Tham vọng lập vùng đệm ở Kursk của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa tiết lộ tham vọng chiến lược của Kiev tại Kursk, đó là thiết lập vùng đệm an ninh trên lãnh thổ Nga.

Ukraine lập vùng đệm tại Kursk: mục tiêu khó thành

Ngày 6/8/2024, quân đội Ukraine đã bất ngờ tấn công tỉnh Kursk, nằm ở biên giới phía Tây nước Nga. Đến nay cuộc đột kích đã bước sang tuần thứ ba nhưng các lực lượng Ukraine tại Kursk vẫn không có dấu hiệu cho thấy họ có ý định rút lui.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã lần đầu tiên tiết lộ tham vọng chiến lược của Kiev tại Kursk, đó là thiết lập vùng đệm an ninh trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành hiện thực.

Ngày 6/8/2024, quân đội Ukraine đã bất ngờ tấn công tỉnh Kursk.

Ngày 6/8/2024, quân đội Ukraine đã bất ngờ tấn công tỉnh Kursk.

Quân đội Ukraine vẫn đang tiến về phía trước sau khi phát động chiến dịch quân sự bất ngờ tại Kursk cách đây hơn hai tuần. Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky hôm 20/8 tuyên bố các lực lượng của nước này đã tiến sâu 28 - 35 km vào lãnh thổ Nga, kiểm soát khu vực rộng hơn 1.200 km2 với 92 khu dân cư tại Kursk.

Ngày 22/8, Kiev tuyên bố đã chiếm được thêm làng Krasno - Oktyabrskoye nằm bên bờ sông Seym, đồng thời tấn công vào vùng Bryansk ở biên giới, cạnh “điểm nóng” Kursk. Tuy nhiên, cuộc xâm nhập này đã bị lượng Nga đẩy lùi.

Bản đồ chiến sự ở Kursk tính đến ngày 20/8. Ảnh: Sky News.

Bản đồ chiến sự ở Kursk tính đến ngày 20/8. Ảnh: Sky News.

Trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp gồm thành viên chính phủ và lãnh đạo các vùng để bàn về tình hình an ninh ba tỉnh giáp giới với Ukraine.

Moscow đã quyết định thành lập các nhóm quân tại ba tỉnh giáp biên giới gồm Belgorod, Kursk và Bryansk nhằm bảo vệ công dân và vùng lãnh thổ trước các cuộc tấn công của Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp gồm thành viên chính phủ và lãnh đạo các vùng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập cuộc họp gồm thành viên chính phủ và lãnh đạo các vùng.

Kiev dường như có nhiều mục tiêu khi thực hiện cuộc đột kích vào Kursk, từ nâng cao tinh thần cho binh sĩ Ukraine sau nhiều tháng căng thẳng, tới kéo căng các nguồn lực của Nga và chuyển hướng tập trung của Moscow khỏi các khu vực tiền tuyến, đặc biệt ở Donbass, nơi các quân đội Nga đã giành được những bước tiến đều đặn kể từ đầu năm nay. Các nguồn tin chính thức của Ukraine cho biết Kiev có ý định sử dụng lãnh thổ Nga bị chiếm đóng làm “quân bài mặc cả” trong nỗ lực buộc Nga phải đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18/8, ông cho biết cuộc tấn công của Ukraine nhằm mục đích tạo ra “một vùng đệm trên lãnh thổ” Nga để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Moscow.

Bây giờ, nhiệm vụ chính của chúng ta trong các hoạt động phòng thủ nói chung là phá hủy càng nhiều tiềm lực của Nga càng tốt và tiến hành các hành động phản công tối đa. Điều này bao gồm việc tạo ra một vùng đệm trên lãnh thổ của đối phương, những gì chúng ta đang làm tại Kursk.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo định nghĩa quân sự, vùng đệm là vùng đất được thiết lập giữa hai lực lượng đối địch với mục đích giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Vùng đệm thường được phi quân sự hóa và đôi khi được các lực lượng quốc tế trung lập như lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giám sát. Tuy nhiên, bất kỳ vùng đệm tiềm tàng nào ở tỉnh Kursk cũng sẽ rất khác biệt, bởi có rất ít khả năng một bên thứ ba như Liên hợp quốc được đưa vào để phân tách các lực lượng Ukraine và Nga.

