Thắm tình Việt Nam-Cuba-Bài 2: Những ngày ăn, thức cùng bò ở Mộc Châu
Với mong muốn góp phần phát triển ngành bò sữa Việt Nam và để người dân Việt Nam sớm có đủ sữa bò cải thiện dinh dưỡng, đầu năm 1974 với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cuba, Trại bò sữa Mộc Châu (Sơn La) được xây dựng. Gần 50 năm trôi qua, trại bò sữa Cuba xây tặng ngày nào trên cao nguyên Mộc Châu vẫn còn đó và đang phát huy hiệu quả. Nó như một minh chứng rõ nét cho nghĩa tình quốc tế trong sáng mà Cuba dành cho Việt Nam.
Trại bò hiện đại, khoa học thời chống Mỹ
Chúng tôi ngược theo Quốc lộ 6 về thị trấn Nông trường Mộc Châu, nơi đặt trại bò sữa do Cuba hỗ trợ năm nào và tìm gặp các nhân chứng để được nghe lại câu chuyện về những ngày gian khó mà các cán bộ, kỹ sư, nhân viên Việt Nam và Cuba ăn, ngủ, thức cùng bò.
Là một trong những người có mặt đầu tiên từ ngày xây dựng Nông trường Mộc Châu, ông Nguyễn Xuân Bình, ở tiểu khu 40, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La), nguyên Trưởng phòng Tổ chức Nông trường Mộc Châu, dẫn chúng tôi đến từng khu nhà, từng con phố và bồi hồi nhớ lại: Cuối năm 1973, đồng chí Đỗ Mười, Phó thủ tướng Chính phủ được ủy nhiệm của Chính phủ lên chủ trì cuộc họp. Cuộc họp có Bộ Điện và than, Bộ Xây dựng, Bộ Đầu tư, Bộ Vật tư và Bộ Thủy địa chất, cùng các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Bộ Nông nghiệp. Giám đốc và một số phòng, ban của nông trường đến dự, được giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành để chuẩn bị đón nhận sự viện trợ của Cuba, xây dựng các trại bò sữa tại Mộc Châu.
Ngay sau những chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười, tháng 12-1973, Ban Kiến thiết khu bò sữa Mộc Châu được thành lập do đồng chí Đào Cảnh, Phó giám đốc Nông trường Mộc Châu làm trưởng ban. Ngày 8-5-1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên kiểm tra việc chuẩn bị và thực hiện của các bộ. Qua sự chỉ đạo, kiểm tra đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với sự hỗ trợ của đất nước anh em Cuba.
Tháng 6-1974, Chính phủ Cuba cử đoàn cán bộ, công nhân hơn 100 người do Kỹ sư trưởng UGu chỉ huy, đội trưởng là Mesa. Đoàn cán bộ, công nhân xây dựng của Cuba mang tên Binh đoàn xây dựng Lê Thị Hồng Gấm (Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam).
Kể từ ngày đó, Nông trường Mộc Châu trở nên náo nhiệt, tiếng ô tô vận chuyển, máy kéo san ủi; hàng trăm mũi khoan sâu xuống lòng đất 80-120m để tìm nước đủ tiêu chuẩn cho bò uống; nhà máy điện 1.080kW được thay thế máy điện nhỏ 24kW với tổng thiết bị lắp đạt 500 mô tơ các loại. Đường dây cao thế 70km và 200km đường dây hạ thế 6kV, 20 trạm biến áp, 1 xưởng thức ăn gia súc 2 tấn/giờ, 200km đường đồng cỏ và nội khu bằng đá, sạn; hệ thống dẫn ống nước từ đài nước trung tâm trên ngọn đồi cao 150m dẫn đến các trại, các đội; đường dây cột thông tin cũng được xây dựng để phục vụ cho đàn bò, trạm, trại...
Ông Lê Văn Hòa, là cựu lưu học sinh đào tạo chuyên ngành chăn nuôi bò sữa tại Cuba từ năm 1967 đến 1974, hiện ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty giống bò sữa Mộc Châu (nay là Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu), nguyên thành viên Ban Kiến thiết khu bò sữa Mộc Châu nhớ lại: Sau gần một năm xây dựng, các cán bộ nước bạn đã hoàn thành và bàn giao 10 trại bò, bê (sau này chúng ta xây dựng thêm 5 trại bò, đưa tổng số lên 15 trại bò, bê) và 1 bệnh viện bò hiện đại, theo công nghệ chăn nuôi tiên tiến với 20.000m2 chuồng trại kiên cố, gần 1.000ha đồng cỏ chia lô có rào dây thép gai.
