Thần đồng số 1 đi tu, khi kỳ vọng biến thành gánh nặng?

Câu chuyện phía sau ánh hào quang của một thần đồng khiến nhiều phụ huynh giật mình: Áp lực học hành liệu có đang giết chết tuổi thơ?

Ninh Bạch từng là niềm tự hào quốc gia khi 13 tuổi vào đại học. Nhưng sau vinh quang, ông chọn… xuất gia. Vì sao thiên tài này từ bỏ mọi kỳ vọng?

Vào năm 1998, khi được CCTV mời tham gia chương trình Tell the truth, Ninh Bạch thẳng thắn chỉ trích chương trình đào tạo thiên tài, đồng thời nói rằng bản thân chính là "sản phẩm" của chương trình đó. Nếu có thể làm lại, Ninh Bạch sẽ không tham gia lớp học đó, cũng không sống cuộc đời như vậy.

 Ninh Bạch (thứ hai từ phải sang) và các bạn cùng lớp. Ảnh: Thepaper.

Ninh Bạch (thứ hai từ phải sang) và các bạn cùng lớp. Ảnh: Thepaper.

"Bởi vì chúng ta đang đối phó với trẻ em, không phải với doanh nghiệp. Việc chúng ta thua lỗ trong kinh doanh không quan trọng, nhưng cuộc sống của trẻ em thì không như vậy. Chúng ta không thể coi chúng như những thí nghiệm”.

Câu nói ấy như một tia chớp xé ngang những ảo tưởng đẹp đẽ về việc “nuôi thiên tài” bằng kỳ vọng xã hội. Từ thần đồng bước lên đài vinh quang, rồi rẽ hướng vào cửa Phật, câu chuyện cuộc đời Ninh Bạch là hồi chuông tỉnh thức cho bất kỳ bậc cha mẹ hay xã hội nào từng kỳ vọng quá lớn vào một đứa trẻ.

Thần đồng số 1 và cuộc đời không tuổi thơ

Ninh Bạch sinh ra tại tỉnh Giang Tây vào khoảng giữa những năm 1960. Từ khi mới 2 tuổi, cậu bé đã khiến gia đình và hàng xóm kinh ngạc vì khả năng ghi nhớ thơ Đường, phân biệt chữ Hán và đặt câu bằng văn cổ. 6 tuổi, ông say mê y học cổ truyền, tự mày mò đọc sách thuốc. Đến năm 8 tuổi, cậu bé đã đánh bại nhiều người lớn trong cờ vây, làm toán bậc trung học, viết luận theo phong cách cổ văn.

 Ninh Bạch chơi cờ với Phó Thủ tướng Phương Nghị. Ảnh: Thepaper.

Ninh Bạch chơi cờ với Phó Thủ tướng Phương Nghị. Ảnh: Thepaper.

Tài năng quá khác biệt khiến giáo viên tiểu học họ Ni quyết định viết thư gửi thẳng lên Phó Thủ tướng Phương Nghị, người phụ trách giáo dục thời điểm đó. Ngay sau đó, năm 1978, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) lập riêng một lớp đặc biệt mang tên “Lớp thiếu niên tài năng” – mở đầu cho mô hình đào tạo thần đồng cấp quốc gia. Ninh Bạch là người đầu tiên được tuyển vào lớp.

Ở tuổi 13, khi nhiều đứa trẻ vẫn còn học lớp 6, Ninh Bạch đã là sinh viên danh giá, xuất hiện trên báo chí trung ương, được xem như "con cưng" của thời đại đổi mới. Cậu đi đến đâu cũng nhận được sự ngưỡng mộ cuồng nhiệt, nhưng cũng đồng nghĩa với việc không còn là một đứa trẻ đúng nghĩa.

 Ninh Bạch trong bộ phim tài liệu có tên "Trung Quốc 1978". Ảnh: Thepaper.

Ninh Bạch trong bộ phim tài liệu có tên "Trung Quốc 1978". Ảnh: Thepaper.

Sức ảnh hưởng của Ninh Bạch lớn đến mức nhiều thập kỷ sau, trong bộ phim tài liệu có tên "Trung Quốc 1978", Ninh Bạch thậm chí còn được coi là một trong những "nhân vật tiêu biểu" của năm đó.

Hào quang quá sớm và sự rạn vỡ từ bên trong

Bên ngoài, Ninh Bạch là một thần đồng tỏa sáng, nhưng bên trong lại sống trong sự hoang mang kéo dài vì không được theo đuổi đam mê thật sự. Ông yêu thích thiên văn học và y học cổ truyền, nhưng bị buộc phải học vật lý lý thuyết – ngành học khô khan nhưng được xã hội coi trọng do liên quan đến quốc phòng và ảnh hưởng của ba nhà khoa học Trung Quốc từng giành Nobel.

 Ninh Bạch thời trẻ. Ảnh: Thepaper.

Ninh Bạch thời trẻ. Ảnh: Thepaper.

Trong môi trường giáo dục khi ấy, học sinh giỏi "mặc định" phải chọn Vật lý. Dù từng tha thiết xin được chuyển sang Đại học Nam Kinh để học thiên văn học và được giáo viên viết báo cáo hỗ trợ, nguyện vọng của ông bị từ chối thẳng thừng với lý do “hãy tận dụng cơ hội này”. Thầy cô không muốn từ bỏ một "thần đồng nổi tiếng" như ông.

