THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ TỔ CHỨC PHIÊN TÒA TRỰC TUYẾN: BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT LÀ CẦN THIẾT TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay

Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành với Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Làm rõ sự cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Đảng và Nhà nước đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội nhiều đợt với thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động xét xử của Tòa án bị ảnh hưởng, nhiều đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam tại vùng cách ly, vùng có dịch, không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Dự báo, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Khoản 2 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định…”. Các luật tố tụng hiện hành đều quy định cụ thể thời hạn xét xử đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Do đó, cần có giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tòa án trong công tác xét xử; bảo đảm thời hạn xét xử do luật định; bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Các luật tố tụng hiện hành chỉ quy định hình thức xét xử trực tiếp và được tiến hành tại phòng xử án; chưa quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên Tòa án nhân dân tối cao đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Hơn nữa, tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta; phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, cũng như phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo trình tự, thủ tục rút gọn; đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đại biểu Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Đại biểu Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Về lâu dài cần quy định về phiên tòa trực tuyến trong luật

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; tán thành phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến như dự thảo Nghị quyết.

Nêu rõ, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn. Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cao giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác, là đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Dự thảo Nghị quyết quy định về khái niệm và các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến, đồng thời sẽ tiến hành rà soát để quy định khái niệm phiên tòa trực tuyến khái quát, ngắn gọn hơn.

Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức thực hiện và quy định các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn liên quan đến các cơ quan tố tụng trong quân đội (trong đó có các Tòa án quân sự); do đó, đề nghị bổ sung Bộ Quốc phòng vào khoản 1 và khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành Thông tư liên tịch và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, xét xử là hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các luật tố tụng. Vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nên Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, đề nghị quy định thời hạn cụ thể để Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59833