Tham vấn rộng rãi và thực chất
Để có cơ sở trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngay từ ngày 1.7 tới đây, thay vì từ ngày 1.1.2025 như đã ấn định trước đó, Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Với thời gian gấp rút, quá trình này càng cần có sự tham vấn rộng rãi và thực chất với các bên liên quan để bảo đảm chất lượng cao nhất của các văn bản hướng dẫn.
Ngày 26.3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có văn bản chỉ đạo các Bộ trưởng, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung và khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Trong văn bản này, Thủ tướng nêu cụ thể nhiệm vụ của từng Bộ trưởng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ 6 dự thảo nghị định; ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 dự thảo nghị định và ban hành 1 thông tư. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao trình Chính phủ 2 văn bản (gồm 1 dự thảo nghị định và 1 dự thảo quyết định). Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 1 thông tư. Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật.
Thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ này đã được nêu rõ trong Kế hoạch triển khai Luật Đất đai năm 2024, được Thủ tướng ban hành ngày 5.3.2024 tại Quyết định số 222/QĐ-Ttg. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn trong tháng 5.2024.
Quốc hội đã nỗ lực làm việc để thông qua Luật Đất đai năm 2024 với các chính sách tiến bộ, đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và giờ đây tới lượt Chính phủ tiếp nối nỗ lực đó nhằm sớm đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Quyết tâm này tạo sức ép rất lớn lên cả Chính phủ và các bộ, địa phương. Nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 khó khăn không kém quá trình xây dựng luật! Phải hoàn thiện 16 văn bản hướng dẫn thi hành trong khoảng thời gian eo hẹp là một nhiệm vụ hết sức nặng nề; nhất là khi các chính sách tốt trong Luật Đất đai năm 2024 có thực sự phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu ban hành chính sách hay không phụ thuộc rất lớn vào khâu ban hành hướng dẫn và triển khai sau đó.
Chẳng hạn, các quy định về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2024 tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận đất đai, qua đó mang đến hai tác động tích cực. Một mặt, có thể “gọi vốn” bên ngoài đầu tư vào nông nghiệp; mặt khác, “kích” năng lực của nông dân thông qua tập trung đất đai và tạo dư địa chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Vậy nhưng nếu văn bản hướng dẫn quy định rõ các điều kiện, nếu quá trình thực thi không tốt thì có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn như chiếm đất, thu gom đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến người yếu thế.
Với khối lượng công việc lớn, yêu cầu công việc cao như vậy, cơ quan soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 có thể tham khảo kinh nghiệm hay của các Ủy ban của Quốc hội. Đó là chủ động tham vấn và lắng nghe rộng rãi ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, địa phương và các bên liên quan với tinh thần không có bất cứ rào cản nào trong tham gia ý kiến. Điều này một mặt giúp huy động chất xám thiết thực nhất, cũng như bảo đảm sự đồng bộ của Luật Đất đai với các luật khác để thúc đẩy thực thi và tiết kiệm chi phí tuân thủ. Mặt khác, quá trình tham vấn cũng chính là cơ hội truyền thông về các quy định mới, chính sách mới của luật - một nhiệm vụ cũng quan trọng không kém để đưa Luật Đất đai năm 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống.