Tham vọng của Trung Quốc trong kế hoạch phát triển 5 năm tới

Cứ 5 năm một lần, Chính phủ Trung Quốc lại đặt ra các ưu tiên kinh tế và xã hội, cuộc họp năm nay là kế hoạch lần thứ 14 như vậy.

Theo CNBC, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu nhóm họp tại Bắc Kinh trong các ngày 26-29/10, để bàn luận về đề xuất phát triển đất nước trong 5 năm tới - từ 2021 đến 2025.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc vạch ra các mục tiêu phát triển và kinh tế cho giai đoạn 2021-2025. Ảnh: SCMP

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc vạch ra các mục tiêu phát triển và kinh tế cho giai đoạn 2021-2025. Ảnh: SCMP

Với tình hình toàn cầu bất ổn vì đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng, cuộc họp được tổ chức tại một thời điểm có thể nói là đặc biệt quan trọng với quốc gia châu Á này. Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong vài năm tới.

Một trong những cột mốc quan trọng sắp tới là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 - các nhà chức trách đã cam kết xây dựng một "xã hội tương đối thịnh vượng" vào năm tới. Sau đó, vào năm 2022, Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ làm sáng tỏ các kế hoạch lãnh đạo trong tương lai của ông Tập Cận Bình.

Trong các mục tiêu phát triển mà Bắc Kinh đã đề ra có kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" nhằm thống trị các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao chủ chốt, và "Các tiêu chuẩn Trung Quốc 2035" về công nghệ hàng đầu.

Văn bản cuối cùng của kế hoạch 5 năm sắp tới sẽ được công bố trong năm 2021 tại kỳ họp Quốc hội được tổ chức vào tháng 3.

"Một điều tôi nghĩ sẽ được nhấn mạnh là đảm bảo chuỗi cung ứng", CNBC dẫn lời Dan Wang - nhà kinh tế trưởng của Hang Seng China nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại của hãng tin này. "Tôi cho rằng sẽ có một số điều chỉnh lớn vì kế hoạch 5 năm lần thứ 14 này là một kế hoạch dài hạn. Đó không phải là một kế hoạch khẩn cấp. Nó sẽ thúc đẩy một số vấn đề dài hạn. Bây giờ với một số sự cạnh tranh từ Mỹ, sẽ có rất nhiều căng thẳng ở những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và sinh kế cơ bản của người dân".

Tự lực và an ninh

Sau nhiều năm chỉ trích Trung Quốc lợi dụng các thị trường toàn cầu một cách không công bằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, và nhiều người nhận định điều này sẽ vẫn tiếp tục ở một hình thức nào đó - kể cả khi ứng viên Dân chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Trump đã gây áp lực buộc Trung Quốc phải mua thêm hàng hóa của Mỹ, đồng thời kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh bằng các giới hạn áp vào những công ty như gã khổng lồ viễn thông Huawei.

Liệu các hãng công nghệ Trung Quốc có thể tiếp tục hợp tác với các công ty Mỹ hay không vẫn còn chưa rõ, và điều này khiến Bắc Kinh đẩy nhanh nỗ lực đảm bảo sức mạnh công nghệ tương lai của chính mình.

Trong một bài phát biểu vào đầu tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập sự ủng hộ dành cho cơ học lượng tử, lĩnh vực có thể thúc đẩy sự phát triển của các siêu máy tính có năng lực xử lý vượt xa các hệ thống hiện tại.

Yue Su - nhà kinh tế chủ chốt tại EIU (Đơn vị Tình báo Kinh tế) - cho rằng kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc sẽ chú trọng ủng hộ công nghệ, chẳng hạn như chất bán dẫn. Bà cũng dự đoán, các nhà chức trách sẽ bàn cách tạo dựng khả năng phục hồi về an ninh năng lượng thay vì dựa vào nhập khẩu xăng dầu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trong khi phải đối đầu căng thẳng thương mại với nhiều nước sản xuất nông nghiệp và tình trạng thiếu hụt thịt lợn - một mặt hàng tiêu dùng chủ lực của các hộ gia đình Trung Quốc.

Từ góc độ xã hội, bà Su cho rằng Trung Quốc sẽ tìm ra nhiều cách thức thúc đẩy tiêu dùng, trong đó có xóa bỏ các giới hạn về số con mà mỗi cặp vợ chồng được phép sinh.

Tìm kiếm cơ hội trong nước

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại trong vài năm qua, giữa lúc có nhiều lo ngại về tốc độ tăng trưởng nhanh do nợ nần. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 - vạch ra các ưu tiên của chính phủ từ năm 2016 đến năm 2020 - Trung Quốc đã dần chuyển sang dựa vào tiêu dùng để tăng trưởng hơn là xuất khẩu.

Trong vài tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc thường nói đến một cụm từ mới được cho là sẽ là nền tảng cho kế hoạch trong 5 năm tới, một khái niệm mà họ gọi là "lưu thông kép". Nó được chia thành hai phần: "lưu thông nội bộ" tập trung vào việc phát triển thị trường nội địa của Trung Quốc, và "lưu thông bên ngoài" - trao đổi thương mại với các nước khác.

Với sự tập trung lớn hơn vào thị trường nội địa, giới phân tích cho rằng kế hoạch phát triển tới đây của Trung Quốc sẽ cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho y tế cộng đồng, giáo dục, thể thao, văn hóa và du lịch.

"Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ đặt nặng phát triển chất lượng cao, vì không còn giữ được tốc độ như trước nữa", CNBC dẫn lời Zon Liang, một chuyên gia nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc. Theo ông, kế hoạch năm năm tới đây thực sự sẽ rất quan trọng để Trung Quốc đưa nền kinh tế lên một mức độ mới, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Giới phân tích cũng dự đoán, kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc sẽ bao gồm các chủ đề như mở rộng sự phát triển của các trung tâm độ thị hiện thời cùng nhiều mục tiêu khác nhằm giữ cho dân số 1,4 tỷ người hài lòng với chất lượng cuộc sống.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/tham-vong-cua-trung-quoc-trong-ke-hoach-phat-trien-5-nam-toi-683907.html