Tham vọng năng lượng sạch của châu Âu bị hoài nghi khi ngành công nghiệp điện gió gặp khó

Các nhà sản xuất tuốc-bin gió châu Âu đang chịu mức thua lỗ ngày càng tăng. Tình hình này khiến họ lo lắng về việc bị các đối thủ từ Trung Quốc vượt lên trong bối cảnh các nước đang theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng sạch.

Siemens Gamesa Renewable Energy, một trong những nhà sản xuất tuốc-bin gió xa bờ hàng đầu châu Âu, đã báo cáo khoản lỗ 940 triệu euro trong năm tài chính 2022 kết thúc vào cuối tháng 9. Ảnh: Nexans

Siemens Gamesa Renewable Energy, một trong những nhà sản xuất tuốc-bin gió xa bờ hàng đầu châu Âu, đã báo cáo khoản lỗ 940 triệu euro trong năm tài chính 2022 kết thúc vào cuối tháng 9. Ảnh: Nexans

Đây là thời điểm thuận lợi để kinh doanh năng lượng gió, đặc biệt là ở châu Âu. Các chính phủ ở khu vực này từ lâu đã thúc đẩy các dự án điện gió xa bờ và những nỗ lực đó đã tăng tốc kể từ khi Nga bắt đầu cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.

“Chúng ta cần năng lượng sạch, rẻ hơn và được phát triển trong khu vực”, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), nói hồi tháng 8.

Nhưng các nhà sản xuất tuốc-bin gió của châu Âu, những “viên ngọc quý” của ngành năng lượng xanh khu vực và là nguồn cung cấp chuyên môn sản xuất, đang báo cáo thua lỗ và sa thải nhân viên.

Khó khăn của họ một phần xuất phát từ các vấn đề chuỗi cung ứng kéo dài và sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc. Những vấn đề này rốt cuộc có thể cản trở tham vọng của châu Âu và thậm chí cả thế giới trong việc nhanh chóng phát triển các nguồn năng lượng không phát thải khí nhà kính.

Các nhà sản xuất tuốc-bin gió hàng đầu châu Âu lỗ lớn

Trong tháng này, Siemens Gamesa Renewable Energy, một trong những nhà sản xuất tuốc-bin gió xa bờ hàng đầu châu Âu, có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) đã báo cáo khoản lỗ hàng năm là 940 triệu euro. Siemens Gamesa đã công bố một chương trình cắt giảm chi phí, có khả năng dẫn đến 2.900 nhân viên mất việc làm, tương đương gần 11% lực lượng lao động của công ty.

Vestas Wind Systems (Đan Mạch), nhà sản xuất tuốc-bin gió lớn nhất thế giới, gần đây báo cáo khoản lỗ 147 triệu euro trong quí 3.

General Electric, nhà sản xuất tuốc bin gió lớn ở Mỹ và châu Âu, cũng gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh năng lượng sạch của mình. Tháng trước, General Electric cho biết đơn vị năng lượng tái tạo của công ty có khả năng ghi nhận khoản lỗ 2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Một số vấn đề đang gây khó khăn cho ngành, bao gồm chi phí vật liệu và vận chuyển tăng cao, cũng như những khó khăn về hậu cần với một số trong số đó là tàng tích của đại dịch Covid-19. Do đó, giá bán đã thỏa thuận trước đó đối với các tuốc-bin gió, vốn có giá hàng triệu đô la Mỹ mỗi đơn vị, có thể gây ra tổn thất lớn cho các nhà sản xuất khi chúng được giao.

Henrik Andersen, Giám đốc điều hành Vestas Wind Systems, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Mỗi lần bán một tuốc-bin, chúng tôi lỗ 8%”.

Đồng thời, cuộc chạy đua sản xuất các tuốc-bin lớn hơn, công suất mạnh hơn khiến các nhà sản xuất phải chi hàng trăm triệu đô la Mỹ cho các kiểu tuốc-bin mới nhưng không bán đủ để thu hồi chi phí.

Trong khi đó, cạnh tranh đang ngày càng tăng từ Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất tuốc-bin, sau nhiều năm chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, đang bắt đầu bán các sản phẩm của họ ra nước ngoài.

Một số nhà sản xuất tuốc-bin phương Tây lo ngại lặp lại kinh nghiệm cay đắng với các tấm pin mặt trời, một công nghệ được phát triển đầu tiên ở phương Tây nhưng hiện tại nằm dưới sự thống trị của các nhà sản xuất ở Trung Quốc và các nước châu Á khác.

“Họ đang gặp rắc rối”, Endri Lico, nhà phân tích cấp cao về điện gió tại hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói về các nhà sản xuất tuốc-bin phương Tây.