Một trại gồm 2 nhà chuyên nuôi bò cận sữa, 1 nhà nuôi bò đang vắt sữa, 1 nhà vắt sữa và 1 nhà nuôi bê sơ sinh, với tổng số bò, bê là 120 con/nhà. Diện tích đồng cỏ đáp ứng nhu cầu thức ăn cho bò ở một trại là 60ha. Mặt khác, 100% sắt, thép, máy móc xây dựng đều do Cuba mang sang, phía bạn chỉ khai thác đá và cát vàng ở Việt Nam để phục vụ cho quá trình xây dựng trại bò.
Qua tìm hiểu tư liệu, chúng tôi được biết: Để chuẩn bị hỗ trợ bò sữa cho Việt Nam, từ trước đó 4 năm, vào tháng 10-1970, Cuba đã hỗ trợ 129 con bò sữa giống Hà Lan nuôi thử nghiệm tại Đội Sao Đỏ của nông trường. Sau hơn 4 năm, sự phát triển của đàn bò với sản lượng sữa đạt tiêu chuẩn về cả chất lượng và sản lượng. Điều này khẳng định, bò sữa giống Hà Lan đủ khả năng phát triển ở cao nguyên Mộc Châu.
Đây là tiền đề quan trọng để Chính phủ Cuba đẩy nhanh việc xây dựng Trại bò sữa Mộc Châu hỗ trợ Việt Nam. Khi cơ sở vật chất được chuẩn bị đầy đủ, ngày 1-5-1975, 750 con bò giống đầu tiên do Chính phủ Cuba viện trợ cập cảng chùa Vẽ, Hải Phòng. Đầu năm 1976, Cuba tiếp tục hỗ trợ 137 con bò sữa.
Như vậy, tính từ năm 1970, Cuba hỗ trợ Việt Nam 1.016 con bò sữa. Đây là sự giúp đỡ lớn lao – một tài sản lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba hỗ trợ cho Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu nói riêng đã đón nhận sự hỗ trợ quốc tế trong sáng ấy với một tấm lòng biến ơn sâu sắc đối với nhân dân Cuba, đứng đầu là đồng chí Fidel Castro.
“Đây cũng là thời kỳ nông trường được Nhà nước ta đầu tư lớn nhất, không chỉ có cơ sở vật chất là đàn bò, chuồng trại, điện nước mà còn đầu tư một đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành có trình độ cao, với gần 30 kỹ sư học tại nước ngoài được bổ sung về nông trường để theo dõi, chăm sóc đàn bò theo mô hình hiện đại trên cao nguyên Mộc Châu”, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết thêm.
Nói về quá trình xây dựng trại bò sữa cùng với các chuyên gia Cuba, ông Lê Văn Hòa nhớ lại: “Trước hết, phải khẳng định, trại bò sữa mà nhân dân Cuba anh em xây dựng tặng Việt Nam được thiết kế hiện đại, khoa học theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Phía bạn, các kỹ sư, công nhân trong quá trình làm việc tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy trình. Mọi vật liệu như đá, cát, sắt, thép đều được kiểm nghiệm chặt chẽ từ các phòng thí nghiệm, nền đất xây dựng trại bò được lựa chọn cẩn thận, ở vị trí đắc địa với những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Điều đó lý giải vì sao những trại bò Cuba xây tặng đến nay đã gần 50 năm nhưng vẫn còn bảo đảm tính khoa học về độ chắc chắn và thông thoáng”.
Vui - buồn bên trại bò
Có một kỷ niệm trong quá trình xây dựng trại bò sữa mà đến bây giờ ông Lê Văn Hòa còn nhớ mãi là khi các chuyên gia và công nhân Cuba ở khu giao tế (khu ở của chuyên gia), nhìn sang bên lán công nhân Việt Nam trong giờ ăn cơm.
Thấy công nhân mình ăn cơm độn ngô, kỹ sư trưởng Mesa tưởng là độn trứng nên nói đùa với bác Hòa: Việt Nam còn nhiều khó khăn mà công nhân ăn cơm trộn nhiều trứng thế thì chưa phải khổ lắm! Sau này, biết rõ sự tình, các chuyên gia Cuba càng mến phục, trân trọng nghị lực của công nhân Việt Nam hơn.
