THẨM TRA HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CTMTQG
Chiều 04/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tich Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Về phía các bộ ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tor, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; đại diện Văn phòng Chính Phủ, lãnh đạo các Vụ, các bộ ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết bằng những cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường (tháng 1/2024) của Quốc hội khóa XV, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, do Chính phủ trình theo Tờ trình số 686 ngày 08/12/2023.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ tích cực của Nhân dân, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước; đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định, đã được chỉ ra tương đối rõ nét qua nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, trong đó, có những vấn đề cần phải được nghiên cứu, giải quyết bằng những cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 108 về giám sát chuyên đề 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, “Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”.
Tập trung góp ý về trình tự, thủ tục, hồ sơ trình; cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính khả thi, sự phù hợp của 08 nhóm chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau khi nhận được hồ sơ do Chính phủ trình, các cơ quan có liên quan của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách và ngày 19/12 vừa qua, Lãnh đạo Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì, cùng với các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở đó, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, các cơ quan khác có liên quan của Quốc hội thực hiện thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết và tổ chức Phiên họp thẩm tra theo đúng quy định.
Tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận, có ý kiến thẩm tra, giải trình về hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo các nội dung như yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các vấn đề về trình tự, thủ tục, hồ sơ trình; cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính khả thi, sự phù hợp của 08 nhóm chính sách đặc thù được xác định trong dự thảo Nghị quyết.
Lưu ý đây là nội dung thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật với nhiều chính sách mới, đặc thù và có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung, bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gợi ý thảo luận của Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các vấn đề trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình và dự thảo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.
Đồng thời đề nghị đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ có ý kiến giải trình các vấn đề đại biểu nêu theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đại diện các cơ quan tham gia thẩm tra có ý kiến rõ ràng, kết luận về các chính sách thuộc lĩnh vực phụ trách đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa? Dự kiến Hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo Kế hoạch sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 08/01/2024.
Tiếp theo chương trình, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tóm tắt Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 8/12/2023 của Chính phủ về việc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung nêu trên.
Cổng TTĐT Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung chi tiết Phiên họp này./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83732