Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chiều 6/12, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tới dự. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Kết luận số 20-KL/TW ngày 16.10.2021 Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021-2022 đã yêu cầu phải điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để phục vụ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết trong đó quy định rõ Chính phủ ngay trong năm 2021 phải xây dựng và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Các Nghị quyết của Quốc hội cũng xác định trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chương trình này, các chính sách tài khóa, tiền tệ có vai trò quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong thời gian qua, Lãnh đạo Quốc hội hết sức quan tâm, chủ động từ sớm, từ xa, giao nhiệm vụ cho các cơ quan của Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ chủ động có một số cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế để bổ sung các cơ sở thực tiễn, khoa học đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam, nhằm đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp.
Đặc biệt, ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, ghi nhận được nhiều đề xuất chính sách tài khóa, tiền tệ và sự phối hợp giữa các chính sách để hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh Phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình; các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình được Chính phủ đề xuất. Qua đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế kịp thời xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ, đủ điều kiện trình nội dung này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 6 tới đây.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; một số gợi mở thảo luận về Tờ trình của Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn trình bày.