Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn bó bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc. Sáng kiến xây dựng mô hình kết nghĩa cụm dân cư bản - bản (đối diện hai bên biên giới) do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai bên biên giới, đồng thời cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương giữa hai Ðảng, Nhà nước, bảo vệ và phát huy mối quan hệ đặc biệt này.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn bó bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc. Sáng kiến xây dựng mô hình kết nghĩa cụm dân cư bản - bản (đối diện hai bên biên giới) do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai bên biên giới, đồng thời cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương giữa hai Ðảng, Nhà nước, bảo vệ và phát huy mối quan hệ đặc biệt này.
Bài 1: Hợp tác cùng phát triển
Biên cương ngỡ như xa xôi, cách trở nhưng đối với bà con hai bên biên giới thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, biên giới đối với họ, không khác nào cái bờ rào ngăn cách giữa hai nhà hàng xóm. Láng giềng có đoàn kết, hữu hảo, "tối lửa, tắt đèn, giúp nhau chia ngọt, sẻ bùi, mới ngày càng gắn bó, thắt chặt tình thâm".
Giúp bạn là giúp mình
Trong công tác dân vận, BÐBP được xác định rõ, bảo vệ biên giới không chỉ đơn thuần là bảo vệ đường biên, cột mốc mà còn bảo vệ, gìn giữ và phát triển tình nghĩa keo sơn truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, nguyên Tư lệnh BÐBP khẳng định: Việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm tri ân nhân dân hai bên biên giới, vừa là sự đền đáp những công lao, cống hiến của đồng bào, đồng chí nơi "phên giậu" của Tổ quốc, vừa là nội dung cốt lõi trong xây dựng "biên giới lòng dân". Ðây chính là mục đích, là động lực để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Ðây cũng là mục tiêu hành động, nhiệm vụ chung của BÐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia. Mô hình kết nghĩa cụm dân cư bản - bản là một sáng tạo trong công tác dân vận, một tư duy mới về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Cách đây 15 năm, từ sự tham mưu, giúp đỡ của BÐBP Việt Nam, lần đầu tiên trên biên giới, triển khai xây dựng mô hình "Kết nghĩa cụm dân cư bản - bản" giữa nhân dân bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và bản Ðen-sa-vẳn, huyện Sê-pôn, tỉnh Xa-van-na-khẹt (Lào). Chỉ một thời gian ngắn, mô hình này đã được nhân rộng ra khắp các cặp bản đối diện còn lại hai bên biên giới của tỉnh Quảng Trị, Xa-la-van và Xa-van-na-khẹt, với 24 cặp kết nghĩa bản - bản. Nội dung các bản thỏa thuận kết nghĩa mà đại diện các cụm dân cư ký kết tập trung vào sáu điểm: Cam kết bảo vệ đường biên, mốc giới, cùng nhau tuyên truyền và giáo dục nhân dân hai bên xây dựng tình đoàn kết, thăm hỏi, động viên nhau trong những dịp lễ, Tết, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cháy rừng, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Thông qua hoạt động kết nghĩa, ban quản lý các bản đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân nắm và chấp hành đúng Hiệp định về quy chế quản lý biên giới Việt Nam - Lào, các quy định pháp luật của mỗi nước. Ðồng thời, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới đã có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhau về mọi mặt, từ đó góp phần thay đổi đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị anh em Việt Nam - Lào ngày càng khăng khít, bền chặt.
