Thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Sáng 9.5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng.

Theo Tờ trình dự án Luật, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh về Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập; một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Do đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng Lưu Quang Vụ trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ

Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng Lưu Quang Vụ trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 34 điều quy định về: quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và chế độ chính sách, kinh phí bảo đảm trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…

Nội dung dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/Qh15 ngày 13.6.2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28.2.2022 gồm: hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự và chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra

Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như Tờ trình của Chính phủ. Việc quản lý, sử dụng, bảo vệ có hiệu quả công trình quốc phòng và khu quân sự trong giai đoạn hiện nay tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó có bổ sung nội dung về quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự là phù hợp, nhằm tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quân sự quốc phòng; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông phát biểu

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông phát biểu

Về chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí như dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên bố trí địa điểm, đất đai và đầu tư xây dựng công trình quốc phòng và khu quân sự; làm rõ quy định về cơ chế, chính sách và biện pháp phù hợp với những đối tượng bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quy định cụ thể chính sách này trong dự thảo Luật.

Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình và dự thảo Báo cáo thẩm tra; ghi nhận hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Huỳnh Chiến Thắng thay mặt Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Huỳnh Chiến Thắng thay mặt Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung dự thảo Luật giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết để hoàn thiện các dự thảo Nghị định, thông tư. Một số đại biểu đề nghị bổ sung tài liệu, pháp luật một số nước về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, cần có quy định, chế tài nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến đất quốc phòng, công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tham-tra-du-an-luat-quan-ly-bao-ve-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-i327202/