực lượng quân đội còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Những người lính Cụ Hồ đã đến với những vùng sâu, vùng xa, nơi cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Họ hỗ trợ xây dựng trường học, bệnh viện, mang lại ánh sáng tri thức, niềm hy vọng cho trẻ em vùng cao. Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ sản xuất, cải thiện đời sống của bộ đội ở vùng biên giới, hải đảo đã góp phần giúp cho cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt hơn, qua đó thắt chặt thêm tình cảm quân - dân.
Mỗi khi nhân dân gặp thiên tai, dịch bệnh, quân đội bao giờ cũng là lực lượng có mặt đầu tiên để hỗ trợ bà con. Trận lũ lịch sử năm 2020 tại miền Trung là một minh chứng điển hình. Trong mưa bão, những người lính Cụ Hồ xông pha vào từng con ngõ đang ngập để khuân vác đồ đạc, gia cố nhà cửa cho người dân; những gia đình có người cao tuổi, đau ốm, trẻ nhỏ đều được các chiến sĩ cõng trên vai, lội qua dòng nước lũ để đưa đến nơi an toàn. Trong số những người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ, có trên 30 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Đây là sự mất mát lớn lao, nhưng cũng là niềm tự hào, là động lực để đồng đội không chùn bước.
Trong đại dịch COVID-19, hàng nghìn chiến sĩ, sĩ quan đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, chăm sóc, hỗ trợ hàng vạn người cách ly tập trung, dù ngày hay đêm, dù trời nắng hay trời mưa, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và khả năng lây nhiễm cao của bệnh dịch… Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn lối mở, không quản ngại ăn lán, ngủ rừng để kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tiếp nhận công dân trở về từ vùng có dịch và tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trấn an người dân. Nhiều câu chuyện cảm động như hình ảnh các chiến sĩ ngủ tạm ngoài trời, ăn vội bữa cơm đạm bạc để nhường điều kiện tốt nhất cho người dân trong khu cách ly đã lan tỏa tinh thần yêu thương, sẻ chia của bộ đội Cụ Hồ.
Mới đây, khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Việt Nam, gây mưa lớn và lũ quét nghiêm trọng, lực lượng quân đội đã ngay lập tức huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ. Bất chấp nguy hiểm từ sạt lở đất, lũ quét và thời tiết khắc nghiệt, quân đội đã nhanh chóng có mặt tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng, tham gia tìm kiếm người mất tích và di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Điển hình là những chiến sĩ Trung đoàn 98 - Trung đoàn làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), họ mặc áo phao, đeo găng tay, chân đi ủng, mang trên mình dây kéo, bình tông, áo mưa, cầm gậy tiến về phía sạt lở như bước vào trận chiến đấu vô cùng gian nan. Dưới sình lầy, cây cọc, rác thải ngập ngụa, chứa đầy vật sắc nhọn.
Trong cuốn nội san “Ký ức Làng Nủ”, Binh nhất Vàng Gở Xa, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 viết: “Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người đồng đội dũng cảm Thào Mí Lình trong quá trình tìm kiếm bị đinh sắt xuyên vào chân, máu chảy rất nhiều nhưng vẫn cố gắng chịu đựng đau đớn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cho đến khi vết thương quá nặng buộc phải về điều trị tại Bệnh viện Quân y 109, đồng chí đã bật khóc vì không được tìm kiếm cùng đồng đội”.
Bao nhiêu gian khó và cả những hiểm nguy luôn rình rập, thế nhưng những người lính không chùn bước, quyết tâm tìm kiếm và cứu giúp người dân trong làng. Để rồi, ngày các chiến sĩ trở về đơn vị, dọc con đường từ trung tâm Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, đồng bào đứng chật hai bên đường. Những người đàn ông nắm chặt tay bộ đội, các bà, các mẹ ôm vai chiến sĩ rồi khóc. Nước mắt của sự mến thương, cảm phục và biết ơn. Tất cả đều xúc động rưng rưng không nói nên lời.
Binh nhất Vàng Seo Chư, chiến sĩ Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 8 đã viết trong cuốn "Ký ức Làng Nủ" rằng: “Những chiếc bánh chưng, những gói cơm nắm, chai nước lọc là tình cảm mà người dân nơi đây gửi gắm cho chúng tôi. Trước khi về đơn vị, tôi đã rơi nước mắt khi bà con dành tình cảm cho mình. Đó là những ký ức khó quên trong đời quân ngũ”. Còn hình ảnh đẹp nào hơn thế về tình quân - dân!
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu đối với toàn quân, đó là tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân trong sinh hoạt, lao động, sản xuất, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…, nhằm không ngừng vun đắp mối quan hệ máu thịt quân - dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Có thể nói, ở mọi thời kỳ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chiến đấu; đồng thời Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn lấy sự phụng sự nhân dân làm mục tiêu lý tưởng, luôn là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tình cảm gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là nền tảng vững chắc cho sức mạnh dân tộc; là nguồn động lực mạnh mẽ để dân tộc ta tiếp tục phát triển, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc:
Bài: Minh Duyên
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
22/12/2024 06:10