Tham vọng xây kênh đào gần 800km của Trung Quốc

Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch xây dựng kênh đào nhân tạo dài 767km, kết nối Giang Tây - nơi có trung tâm khai thác đất hiếm qua tỉnh Chiết Giang, ra biển lớn.

Đây là nỗ lực mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa nhằm tăng cường kết nối những khu vực kém phát triển hơn với trung tâm kinh tế ven biển giàu có.

Kênh đào nhân tạo tốn kém nhất lịch sử

Mới đây, chính quyền tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) công bố kế hoạch xây dựng siêu dự án kênh đào dài 767km kết nối trung tâm khai thác đất hiếm nằm sâu trong đất liền của tỉnh Giang Tây, vốn không giáp biển, với trung tâm kinh tế ven biển phía Đông của tỉnh Chiết Giang.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng 25.000km đường thủy nội địa vào năm 2035.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng 25.000km đường thủy nội địa vào năm 2035.

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 320 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 44,4 tỷ USD), gần gấp 3 lần kinh phí xây dựng cầu xuyên biển Hong Kong - Chu Hải - Ma Cao và được cho là kênh đào nhân tạo tốn kém nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Theo quy chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, kênh đào này được xếp vào loại đường thủy cấp III, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 1.000 tấn. Khi đi vào hoạt động, kênh có thể vận chuyển khoảng 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Dự án kênh đào Giang Tây - Chiết Giang là một phần trong đại kế hoạch kết nối ba tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Chiết Giang bằng đường thủy, góp phần đưa tỉnh Chiết Giang trở thành đầu tàu quốc gia về vận tải đường thủy nội địa vào năm 2035.

Khi hoàn thành, kênh đào sẽ giúp Giang Tây, một tỉnh đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất xe điện, sở hữu trữ lượng đất hiếm và đồng dồi dào, tiếp cận trực tiếp với hệ thống cảng biển tại Chiết Giang, một trong những tỉnh giàu có và phát triển nhất của Trung Quốc.

Thúc đẩy giao thông đường thủy

Động thái mới nhất của Trung Quốc về siêu dự án kênh đào gần 800km là một trong những ví dụ điển hình cho thấy nước này đang nỗ lực mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa nhằm tăng cường kết nối những khu vực kém phát triển hơn với những trung tâm kinh tế ven biển giàu có.

Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đường sắt và đường bộ cao tốc trải dài đến hầu hết mọi ngóc ngách của đất nước, các nhà hoạch định chính sách ngày càng chú trọng đến phát triển các tuyến đường thủy, bao gồm cả những tuyến đường thủy tự nhiên và nhân tạo.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa dài 25.000km vào năm 2035.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, hiện nay, giao thông đường bộ vẫn chiếm ưu thế, nhưng vận tải đường thủy được cho là lựa chọn rẻ hơn nhiều, với chi phí chỉ bằng 1/15 so với đường bộ và 1/4 so với đường sắt.

Tăng kết nối các khu vực

Ngân hàng Thương mại Trung Quốc đưa ra ví dụ về mạng lưới sông Tây giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ vùng Tây Nam Trung Quốc đến khu vực Vịnh Lớn (khu vực tập trung một số đô thị lớn như Quảng Châu, Hong Kong, Ma Cao...) xuống còn 36 giờ. Qua đó, kết nối nguồn năng lượng giá rẻ ở phía Tây đất nước với hệ thống cảng biển sở hữu năng lực hậu cần mạnh ở phía Đông.

Những năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường thủy nội địa, thúc đẩy kinh tế và giao lưu giữa các vùng miền.

Những năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường thủy nội địa, thúc đẩy kinh tế và giao lưu giữa các vùng miền.

"Các dự án đường thủy nội địa đang định hình lại bản đồ kinh tế Trung Quốc, tạo nền tảng cho hệ thống công nghiệp có tính kết nối, đa trung tâm, thúc đẩy gắn kết khu vực sâu rộng giữa miền Đông, miền Trung và miền Tây Trung Quốc", báo cáo của ngân hàng nhận định.

Trước đó, vào năm 2022, kênh đào Giang Hoài tại tỉnh An Huy, miền Trung Trung Quốc, một dự án điều hướng dòng chảy với chi phí xây dựng lên tới 100 tỷ nhân dân tệ (gần 14 tỷ USD), cũng chính thức mở cửa đón tàu.

Cùng năm đó, Trung Quốc khởi công xây dựng kênh đào Bình Lục dài 134,2km tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, giáp biên giới với Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vượt 70 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9,7 tỷ USD).

Theo thông tin từ chính quyền Quảng Tây, một dự án kênh đào khác nối Quảng Tây với tỉnh Hồ Nam, nằm sâu trong đất liền Trung Quốc, cũng trong giai đoạn quy hoạch ban đầu, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,8 tỷ USD).

Trong năm 2024, chi phí hậu cần (logistics) chiếm tới 14,1% GDP của Trung Quốc, con số được đánh giá là cao ngay cả so với những nước phát triển.

Lưu Gia Huy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tham-vong-xay-kenh-dao-gan-800km-cua-trung-quoc-192250702110706473.htm