Tham vọng của tướng Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ
Về không quân, nhờ sự chi viện của Mỹ, trong tay Navarre có tới 350 máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự.
Kế hoạch Navarre
Chỉ sau một tháng điều tra, nghiên cứu tình hình và làm việc với thuộc cấp, Navarre đã hoàn thành bản kế hoạch tác chiến của mình để sớm trở về nước báo cáo với Hội đồng Quốc phòng Pháp. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, đồng thời thăm dò thái độ của Mỹ, ngày 24/7/1953, Hội đồng Quốc phòng Pháp nhất trí thông qua kế hoạch mang tên tác giả của nó: kế hoạch Navarre (Plan Navarre).
Trên diễn đàn Quốc hội, ngày 20/10/1953, thủ tướng Joseph Laniel hứng khởi tuyên bố: “Kế hoạch Navarre chẳng những được chính phủ Pháp, mà ngay cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép chúng ta hy vọng đủ mọi điều”.
Kế hoạch Navarre là một kế hoạch quân sự đại quy mô, nhưng nội dung cơ bản của nó có thể vắn tắt trong mấy chữ: một mục tiêu, hai biện pháp, hai giai đoạn.
- Một mục tiêu: kết thúc chiến tranh Đông Dương trong vòng 18 tháng.
- Hai biện pháp:
a) Tăng quân: kể cả quân viễn chinh xin từ chính quốc sang, từ Bắc Phi, Triều Tiên đến và huy động tại chỗ quân lính của các “quốc gia liên kết” (tức quân ngụy Việt-Miên-Lào), để nhanh chóng có được một lực lượng quân lính lớn nhất chưa từng có ở Đông Dương, đi đôi với việc xin thêm tiền bạc, vũ khí Mỹ.
b) Tập trung quân: đặc biệt là các tiểu đoàn cơ động chiến lược, hình thành những “quả đấm thép”, để sẵn sàng tiêu diệt các sư đoàn chủ lực Việt Minh.
- Hai giai đoạn:
a) Trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp giữ thế phòng ngự chiến lược ở phía Bắc, cố gắng tránh giao chiến với quân chủ lực Việt Minh, nhưng luôn luôn sẵn sàng đối phó với một cuộc tiến công của chủ lực Việt Minh ở đồng bằng Bắc bộ, đồng thời thực hành tiến công chiến lược ở phía Nam, trước hết là đánh chiếm, bình định các tỉnh thuộc vùng tự do của Việt Minh ở Liên khu 5, rồi thừa thắng chuyển vào sâu hơn, quét sạch lực lượng kháng chiến ở cực nam Trung bộ và Nam bộ.
b) Từ Thu Đông 1954 đến giữa năm 1955, sau khi bình định xong phía Nam, Navarre sẽ đưa toàn bộ lực lượng ra Bắc, thực hành “tổng giao chiến” với quân chủ lực Việt Minh, chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ (nơi quân Pháp có nhiều lợi thế), giáng cho quân đội Việt Minh đòn quyết định, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán, để cho nước Pháp có thể rút ra khỏi cuộc chiến tranh trong tư thế của người chiến thắng.
Thực hiện kế hoạch của mình, chỉ trong thời gian ngắn nửa cuối năm 1953, Navarre đã huy động được hàng trăm ngàn quân (480.000 người), trong đó có 12 tiểu đoàn xin được từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên, bảy tiểu đoàn rút từ Nà Sản về, cộng thêm 54 tiểu đoàn lính bản xứ được huy động trong các vùng tạm chiếm. Tổng số các đơn vị bộ binh, nhờ đó, được nâng lên đến 267 tiểu đoàn, trong đó gồm 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, ưu tiên cho chiến trường Bắc bộ 44 tiểu đoàn, mà phần lớn là những binh đoàn tinh nhuệ nhất.
Về không quân, nhờ sự chi viện của Mỹ, trong tay Navarre có tới 350 máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự.
Với lực lượng hùng hậu đó, Navarre vừa có thể sẵn sàng đối phó được với cuộc tiến công mùa khô của Việt Minh mà ông ta phán đoán có nhiều khả năng xảy ra ở đồng bằng, lại có thể đối phó được với chiến tranh du kích trên các vùng bị chiếm ở Bắc bộ, vừa tạo được thế uy hiếp đối với vùng tự do rộng lớn của ta ở Việt Bắc, Trung du và Thanh, Nghệ, Tĩnh, đồng thời lại có lực lượng mạnh để chuẩn bị thực hành tiến công chiến lược ở phía Nam, bước thứ nhất trong kế hoạch của mình.
Vừa khẩn trương xây dựng lực lượng, Navarre vừa tranh thủ tiến hành hàng loạt cuộc hành binh càn quét lớn tại nhiều nơi, nhằm tiêu hao, tiêu diệt lực lượng ta, phá vỡ sự chuẩn bị của quân ta đánh vào đồng bằng, đồng thời cũng là để thăm dò động tĩnh của quân ta, buộc ta phải bộc lộ ý đồ quân sự trong mùa khô này:
- Cuộc hành binh “Chim nhạn” (Hirondelle), ngày 17/7/1953, cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn, tập kích sâu vào hậu phương ta ở phía bắc.
- Cuộc hành binh Camargue, từ 26/7 đến 05/8/1953, đánh vào Trị Thiên, nhằm tiêu diệt trung đoàn chủ lực 95, thuộc sư đoàn 325.
- Cuộc rút quân bằng đường không khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản, từ 08 đến 12/8/1953, để bổ sung lực lượng cho đồng bằng Bắc bộ.
- Cuộc hành binh “Hải Âu” (Mouette), từ 15/10 đến 06/11/1953, đánh ra tây nam tỉnh Ninh Bình1.
- Cuộc hành binh “Con bồ nông” (Pelican), ngày 16/10 đổ bộ vào vùng bờ biển Thanh Hóa.
Nhưng các cuộc hành binh ấy, trừ cuộc nhảy dù chớp nhoáng xuống Lạng Sơn có gây cho ta một ít thiệt hại không đáng kể về kho tàng, còn tất cả đều bị tổn thất nặng. Báo Pháp Le Monde số ra ngày 27/10/1953 nhận xét: “Cứ theo đà này thì số quân tăng viện (12 tiểu đoàn từ Pháp, Bắc Phi, Triều Tiên sang) chỉ đủ bù vào số quân bị tổn thất trong các cuộc hành binh”.
Điều quan trọng hơn là Navarre vẫn không đạt được ý định thăm dò chủ trương tác chiến của đối phương. Ngoài Đại đoàn 320 được giao nhiệm vụ cùng hai trung đoàn thuộc Liên khu 3 (Trung đoàn 42 và Trung đoàn 46), phối hợp với dân quân du kích địa phương đối phó với địch ở đồng bằng, còn các đại đoàn khác (308, 316, 312, 304, 351)1 thì vẫn “án binh bất động”, đúng hơn là vẫn tiếp tục chương trình huấn luyện ở các vùng đóng quân trên cả hai hướng bắc và nam vùng châu thổ, cùng với Đại đoàn 325 ở Liên khu 4, sẵn sàng chờ lệnh xuất quân.
Câu hỏi lớn của Navarre vẫn chưa có lời giải đáp. Các cuộc hành binh lớn nhỏ của Navarre được tung ra như một kế thăm dò vẫn chưa tìm được đáp số.
Bộ chỉ huy Pháp đâu có biết chính trong thời gian này cơ quan đầu não của Việt Minh đã vạch xong phương hướng chiến lược, hoạch định xong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954.