Hiệu quả tài chính kém đặt ra những hoài nghi về tương lai của ngành công nghiệp gió ở phương Tây. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu các kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ và các công ty năng lượng nhằm phát triển các trang trại điện gió ở châu Âu và Mỹ có thể đạt được hay không.

Jochen Eickholt, Giám đốc điều hành Siemens Gamesa, cho rằng ngành công nghiệp điện gió cần kiếm được lợi nhuận để phát triển, xây dựng và lắp đặt tuốc-bin, bao gồm cả ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Mỹ, giúp các nước đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon.

Ông nói: “Các nhà sản xuất tuốc-bin gió của chúng ta cần phải có lợi nhuận hợp lý, nhưng hiện tại chưa làm được điều này”.

Các quan chức châu Âu cũng lo ngại các nhà sản xuất tuốc-bin gió trong khu vực sẽ bị thu hút tới Mỹ để tận dụng các điều khoản ưu đãi trong Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khuyến khích đầu tư năng lượng sạch trong nước.

Trong cuộc họp báo gần đây, Jochen Eickholt kêu gọi châu Âu nên đưa ra các biện pháp ưu đãi tương tự.

Lo ngại sự cạnh tranh của Trung Quốc

Trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ mới thâm nhập ở mức khiêm tốn bên ngoài đất nước của họ, các nhà phân tích cho biết họ đã tận dụng khối lượng bán hàng lớn ở thị trường nội địa để trau dồi kỹ năng sản xuất và đào tạo lực lượng lao động lớn, có thể cung cấp tuốc-bin với giá thấp hơn nhiều so với giá mà các đối thủ phương Tây chào mời.

“Châu Âu đang đối mặt với khả năng rất thực tế là tiến trình chuyển đổi năng lượng của khu vực này sẽ do Trung Quốc tạo ra”, Siemens Gamesa cảnh báo khi yêu cầu sự hỗ trợ từ các chính phủ châu Âu.

Theo nhà phân tích Endri Lico, các công ty Trung Quốc đã sản xuất tới 70% linh kiện tạo nên tuốc-bin được sử dụng ở phương Tây.

“Trung Quốc là tâm điểm của chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu”, ông nói và ám chỉ các nhà sản xuất linh kiện tuốc-bin gió của Trung Quốc.

Henrik Andersen cảnh báo một phần lớn khó khăn của ngành là do các đối thủ cạnh tranh bán sản phẩm với giá thấp để giành được đơn đặt hàng. Ông cho biết một số nhà sản xuất ở châu Âu đang bán tuốc-bin với giá thua lỗ.

Những khó khăn ập đến với ngành công nghiệp điện gió châu Âu khi các chính phủ châu Âu kêu gọi xây dựng thêm các trang trại gió. EU gần đây đã tăng các mục tiêu đầy tham vọng về sản xuất điện gió vào cuối thập niên này, với công suất cao hơn ba lần so với con số vào cuối năm ngoái.

Trong năm nay, các công ty năng lượng sạch đã xây dựng các trang trại gió xa bờ khổng lồ ngoài khơi các bờ biển châu Âu và các chính phủ trong khu vực đã thuê một lượng lớn diện tích lòng biển cho các nhà sản xuất điện gió xa bờ.

Tuy nhiên, lãnh đạo của các công ty phát triển điện gió lại phàn nàn rằng các cơ quan quản lý trong khu vực vẫn chưa làm đủ để tăng tốc độ phê duyệt các dự án.

Những dự án này có thể cần một thập niên hoặc lâu hơn để bắt đầu đi vào vận hành. Bên cạnh làm cản trở lợi nhuận của ngành, sự chậm trễ này còn làm trì hoãn các lợi ích về môi trường và không giúp được gì nhiều cho các nước đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt của Nga.

Các nhà phân tích cho biết, việc tiếp cận mục tiêu tham vọng của EU về điện gió vào thập niên 2030 và 2040 đòi hỏi phải tăng tốc đáng kể tốc độ triển khai điện gió hiện nay. Đối với một ngành có thể đang thoái trào, việc đẩy nhanh tốc độ lắp đặt điện gió có thể khó khăn.

Theo Endri Lico, châu Âu đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan là liệu có nên mất thời gian để hỗ trợ sản xuất tuốc-bin trong khu vực, có thể kéo dài sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hay chuyển sang các nguồn tuốc-bin thay thế từ bên ngoài?

Theo NY Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tham-vong-nang-luong-sach-cua-chau-au-bi-hoai-nghi-khi-nganh-cong-nghiep-dien-gio-gap-kho/