Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ khi gia nhập BRICS

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Giới chuyên gia nhìn nhận, động thái này phản ánh nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế.

(Từ trái qua phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong hội nghị thượng đỉnh của BRICS năm 2018. Ảnh: AFP

(Từ trái qua phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong hội nghị thượng đỉnh của BRICS năm 2018. Ảnh: AFP

Sự chuyển hướng

Theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, việc gia nhập BRICS có mục tiêu là mở rộng quan hệ quốc tế ngoài đồng minh phương Tây truyền thống. BRICS được biết đến là một liên minh các quốc gia phát triển mới nổi, được hình thành bởi 5 quốc gia ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Vừa qua, BRICS kết nạp thêm các quốc gia thành viên mới là Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ethiopia, Ai Cập, cùng hàng chục quốc gia khác đang rục rịch trở thành thành viên của liên minh này. Những quốc gia thành viên của BRICS trải dài nhiều khu vực trên thế giới, nắm giữ những vị trí địa lý trọng yếu trên toàn cầu, thay vì chỉ là một nhóm các quốc gia tập trung chủ yếu ở một khu vực nhất định. BRICS cũng thường tự quảng bá là một giải pháp thay thế cho các tổ chức do phương Tây chi phối, như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế...

Giới chuyên gia nhìn nhận, động thái gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ thực chất còn nhiều điều ẩn chứa bên trong. Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS phản ánh rõ nét hơn sự chuyển dịch trọng tâm địa chính trị khỏi các nền kinh tế phát triển ở phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong hàng thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ có nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng tiến trình này đã kéo dài mà không có triển vọng. Điều này tất yếu gây nên sự thất vọng đáng kể của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đồng minh phương Tây.

Từ đó, giới chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có xu hướng tìm kiếm một hướng đi mới. Trên thực tế, BRICS đang nổi lên như một liên minh quốc tế đối trọng với phương Tây. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng đề nghị gia nhập BRICS cũng là điều đã được dự báo trước, đồng thời phản ánh chiến lược đa dạng hóa chính sách đối ngoại nhằm củng cố vị thế quốc tế.

Theo giới quan sát chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây có mối quan hệ rất chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, mối quan hệ này ngày càng gặp nhiều thách thức, bao gồm những căng thẳng nội bộ trong NATO và sự bế tắc trong quá trình đàm phán gia nhập EU từ năm 2005 đến nay. Đặc biệt, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây ngày càng rạn nứt vì những bất đồng trong bối cảnh an ninh quốc tế thời gian qua có nhiều bất ổn.

Xét riêng về nội tại của Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường cáo buộc phương Tây cản trở khát vọng xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng tự cung, tự cấp và phát triển kinh tế mạnh mẽ. Điều này đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các giải pháp thay thế để cải thiện vị thế quốc tế và gia tăng hợp tác kinh tế với những cường quốc được xem là đối lập với phương Tây.

Nỗ lực đa dạng hóa quan hệ quốc tế

Đường hướng chủ đạo xuyên suốt của Thổ Nhĩ Kỳ là đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập các tổ chức quốc tế ngoài phương Tây. Điển hình là năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nhưng chưa có tiến triển đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dẫn đầu sáng kiến khôi phục quan hệ với các quốc gia Trung Á nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường vai trò trong các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên hợp quốc.

Theo giới quan sát, tất cả sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ đều bám sát với tôn chỉ muốn nâng cao vai trò của đất nước trên trường quốc tế, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề kinh tế và chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ đang nhìn nhận BRICS là một cánh cửa rộng mở đối với quan hệ chính trị, thương mại và tiếp cận các nguồn tài chính thông qua ngân hàng phát triển của khối.

Thổ Nhĩ Kỳ coi BRICS là cơ hội để cải thiện hợp tác kinh tế và thương mại với các nền kinh tế lớn đang phát triển. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn trở thành cầu nối thương mại giữa EU và châu Á, đóng vai trò trung tâm xuất khẩu khí đốt từ Nga và Trung Á.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực thu hút đầu tư từ các quốc gia thành viên BRICS, song hành với việc tận dụng liên minh hải quan giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU để tăng cường tiếp cận thị trường. Đây là một trong những nỗ lực lớn của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và cải thiện năng lực sản xuất quốc gia.

Các nhà kinh tế học cho rằng, việc tham gia vào BRICS cũng có thể sẽ là “đòn bẩy” giúp Thổ Nhĩ Kỳ hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn của nước này trong việc cải tổ các tổ chức quốc tế, xây dựng một thế giới đa cực, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò như một cường quốc tầm trung đang trỗi dậy. Việc gia nhập các nhóm và tổ chức quốc tế không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tiếng nói của mình, mà còn giúp củng cố sự tự chủ trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Có thể thấy, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS dễ thấy có 2 mục tiêu. Trước hết là nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ mới ngoài phương Tây. Tiếp đó là đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa chính sách ngoại giao, xây dựng một thế giới đa cực, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng cường vị thế và vai trò quốc tế của mình. Việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của BRICS sẽ không làm giảm cam kết của nước này đối với NATO hay EU, mà sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và chiến lược với các quốc gia ngoài phương Tây.

Bình luận về việc gia nhập BRICS, trong một phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh rằng, động thái này không phải là quay lưng với phương Tây mà là một phần trong chiến lược đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS sẽ không mâu thuẫn với các cam kết của nước này trong liên minh châu Âu - Đại Tây Dương mà thay vào đó là một sáng kiến để mở rộng quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới ngày càng đa cực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-vong-cua-tho-nhi-ky-khi-gia-nhap-brics-post480847.html