Hiện cũng không biết vùng đệm mà Ukraine định lập sẽ nằm chính xác ở đâu, vì điều đó còn phụ thuộc vào nơi lực lượng Ukraine tiến đến được và quân đội Nga có thể đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ hay không.

Theo giới quan sát, vùng đệm là một ý tưởng mặt chiến lược, giúp Kiev ngăn chặn được một số cuộc không kích xuyên biên giới từ phía Nga và giảm bớt áp lực cho dân thường sống ở tỉnh Sumy của Ukraine, giáp với tỉnh Kursk.

Các cuộc giao tranh tại Kursk nêu bật thực tế là không bên nào có đủ nguồn lực để buộc đối phương phải nhanh chóng rút lui trong một cuộc cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Trong bối cảnh vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ rút khỏi Kursk, việc Nga đồng ý về một vùng đệm bên trong lãnh thổ nước này là điều bất khả thi.

Cái giá phải trả khi Ukraine tấn công Kursk

Khi phát động cuộc xâm nhập bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky có lẽ đã từng hy vọng rằng cuộc tấn công này sẽ buộc Moscow phải tái triển khai lực lượng từ những nơi khác trên chiến trường Ukraine, qua đó làm giảm bớt áp lực đối với quân đội nước này ở mặt trận phía Đông.

Tuy nhiên, đây là một động thái mạo hiểm và kết quả vẫn chưa rõ ràng. Hơn hai tuần sau, Ukraine đang trong tình thế khó khăn khi có nguy cơ đánh mất những đội quân tinh nhuệ và khí tài vô cùng quan trọng, cùng cả lãnh thổ ở ngay trung tâm mặt trận phía Đông thuộc khu vực Donetsk của nước này, nơi Nga đang tiến sát đến thành phố chiến lược Pokrovsk.

Ukraine đang đưa vào chiến đấu những lữ đoàn tinh nhuệ, trong đó có lữ đoàn tấn công đường không 80, từng đảm nhiệm các chiến dịch chủ chốt ở Bakhmut và Kherson. Ngoài ra, Kiev cũng đang sử dụng một số phương tiện có giá trị nhất do phương Tây cung cấp, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của Anh, bệ phóng HIMARS của Mỹ, xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe bọc thép Stryker. Giữa tình trạng thiếu nhân lực và khí tài như hiện nay, đây là những nguồn lực mà Ukraine không thể mất.

Nga liên tục công bố hình ảnh cho thấy hàng chục thiết bị của Ukraine, trong đó có cả xe tăng chiến đấu Abrams của Mỹ đã bị hạ gục tại Kursk.

Nga liên tục công bố hình ảnh cho thấy hàng chục thiết bị của Ukraine, trong đó có cả xe tăng chiến đấu Abrams của Mỹ đã bị hạ gục tại Kursk.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, Nga liên tục công bố hình ảnh cho thấy hàng chục thiết bị của Ukraine, trong đó có cả xe tăng chiến đấu Abrams của Mỹ đã bị hạ gục tại Kursk. Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, tính đến ngày 21/8, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 4,4 nghìn quân nhân, 65 xe tăng cùng hàng chục xe chiến đấu bộ binh và xe thiết giáp chở quân tại mặt trận này.

Theo các nhà phân tích, cuộc xâm nhập bất ngờ của quân đội Ukraine vào Kursk đã phơi bày những thất bại về tình báo trong quân đội Nga cũng như sự thiếu hụt lực lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu của Nga trong một cuộc chiến diễn ra dọc theo mặt trận dài tới 1.000 km.

Nước cờ của Ukraine đang gây khó khăn nhất định cho Nga, nhưng cũng đã làm suy yếu lực lượng vốn hạn chế của chính Kiev, giúp Nga giành lợi thế ở các khu vực khác của mặt trận và biến chiến thắng chính trị ngắn hạn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành một thất bại chiến lược. Từng được ca ngợi là một đòn tấn công quân sự sáng suốt trong những ngày đầu, nhưng chiến dịch ở Kursk có thể trở thành một cái bẫy đối với quân đội Ukraine.