Khi những con bò sữa ở bên kia bán cầu được đưa sang nuôi dưỡng tại nông trường với số lượng lớn, thời gian đầu, do chưa quen với khí hậu, thổ nhưỡng ở cao nguyên Mộc Châu nên một số bò mắc bệnh. Ông Bùi Quang Nho (được đào tạo chuyên ngành chăn nuôi bò sữa từ năm 1967 đến 1974 tại Cuba) hiện ở tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường Mộc Châu, nguyên cán bộ kỹ thuật, Nông trường Mộc Châu hồi tưởng: Khi về Việt Nam, phía bạn Cuba có hỗ trợ thêm cỏ khô và một số thức ăn vi lượng cung cấp cho bò để bò tập làm quen với thức ăn và khí hậu nước ta. Nhưng ở Việt Nam, đồng cỏ nhiều ve, vắt, do đó khi bò ăn phải hay mắc các bệnh về ký sinh trùng đường máu, chuyên gia Cuba và đội ngũ kỹ thuật của ta rất vất vả để điều trị bệnh này. Đối với những con bò đã mắc bệnh ký sinh trùng đường máu nếu chữa trị khỏi thì sức khỏe của bò cũng yếu đi, sản lượng, chất lượng sữa không đạt tiêu chuẩn.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Bùi Quang Nho đã cùng với chuyên gia thú y Leo nel và cán bộ nông trường nghiên cứu thay thế phương pháp nuôi bò chăn thả tự nhiên bằng nuôi nhốt tại chuồng, hạn chế nguồn lây bệnh. Nhớ lại những kỷ niệm với chuyên gia Cuba, ông Nho kể: “Tôi rất ấn tượng với chuyên gia Leo nel! Ông là người rất vui tính và hay tếu táo trong quá trình làm việc. Có những hôm, giữa đêm mùa đông lạnh giá, vừa thực hiện nhiệm vụ đỡ đẻ cho bò, chuyên gia Leo nel vừa kể những câu chuyện vui để giúp chúng tôi quên đi sự vất vả”.
Khi những con bò sữa do Cuba hỗ trợ phát triển ổn định, một vấn đề quan trọng được cả phía bạn và Việt Nam quan tâm là nhân giống để tăng số lượng đàn bò sữa cho Việt Nam. Để làm điều này, nước bạn cử đồng chí Ra Mon, chuyên gia về thụ tinh nhân tạo và KingTaua, chuyên gia về pha chế tinh dịch sang hỗ trợ Việt Nam. Còn nước ta đã cử các kỹ sư sang tập huấn tại Cuba.
Ông Nguyễn Tiến Trinh, hiện ở Tiểu khu Nhà nghỉ, thị trấn Nông trường Mộc Châu, nguyên là cán bộ kỹ thuật chuyên về thụ tinh, là một trong những cán bộ được tập huấn tại Cuba chia sẻ: "Do có thời gian được làm việc cùng các chuyên gia của bạn, nên tôi thấy được tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và không nề hà bất kỳ khó khăn nào cho dù thời kỳ này ở nông trường, điều kiện sinh hoạt còn hết sức khó khăn, cộng với khí hậu khắc nghiệt về mùa đông.
Ông Trinh cho biết: Mỗi con bò cái sau khi được thụ tinh xong, các chuyên gia đều theo dõi sự phát triển của thai. Cứ đều đặn 3 tháng một lần, chuyên gia Ra Mon lại đến các trại để khám thai. Dù đường xa, đi lại vất vả nhưng chưa một lần nào ông trễ hẹn “khám” cho các mẹ bò sữa.
Để góp phần chăm sóc tốt đàn bò Cuba hỗ trợ, Nông trường Mộc Châu đã thành lập các đội chuyên chăm sóc bò sữa như: Đội 19-5, với sản lượng sữa giao hằng năm trên 1.200 tấn. Đội 85, với sản lượng sữa giao cho công ty đạt 1.000 tấn/năm... Đầu năm 1980, Cuba viện trợ 4 máy vắt sữa Lahavan cho nông trường, góp phần đưa máy móc hiện đại vào công đoạn vắt sữa bò.
Cuối năm 1982, nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, đàn bò sữa phát triển và sinh sản tốt đã nâng tổng số đàn bò sữa của nông trường lên 3.000 con. Sản lượng sữa đạt 3.200 tấn, năng suất sữa bình quân trên 13,5 lít/con/ngày. Lợi nhuận đạt 12 triệu đồng/năm. Và khẳng định nông trường Mộc Châu không chỉ chăn nuôi được đàn bò sữa tốt mà gây đàn hiệu quả, cung cấp giống bò sữa cho các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai... Đồng thời, nông trường trở thành một cơ sở kinh tế, quốc phòng ở Tây Bắc, là đơn vị tiêu biểu để các nông trường và các địa phương khác học tập.
Từ đàn bò quý do Cuba gửi tặng, sự chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nhân lực cả ở Cuba và Việt Nam, đến nay Mộc Châu đã trở thành một “thủ phủ” bò sữa. Với các sản phẩm sữa, các hộ nông dân vùng Nông trường Mộc Châu đã thoát nghèo, nhiều hộ trở thành tỷ phú. Các sản phẩm sữa từ Nông trường Mộc Châu ngày càng được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất ra thị trường nước ngoài. Kết quả hôm nay có được, chúng ta không thể quên sự hỗ trợ, giúp đỡ vô tư, trong sáng của Chính phủ và nhân dân Cuba anh em!
(Còn nữa)
Bài và ảnh: DUY THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.