THẨM TRA VIỆC PHÊ CHUẨN QUYẾT ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CƠ CẤU CỦA PHÒNG GIÁM ĐỊNH KỸ THUẬT HÌNH SỰ THUỘC VKSNDTC

Chiều 22/12, tại phiên họp toàn thể lần thứ 16, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 12 quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC

Căn cứ vào Khoản 5, Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 quy định phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC có chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp; Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự; Sơ kết, tổng kết, báo cáo Viện trưởng VKSNDTC về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự để báo cáo Quốc hội, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp theo quy định; Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về giám định kỹ thuật hình sự và các nhiệm vụ khác do Viện trưởng VKSNDTC giao theo quy định của pháp luật.

Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là tổ chức giám định tư pháp công lập có tài khoản và con dấu riêng. Do vậy, VKSNDTC đề xuất thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là một đơn vị Phòng độc lập, thuộc VKSNDTC tương đương với Viện Nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan trong việc giám định và giám định lại cũng như tình hình biên chế đang khó khăn hiện nay, VKSNDTC dự kiến biên chế của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC từ 07-09 công chức. Trong tổng chỉ tiêu biên chế được giao, VKSNDTC sẽ điều chỉnh, bố trí, sắp xếp biên chế hợp lý, đủ số lượng và chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ được Quốc hội giao, không làm tăng thêm biên chế.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều khẳng định việc VKSNDTC nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp là cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn của thực tiễn về nhu cầu giám định âm thanh, hình ảnh từ dữ liệu điện tử hiện nay; đồng thời cũng bảo đảm đúng thẩm quyền và thủ tục.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại phiên họp

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại phiên họp

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn bày tỏ nhất trí với sự cần thiết thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời nhấn mạnh ở đâu có hoạt động điều tra thì ở đó phải có giám định tư pháp và do tính đặc thù của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan duy nhất trong hệ thống cơ quan tư pháp được giao nhiệm vụ điều tra một số loại tội phạm nên giám định tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng phải mang tính đặc thù. Đại biểu cho rằng việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là yêu cầu phải thực hiện; và dù đặt cơ quan này ở đâu trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì vẫn phải đảm bảo yêu cầu đây là cơ quan độc lập, chịu sự chỉ đạo duy nhất của Viện trưởng.

Làm rõ địa vị pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC

Cơ bản tán thành với các nội dung của Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, các đại biểu cũng đề nghị xác định rõ vị trí pháp lý của Phòng, làm cơ sở cho việc quy định về con dấu, tài khoản của Phòng, mối quan hệ của Phòng với các tổ chức khác thuộc VKSNDTC; đồng thời, lưu ý việc quy định các chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC như đều phải thuộc phạm vi thẩm quyền là “thực hiện giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử”, tránh chồng chéo với các tổ chức, đơn vị thuộc VKSNDTC và của các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, về địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của đơn vị này vẫn còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng theo khoản 1 Điều 42 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định về cơ cấu tổ chức của VKSNDTC thì không có đơn vị Phòng độc lập trong cơ cấu tổ chức bộ máy của VKSNDTC. Do đó, Tờ trình của VKSNDTC xác định địa vị pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự là Phòng độc lập thuộc VKSNDTC tương đương với Viện nghiệp vụ của VKSND cấp cao là không có căn cứ. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp giao cho “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thực hiện chức năng giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử”, chỉ là 2 trong 10 lĩnh vực của giám định kỹ thuật hình sự. Với phạm vi giám định như trên, quá trình xây dựng Luật đã có sự cân nhắc kỹ và chỉ quy định về tổ chức của đơn vị giám định này ở quy mô cấp phòng. Do đó, việc tổ chức Phòng Giám định kỹ thuật hình sự là Phòng độc lập thuộc VKSNDTC là phòng thuộc đơn vị cấp Vụ là phù hợp. Điều này cũng tương tự như Bộ Quốc phòng hiện nay thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự là một đơn vị cấp phòng trực thuộc đơn vị cấp Vụ, có con dấu, tài khoản riêng, mà không phải là một phòng độc lập thuộc cấp Bộ.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, để bảo đảm hoạt động độc lập, khách quan của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thì cần thiết tổ chức thành một đơn vị Phòng độc lập như Tờ trình. Tuy nhiên, khi đó sẽ phải làm rõ việc tổ chức Phòng độc lập như Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC phù hợp với quy định nào trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường để làm rõ vị trí pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự này cần làm rõ tại sao lại xác định cơ quan này tương đương tương đương với Viện Nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao. Đồng thời, làm rõ tính chất hoạt động của cơ quan này. Theo đó, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự này là cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập bởi hiện nay các tổ chức giám định tư pháp công lập như viện pháp y hay trung tâm pháp y đều là đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu là cơ cấu thuộc VKSNDTC thì cơ quan này sẽ nằm ở điểm nào trong Khoản 1 Điều 42 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đại biểu nhấn mạnh, nếu chưa làm rõ các nội dung này thì sẽ rất khó xác định vị trí địa lý của đơn vị này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị VKSNDTC báo cáo làm rõ nhiều nội dung để từ đó xác định được địa vị pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị VKSNDTC báo cáo làm rõ nhiều nội dung để từ đó xác định được địa vị pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC

Do đó Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị VKSNDTC nghiên cứu, rà soát, quy định phù hợp về địa vị pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự để bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Giám định tư pháp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhưng đến nay VKSNDTC mới có Tờ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa kịp thời.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị VKSNDTC tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp thẩm tra để hoàn thiện lại hồ sơ, Tờ trình và các văn bản, trong đó xác định địa vị pháp lý của cơ quan này để bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50750