Cuộc tấn công vào Kursk chỉ mở rộng và kéo dài một cuộc chiến tranh tiêu hao, trong đó Nga được hưởng lợi thế về tài nguyên.

Ông Vasily Kashin - Nhà khoa học chính trị Nga.

Hai tuần sau khi phát động cuộc đột kích, đà tiến quân của Ukraine tại Kursk đã chậm lại đáng kể, khi các tuyến tiếp tế của Ukraine trở nên hạn chế và Nga đưa quân tiếp viện đến. Nga đã quyết định thành lập các nhóm quân tại ba tỉnh giáp biên giới gồm Belgorod, Kursk và Bryansk nhằm bảo vệ công dân và vùng lãnh thổ trước các cuộc tấn công của Ukraine.

Trong khi đó, quân đội Nga đang tiến nhanh tại miền Đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/8 cho biết các lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát ngôi làng Mezhove ở khu vực Donetsk. Quân đội Nga cũng đang áp sát thành phố chiến lược Pokrovsk, hiện chỉ còn cách thành phố này vài km.

Đến nay khoảng 60% dân số Pokrovsk đã rời khỏi thành phố này.

Đến nay khoảng 60% dân số Pokrovsk đã rời khỏi thành phố này.

Ukraine có lẽ từng kỳ vọng Nga sẽ chuyển lực lượng đáng kể từ phía Đông Ukraine về bảo vệ Kursk. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, chỉ có “một số thành phần thuộc các đơn vị không chính quy của Nga” được tái triển khai tại Kursk.

Pokrovsk là đô thị chiến lược nằm trên ngã ba của tuyến đường cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội Ukraine ở vùng Donbass. Nếu để mất Pokrovsk, Ukraine sẽ mất tuyến huyết mạch quan trọng phục vụ cho các đơn vị ở phía Bắc thành phố, trong đó có thành trì Chasov Yar. Kiểm soát Pokrovsk cũng sẽ giúp các lực lượng Nga dễ dàng tiếp cận thị trấn Kostiantynivka, một trung tâm quân sự khác của Ukraine.

Ông Serhiy Dobryak, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Pokrovsk hôm 18/8 cảnh báo rằng lực lượng Nga đã “gần như tiếp cận” thành phố và giao tranh có khả năng nhấn chìm thành phố trong vòng chưa đầy hai tuần nữa. Trong bối cảnh đó, nhà chức trách Ukraine đang khẩn trương tiến hành sơ tán dân thường. Đến nay khoảng 60% dân số Pokrovsk đã rời khỏi thành phố này.

Thế khó của Mỹ

Chiến dịch quân sự của Ukraine ở Kursk còn khiến Mỹ, một đồng minh quan trọng của Ukraine rơi vào thế khó. Quan hệ Nga – Mỹ vốn đã căng thẳng lại thêm leo thang sau khi Moscow cáo buộc Washington hỗ trợ Kiev tấn công lãnh thổ Nga, trong khi Mỹ khẳng định không liên quan.

Theo các nguồn tin, Washington đang đánh giá liệu cuộc tấn công này có thể định hình lại động lực chính trị và quân sự của cuộc chiến như thế nào. Ngoài ra, nó cũng có thể tác động đến lập trường của Washington về cách Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Sau khi Ukraine tiến hành cuộc đột kích vào tỉnh Kursk, Mỹ nói rằng họ bị bất ngờ vì Ukraine không báo trước về kế hoạch này.

Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng chúng tôi không tham gia vào bất kỳ khía cạnh, kế hoạch hoặc sự chuẩn bị nào cho hoạt động này. Tôi sẽ để quân đội Ukraine tự nói về các hoạt động của họ, nhưng vai trò của chúng tôi và những gì chúng tôi tập trung vào là hỗ trợ Ukraine, có khả năng tự bảo vệ mình.

Ông Vedant Patel - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga mới đây đã cáo buộc ba nước NATO gồm Mỹ, Anh và Ba Lan đã giúp Ukraine lên kế hoạch và thực hiện cuộc đột kích vào vùng Kursk. Theo các chuyên gia, Ukraine không có đủ khả năng kỹ thuật và hậu cần để phối hợp một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy vào đất Nga.

