Thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp năm 2024

Sáng 26/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2024.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Tuy nhiên, tội phạm vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 46,08%; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%; tham ô tài sản tăng 45,61%; đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%.

Năm 2024, Viện Kiểm sát đã trực tiếp hủy bỏ nhiều quyết định của cơ quan điều tra không có căn cứ, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Công tác điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả tích cực, tiếp tục thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ, việc dân sự; tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm các vụ án hành chính được tòa án chấp nhận vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Năm 2024, mặc dù số lượng các vụ án hình sự đã thụ lý tiếp tục tăng, song các tòa án đã giải quyết đạt 98,18%, vượt 10,18% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; các vụ, việc dân sự được các tòa án thụ lý tăng; tỉ lệ xét xử, giải quyết đạt 87,51%, vượt 9,51% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo tòa án các cấp khắc phục tồn tại, hạn chế trong giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, tỉ lệ án hành chính bị hủy 1,6%, bị sửa 1,98% do nguyên nhân chủ quan của tòa án, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt cao hơn so với năm 2023 cả về số tiền và số việc. Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính ở địa phương. Kết quả đã thi hành xong tăng 314 bản án, quyết định so với năm 2023. Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm; số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tham-tra-cac-bao-cao-ve-cong-tac-tu-phap-nam-2024-244255.htm