Than Hạ Long: Chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề thợ mỏ
Công tác đào tạo tay nghề, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật hiện được Công ty Than Hạ Long – TKV chú trọng.
Hằng năm, ngoài việc thực hiện đầu tư phát triển sản xuất hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Công ty Than Hạ Long - TKV luôn coi trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, coi đây là một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của công ty.
Theo báo cáo của công ty, trong 8 tháng đầu năm 2022, với việc tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ, công ty đã mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên công ty như huấn luyện định kỳ cho 3.096 lượt người; huấn luyện nghiệp vụ an toàn vệ sinh viên cho 160 người; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho 552 người; huấn luyện công nghệ khai thác, vận hành thiết bị cho 216 người; tổ chức huấn luyện ứng cứu sự cố - tìm kiếm cứu nạn hàng quý cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên các phân xưởng hầm lò vv…
Đặc biệt, công ty đã tổ chức thi nâng bậc 6 nhóm ngành nghề khai thác, cơ điện mỏ hầm lò; thông gió, đo khí, kỹ thuật chế biến món ăn, gia công cơ khí, giặt, nhà đèn, sửa chữa điện ngoài lò, lái xe lái máy, kết quả có 515 công nhân đã được nâng bậc thợ.
Bên cạnh đó, công ty còn làm tốt công tác tuyển sinh; thường xuyên phối hợp với các trường đào tạo, các cơ quan cấp quản lý Nhà nước để đào tạo nghề và huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ.
Có thể nói, nâng cao trình độ chính trị, nâng cao chất lượng tay nghề, bậc thợ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ thợ mỏ là một công tác cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của công ty, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật của Than Hạ Long vững vàng về chuyên môn, thành thạo về tay nghề.
Đây chính là tiền đề để công ty phát triển ổn định và vững chắc, đồng thời giải quyết công ăn việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt trên 17 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao trình độ học vấn và nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp, thực hiện “trí thức hóa công nhân” đáp ứng yêu cầu công nhân kỹ thuật có khả năng làm chủ kỹ thuật để điều khiển máy móc, thiết bị cơ giới hóa và thành thạo nhiều khâu trong một dây chuyền sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng Dự án mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV trở thành dự án kiểu mẫu và khai thác than của Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Huy Du - Tiến Dũng