Từ mô hình "Kết nghĩa bản - bản" của Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo Bộ Tư lệnh BÐBP Việt Nam đã ra Chỉ thị số 2219/CT-BTLBP về "Tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới" trên cả ba tuyến Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam - Trung Quốc. Ðến nay, tính chung trong cả nước đã có 207 mô hình "Kết nghĩa bản - bản" tại 21 tỉnh có đường biên giới với ba nước nêu trên. Riêng đường biên giới Việt Nam - Lào có 103 cặp. Tiêu biểu trong xây dựng mô hình có thể kể đến BÐBP các tỉnh như: Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Ðiện Biên…
Gắn kết keo sơn Việt - Lào
Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, những người "lính quân hàm xanh" ở Ðồn Biên phòng Thông Thụ (Nghệ An) còn là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển mạnh giàu nơi mảnh đất biên cương tỉnh Nghệ An. Cụm bản - bản: Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) và Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ (Hủa Phăn) kết nghĩa dưới sự hỗ trợ đắc lực của đồn. Những mô hình vườn, ao, chuồng (VAC), xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả do chiến sĩ quân hàm xanh triển khai tại bản Mường Phú được đem sang áp dụng tại bản Nậm Táy nước bạn. Thượng tá, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Thông Thụ (Nghệ An) Hoàng Văn Huy cho biết, sau khi được chính quyền sở tại hai bên thống nhất, đơn vị đã cử những cán bộ có kinh nghiệm của đồn và bản Mường Phú sang xây dựng mô hình điểm tại bản Nậm Táy. Gia đình ông Vừ Và Bó được lựa chọn. BÐBP cùng bà con hai bên đã chung sức cải tạo vườn tạp, trồng 700 gốc cam xã Ðoài và xoài Thái. Cùng với đó, đào 3.000 m2 mặt nước, thả 4.000 con cá giống, làm chuồng nuôi bốn con lợn sinh sản… Hiện nay mô hình đang phát triển tốt, bước đầu cho thu nhập khá, giúp gia đình ông Bó đủ mua lương thực và trang trải cuộc sống được phía bạn đánh giá cao. Trưởng bản Nậm Táy Chư Ka phấn khởi cho biết: Bà con bản Nậm Táy rất biết ơn cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Thông Thụ và bản kết nghĩa Mường Phú đã giúp nhà ông Vừ Và Bó phát triển mô hình kinh tế VAC, để bà con học tập, làm theo. Ðến nay, mô hình phát triển kinh tế VAC tại bản Nậm Táy đã trở thành điểm tham quan, học tập của bà con địa phương nước bạn. Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị BÐBP tỉnh Nghệ An cho biết: BÐBP Nghệ An cùng Ðồn Biên phòng Thông Thụ còn đầu tư xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng tại bản Nậm Táy, trị giá gần 1,3 tỷ đồng, xây dựng ba nhà đại đoàn kết tặng ba hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại đây, BÐBP tỉnh Nghệ An còn mở các lớp dạy tiếng Việt, tiếng Lào cho cán bộ, nhân dân và học sinh hai bản kết nghĩa và các bản lân cận; phối hợp Trung tâm Y tế huyện Quế Phong khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm lượt người nước bạn. Bí thư bản Mường Phú Quan Văn Hoàn chia sẻ: Tuy bạn còn nhiều khó khăn, nhưng 5 năm qua, bản Nậm Táy đã thường xuyên giúp đỡ bản Mường Phú các loại giống sắn cao sản và giống rau các loại. Trong đợt thiệt hại do bão số 3 năm 2018 gây ra, bản Nậm Táy đã sang thăm hỏi kịp thời và hỗ trợ năm triệu đồng cho những nhà dân bị ảnh hưởng.
Từ năm 2013, bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên), kết nghĩa với bản Na Luông và cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày (tỉnh Phông Xa Lỳ). Từ đây, con đường xóa đói, giảm nghèo của bà con bản Na Luông được mở ra. Theo chia sẻ của ông Lò Văn Pít, người cao tuổi bản Na Luông, bà con bản Pa Thơm và BÐBP Việt Nam đã hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và khám bệnh, cấp thuốc cho bà con. Không có cảm giác núi cách trở, sông ngăn cách, bà con người Lào ở bản Na Luông rất yên tâm, tin tưởng BÐBP Việt Nam. Hoạt động kết nghĩa giữa hai bản đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bản giáp ranh thăm thân,; trao đổi nông sản hai chiều thuận tiện hơn nhiều; nhỏ là túi muối, chai nước mắm hoặc cân cá khô - những thủy, hải sản mà bên Việt Nam sẵn có hơn do có biển, ngược lại người dân nước bạn trao đổi gia súc, gia cầm... Ngoài việc tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng lúa nước, cao-su, chính quyền xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên (Việt Nam) và cụm bản Phồn Sày, huyện Mường Mày (Lào) còn tổ chức cho nhân dân hai bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2 (Hua Thanh) với bản Huổi Ẳn (cụm bản Phồn Sày), gặp gỡ, thống nhất phối hợp làm đường mòn từ bản Huổi Ẳn (Lào) ra khu vực mốc 93, tiện giao thương, qua lại thăm thân, khám, chữa bệnh...
