Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Chiều 11-9, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an triển khai xây dựng dự án luật. Quá trình triển khai bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 Các đại biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Các đại biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Kết quả xin ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan và thẩm định của Bộ Tư pháp đều thống nhất cao với tính đầy đủ của các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn về sự cần thiết ban hành văn bản, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật. Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh phù hợp với đặc thù và gắn với tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng kinh tế thị trường, hội nhập, bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

 Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 73 điều. Trong đó, chương I về những quy định chung; chương II về công nghiệp quốc phòng, an ninh; chương III về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; chương IV về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chương V về hợp tác quốc tế; chương VI về trách nhiệm quản lý Nhà nước và chương VII về điều khoản thi hành.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.

Việc xây dựng luật là cấp bách trước mắt cũng như lâu dài trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xu hướng chi tiêu quốc phòng trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, khí tài hiện đại. Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá, đây là dự án luật rất quan trọng, ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng, phối hợp với các ban, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội... trong quá trình xây dựng dự án luật. Thiếu tướng Phạm Trường Sơn yêu cầu ban soạn thảo cần có kế hoạch cụ thể trong quá trình thực hiện công việc, đồng thời, mong muốn các ban, bộ, ngành tiếp tục có sự quan tâm, ủng hộ để hoàn thành dự án luật bảo đảm chất lượng.

 Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất đánh giá, hồ sơ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được chuẩn bị khá chu đáo, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đa số ý kiến cũng thống nhất với sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng luật, phát huy tính lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng, an ninh, đồng thời, làm rõ hơn về cơ chế, chính sách, việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong động viên công nghiệp. Sau khi thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo để hoàn thiện dự án luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tham-tra-so-bo-du-an-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep-742294