Bị ép học ngành không yêu thích, Ninh Bạch ngày càng mất động lực. Ông từng viết thư cho cha mẹ để bày tỏ sự hoang mang, nhưng chỉ nhận được lời khuyên phải "cởi mở và mạnh mẽ hơn". Từ đó, ông dần khép kín nội tâm, ít chia sẻ và bắt đầu phản kháng bằng hành động mở đầu cho chuỗi rạn vỡ tâm lý kéo dài sau này.

Dù được tung hô là thiên tài, Ninh Bạch từng trượt môn đại số và xếp hạng kém trong lớp. Các thầy cô phải giấu nhẹm điều đó để bảo vệ hình ảnh “con cưng” của nhà trường. Vết nứt đầu tiên bắt đầu từ đó: Ninh Bạch cảm thấy mình không xứng đáng, không đủ giỏi như người ta tưởng. Trong một bài phỏng vấn sau này, ông nói: “Tôi sống dưới ánh đèn sân khấu nhưng chỉ thấy mình là một diễn viên đóng giả thiên tài”.

Năm 19 tuổi, ông tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên trẻ nhất của USTC. Tuy nhiên, ông ba lần thi cao học và đều bỏ giữa chừng vì sợ thất bại. Cảm giác bị ép buộc, bị kỳ vọng thay vì được sống thật khiến ông rơi vào trạng thái khủng hoảng nội tâm kéo dài.

Xuất gia vì mệt mỏi với vai diễn thiên tài

Năm 1988, Ninh Bạch quyết định kết hôn. Ban đầu, ông nghĩ rằng hôn nhân là cách để giải thoát khỏi cái mác thần đồng. Nhưng vợ lại muốn ông đào tạo con cái trở thành "thế hệ thần đồng tiếp theo". Yêu cầu của vợ khiến Ninh Bạch áp lực và mệt mỏi. Nhiều lần, ông cãi nhau ầm ĩ với vợ rồi bỏ nhà đi.

Sau đó, vào giữa đến cuối những năm 1990, ông đã nhiều lần thử khởi nghiệp kinh doanh và làm việc tại các công ty và nhà máy gần nhà, nhưng cuối cùng đều thất bại vì không thể thích nghi. Cuối cùng, những nỗ lực này chỉ có một kết quả duy nhất, đó là quay trở lại USTC

 Ninh Bạch đang thuyết giảng tại Học viện Phật giáo. Ảnh: Thepaper.

Ninh Bạch đang thuyết giảng tại Học viện Phật giáo. Ảnh: Thepaper.

Năm 2002, Ninh Bạch bất ngờ rời trường, đến chùa trên núi Ngũ Đài, bắt đầu hành trình xuất gia lần đầu tiên. Tuy nhiên, gia đình và trường học không chấp nhận điều đó. Chỉ một tháng sau, ông bị đưa trở lại trường. Năm 2003, ông chính thức xuất gia lần thứ hai, trở thành tăng sĩ tại một ngôi chùa ở Nam Xương.

Trong bộ áo cà sa, Ninh Bạch nói mình “được sống thật lần đầu tiên”. Không còn ánh đèn, không còn những lời ngợi ca, không ai kỳ vọng ông phải giỏi – ông chỉ cần được là mình. Tại học viện Phật giáo, ông giảng pháp bằng chất giọng trầm và thuộc lòng kinh sách với trí nhớ tuyệt vời, vẫn là thiên tài, nhưng theo một cách khác.

Tuy nhiên, sự tĩnh lặng cũng không thể giữ chân ông mãi. Khoảng 2008, Ninh Bạch hoàn tục, học thêm ngành tâm lý học và trở thành một nhà tư vấn tâm lý cho trẻ vị thành niên. “Tôi từng là một đứa trẻ bị xã hội trói buộc bằng hai chữ thiên tài, nên tôi hiểu những em nhỏ cần gì”, ông từng chia sẻ với truyền thông.

Câu chuyện của Ninh Bạch khiến hàng triệu người Trung Quốc suy ngẫm, đặc biệt là trong thời đại mà trẻ em được đặt kỳ vọng quá lớn, quá sớm. Ninh Bạch từng thừa nhận: “Nếu được sống lại, tôi muốn làm một đứa trẻ bình thường. Chỉ vậy thôi, đã khó đến mức không tưởng”.

Các bạn cùng lớp của Ninh Bạch từng mô tả anh: "Áp lực khiến anh ấy khó thở, sự chú ý của công chúng đã thiêu rụi sự ngây thơ và tuổi trẻ của anh ấy”, "Đôi khi, tôi thậm chí còn cảm thấy mình là người sống sót đằng sau vầng hào quang của anh ấy”.

Suốt hơn hai thập kỷ đầu đời, Ninh Bạch phải sống trong chiếc khuôn mang tên “thiên tài” – một cuộc đời được vạch sẵn, chất đầy kỳ vọng của xã hội và thiếu vắng quyền lựa chọn cá nhân.

Chính ông từng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi là sản phẩm của thời đại. Nếu được chọn lại, tôi hy vọng mình không phải là thiên tài, cũng không phải là người được xã hội đặt nhiều kỳ vọng như thế.”

Câu chuyện của Ninh Bạch không chỉ là bi kịch của một thần đồng, mà còn là hồi chuông thức tỉnh với nhiều bậc cha mẹ và nhà trường: Khi kỳ vọng vượt quá khả năng thấu hiểu của một đứa trẻ, thứ bị đánh mất không chỉ là tuổi thơ mà còn là tự do sống thật với chính mình.

Mai Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/than-dong-so-1-di-tu-khi-ky-vong-bien-thanh-ganh-nang-post1552504.html