Bản Thoọng Pẹ (huyện Căm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay) nằm sau dãy Trường Sơn hùng vĩ, với hơn 2.600 nhân khẩu, phần lớn là dân tộc H’Mông và dân tộc Lào Lùm sinh sống. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết nên hễ có ma chay hay đau ốm, bà con bản Thoọng Pẹ lại tìm đến thầy mo cúng ma, trừ tà. Bởi vậy, đã có nhiều người bỏ mạng vì những căn bệnh thông thường. Thực hiện phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, những người lính biên phòng cùng với y, bác sĩ Trạm y tế xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) tập trung tuyên truyền, vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, thay đổi tập tục khám, chữa bệnh, có bệnh là phải uống thuốc chứ không được cúng ma... Ðặc biệt, sau khi được BÐBP tỉnh Hà Tĩnh xây dựng trạm xá quân dân y ở Thoọng Pẹ, có quân y cắm bản, thêm sự đồng hành thường xuyên từ các y, bác sĩ Trạm y tế xã Sơn Kim 1 khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe nên bà con đã có nhiều thay đổi trong tư duy, từng bước đẩy lùi mê tín, dị đoan trong đời sống hằng ngày. Ông Vừ Sòng Dỡ, nguyên Trưởng bản Thoọng Pẹ phấn khởi cho biết: "Từ khi kết nghĩa với nhau, trong phát triển kinh tế, cái gì bà con Thoọng Pẹ thiếu là ta lại nhờ cán bộ xã Sơn Kim 1 giúp". Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, cách làm, xã Sơn Kim 1 còn tiến hành đầu tư, hỗ trợ cho bản Thoọng Pẹ 50 tấn xi-măng, tham gia ngày công làm 2 km đường cứng nội bản. Con đường hoàn thành đã mang lại nhiều đổi thay, tạo thêm điểm sáng cho bản. Bà con nơi đây trân trọng và tri ân đặt tên con đường mang tên Hữu Nghị.
Năm huyện vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa hiện còn gặp không ít khó khăn nhưng xuất phát từ truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, cấp ủy, chính quyền các huyện, xã vùng thượng du luôn quan tâm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhân dân tỉnh Hủa Phăn ở vùng thượng Lào cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh, kinh tế. Chỉ tính riêng Quan Sơn, trong nhiệm kỳ vừa qua, huyện đã trích ngân sách khoảng một tỷ đồng/năm trợ giúp huyện Viêng Xay (Lào) bằng những việc làm, công trình cụ thể. Như việc hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị, nghiệp vụ y tế cho một số cán bộ, viên chức; tặng vật tư, trang thiết bị y tế, phòng, chống đại dịch Covid-19; xây dựng, nhân rộng mô hình nuôi thả thủy sản, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả; hỗ trợ hàng trăm tấn xi-măng làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Quan Sơn còn tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hàng hóa ở vùng thượng Lào; mở rộng giao thương, thúc đẩy liên kết, hợp tác cùng phát triển.
Không chỉ giúp bạn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các địa phương kết nghĩa cùng với BÐBP Việt Nam và BÐBP các địa phương còn giúp bạn nâng cao dân trí, đời sống dân sinh,… Ðó là việc giúp bạn xây dựng nhiều trường học; nhà văn hóa cộng đồng và các thiết chế văn hóa; nhà hữu nghị tặng gia đình chính sách, hộ nghèo; công trình nước sạch... Hai bên phối hợp mở 54 lớp với hơn 1.000 học viên các lớp học tiếng Việt và tiếng láng giềng cho nhân dân các cụm bản. Các đơn vị còn xây dựng được một số trạm xá quân dân y hữu nghị ở hai bên biên giới để vừa chăm lo sức khỏe cho bộ đội, vừa tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân hai bên khu vực biên giới. BÐBP còn nhận đỡ đầu, giúp đỡ nhiều con em Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng…
Ðại tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Ðiện Biên cho biết: Việc tổ chức kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng yêu cầu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và lực lượng bảo vệ hai bên biên giới. Khẳng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của mỗi nước... Ðồng thời chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào trở thành mẫu hình tiêu biểu thể hiện tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn phát triển mới.
(Còn nữa)