Tham vọng địa ốc của CTCP Khai thác Việt Nhật Đức tại Thanh Hóa

Từ đầu năm 2020, CTCP Khai thác Việt Nhật Đức đã 2 lần vượt qua vòng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án địa ốc tại Thanh Hóa. Đối thủ của họ ở vòng trong đều là những doanh nghiệp ngang tầm về quy mô và khá nổi danh.

Hai lần “so găng” của Việt Nhật Đức

Ngày 28/10/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án “Khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung”. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 556,7 tỉ đồng, thực hiện không quá 5 năm.

Hai nhà đầu tư trúng sơ tuyển được công bố hiện đều đăng ký địa chỉ trụ sở tại Thanh Hóa là Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (Minh Tuấn) và CTCP Khai thác Việt Nhật Đức (Việt Nhật Đức).

Trong đó, công ty Minh Tuấn được thành lập từ tháng 12/2008, do ông Nguyễn Thanh Quân (SN 1980) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Doanh nghiệp này là một trong những nhà thầu quen ở nhiều dự án xây dựng công trình giao thông tại Thanh Hóa như: Gói thầu số 5 thi công xây dựng công trình “Hạ tầng khu kỹ thuật khu dân cư Đồng Bừng xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa”; Gói thầu thi công xây dựng công trình (Bao gồm chi phí hạng mục chung), cung cấp lắp đặt thiết bị và bảo hiểm công trình thuộc dự án “Hạ tầng khu dân cư mới, phía Tây Bắc đường Quốc lộ 10, tại xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa”.

Bên cạnh đó, Minh Tuấn còn đầu tư khai thác mỏ đá vôi tại núi Đồng Chua, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 30/6/2014.

Những khoản lãi khiêm tốn của Tổng Cty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Minh Tuấn lần lượt đạt mức 550 tỉ đồng và 276,5 tỉ đồng. Trong 4 năm gần nhất, Minh Tuấn ghi nhận mức doanh thu cao nhất vào năm 2019, đạt 501 tỉ đồng. Song, doanh nghiệp này chỉ báo lãi khiêm tốn, ở mức 1,1 tỉ đồng. Dù vậy, Minh Tuấn vào tháng 8/2020 vẫn được tăng vốn điều lệ lên mức 600 tỉ đồng.

Đối thủ của Minh Tuấn - công ty Việt Nhật Đức – trước đó cũng đã vượt qua vòng sơ tuyển dự án Khu dân cư phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. Dự án này có tổng chi phí thực hiện sơ bộ 901,9 tỉ đồng, thời gian thực hiện không quá 3 năm. Cạnh tranh với Việt Nhật Đức ở dự án này là Công ty TNHH BNB Hà Nội (BNB Hà Nội).

Nhà phát triển địa ốc có địa chỉ tại Hà Nội có mối quan tâm đặc biệt tới thị trường bất động sản Thanh Hóa. Được biết, BNB Hà Nội đã và đang đầu tư vào nhiều dự án tại Thanh Hóa như: Cụm công nghiệp Vĩnh Minh (30 ha); Cụm công nghiệp Hòa Lộc (21 ha); Cụm công nghiệp Tam Linh (40 ha); Khu dân cư Phú-Quý (7,7 ha); Dự án Khu thương mại và dân cư lô ATM-3.

BNB Hà Nội được thành lập từ tháng 2/2014, vị trí Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đỗ Minh Tiến (SN 1984) đảm nhiệm. Ông Tiến cũng là cổ đông lớn nhất, nắm tỷ lệ sở hữu chi phối tại BNB Hà Nội. Cập nhật tới tháng 1/2020, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên mức 690 tỉ đồng.

Việt Nhật Đức của ai?

So về quy mô, Việt Nhật Đức không thua kém Minh Tuấn hay BNB Hà Nội. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Việt Nhật Đức lần lượt đạt 859,75 và 689,1 tỉ đồng.

Là doanh nghiệp còn tương đối bí ẩn với đại chúng, Việt Nhật Đức hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính ở Thanh Hóa và nuôi tham vọng địa ốc tại địa phương này.

Năm 2019, công ty này từng có công văn đề nghị được lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu dân cư phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa. Khu đất có diện tích 3,1 ha theo quy hoạch phân khu Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa có chức năng quy hoạch là đất cây xanh. Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa xem xét đề nghị lập quy hoạch của Việt Nhật Đức.

Tham vọng là vậy, nhưng kết quả lợi nhuận 3 năm gần nhất của Việt Nhật Đức lại rất khiêm tốn so với doanh thu, cũng như tổng tài sản.

Giai đoạn 2017 – 2019, Việt Nhật Đức liên tục ghi nhận doanh thu nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm, đạt đỉnh vài năm 2018 với 517,3 tỉ đồng. Sang năm 2019, doanh thu thuần của Việt Nhật Đức giảm về mức 439,69 tỉ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ báo lãi thuần vỏn vẹn vài chục triệu đồng mỗi năm, thấp nhất là mức 53 triệu đồng năm 2018 và cao nhất là 78 triệu đồng năm 2019.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Việt Nhật Đức được thành lập từ tháng 6/2015, với các cổ đông sáng lập là: ông Vũ Chí Công (góp 105 tỉ đồng, sở hữu 15,24% VĐL), ông Võ Hồng Đức (góp 95 tỉ đồng, sở hữu 13,79% VĐL) và ông Lê Ngọc Thắng (góp 489 tỉ đồng, sở hữu 70,97% VĐL).

Ông Lê Ngọc Thắng còn là người đại diện của CTCP Bất động sản Hà Nội Hoàng Gia. Trong khi đó, ông Võ Hồng Đức (SN 1977) – dù chỉ góp phần vốn tối thiểu – song đã đảm nhiệm vai trò Giám đốc của Việt Nhật Đức tới gần 1 năm trước khi được thay thế.

Ngoài địa ốc, ông Đức còn dành sự quan tâm đáng kể với lĩnh vực năng lượng.

Tháng 2/2019, ông Võ Hồng Đức cùng bà Nguyễn Phương Linh và bà Âu Huyền Thu góp vốn thành lập CTCP Đức Hải Logistics (Đức Hải Logistics) với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 51%, 40% và 9% vốn điều lệ.

Vài tháng sau khi thành lập Đức Hải Logistics đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió Quỳnh Lập, công suất 100MW, tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng tại Nghệ An.

Ông Võ Hồng Đức và bà Âu Huyền Thu còn là những cổ đông sáng lập của CTCP Khoáng sản Năng lượng Vân Phong. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 4/2017, có quy mô vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

Trong đó, CTCP Tập đoàn Phúc Sơn chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối với 80% vốn điều lệ, phần vốn còn lại chia đều cho ông Đức và bà Thu. Dù chỉ nắm cổ phần thứ yếu, song ông Đức nhiều năm liền đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Năng lượng Vân Phong.

Ngoài ra, ông Đức còn tham gia góp vốn thành lập một loạt pháp nhân như: CTCP Du lịch Đầm Đình (2019), CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Thái Dương (2018), CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Thái Dương (2015), Công ty TNHH Dịch vụ và Thể thao quốc tế (2019)./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tham-vong-dia-oc-cua-ctcp-khai-thac-viet-nhat-duc-tai-thanh-hoa-post139869.html