Suốt gần ba năm qua, Chính phủ Mỹ đã nỗ lực hỗ trợ Ukraine nhưng cũng tránh làm căng thẳng với Nga leo thang vượt ngoài kiểm soát. Mặc dù vậy, chiến dịch đột kích của Ukraine đang đặt Washington vào tình thế khó xử.

Ngày 21/8, Ukraine xác nhận đã phá hủy các cây cầu ở Kursk bằng các hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ do Mỹ sản xuất. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên từ Ukraine rằng vũ khí phương Tây được sử dụng trong cuộc tấn công chưa từng có vào lãnh thổ Nga.

Mỹ, quốc gia viện trợ chính cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, luôn khẳng định rằng họ không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa vào Nga. Tuy nhiên, sau cuộc đột kích của Kiev vào Kursk, hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra cho Mỹ, như liệu việc Ukraine dùng vũ khí vốn được viện trợ nhằm mục đích tự vệ nhưng lại tấn công Nga có làm thay đổi chính sách của Mỹ hay không?

Một cây cầu bắc qua sông Seym ở tỉnh Kursk bị Ukraine phá hủy. Ảnh: Telegram/BI.

Một cây cầu bắc qua sông Seym ở tỉnh Kursk bị Ukraine phá hủy. Ảnh: Telegram/BI.

Liệu Washington có mở rộng các giới hạn do họ đặt ra về cách Ukraine có thể sử dụng các hệ thống vũ khí của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Nga hay không? Liệu điều đó có nguy cơ vượt qua các lằn ranh của Nga về sự can dự của phương Tây vào cuộc chiến hay không? Điều này tới nay vẫn khá mơ hồ.

Mặt khác, truyền thông Mỹ dẫn lời giới chức nước này nói rằng, phía Washington dường như tỏ ra hoài nghi với triển vọng của Ukraine trong việc giữ vững thành quả tấn công. Liệu Ukraine có thể bảo toàn được hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga khi họ đang thiếu cả đạn dược và nhân lực? Liệu canh bạc của Ukraine khi đưa quân tinh nhuệ sang lãnh thổ Nga có khiến họ thiệt hại nặng hay không?

Mặt khác, việc Ukraine tập trung vào Kursk có thể khiến Kiev trả giá đắt ở Donbass. Đây là điều mà giới chức Mỹ dường như lo ngại nhất. Liệu sự hỗ trợ gần ba năm qua của Washington có thể “xôi hỏng bỏng không” vì quyết định tấn công Kursk hay không?

Trước ngày 6/8, cuộc chiến chỉ diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, giờ đây cuộc chiến đã lan sang lãnh thổ chủ quyền của Nga. Thế khó của Mỹ chính là việc nếu họ đưa ra quyết định quá quyết liệt với cuộc tấn công của Ukraine tại Kursk, đó có thể được xem xâm phạm chủ quyền của Nga và gây chiến với Moscow.

Nga đề cập khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ảnh: EPA-EFE.

Nga đề cập khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ảnh: EPA-EFE.

Nga đã cảnh báo dùng mọi biện pháp có thể nếu toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa, ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây là một canh bạc liều lĩnh và quyết định của Mỹ sẽ có thể ảnh hưởng lớn tới cách mà cục diện xoay chuyển vì Washington là nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine.

Hai tuần sau khi Ukraine phát động cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk, lực lượng Nga đã phục hồi sau cú sốc ban đầu và đang cố gắng tận dụng cuộc chiến mở rộng này để tạo lợi thế trên chiến trường. Trong khi đó, đối với Ukraine, cuộc đột kích dù tạo ra sự chú ý và lạc quan tạm thời, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn là lợi ích.

Việc chiếm được một số khu vực ở Nga và những thành công ban đầu không đảm bảo rằng Ukraine có thể thay đổi tiến trình của cuộc chiến hoặc đạt được những mục tiêu chiến lược dài hạn. Trên thực tế, những rủi ro về quân sự, chính trị và ngoại giao từ cuộc tấn công này có thể làm cho chiến lược của Ukraine trở nên khó khăn hơn, và cuộc xung đột có thể tiếp tục trong một tình trạng bế tắc kéo dài, mà Nga với nguồn lực lớn hơn sẽ giành ưu thế.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tham-vong-lap-vung-dem-o-kursk-cua-ukraine-260642.htm