Thần rừng
Ông nội đã về cõi Tiên, nhưng thỉnh thoảng người dân trong bản Dú Tiên vẫn thấy hình bóng một ông già râu tóc bạc phơ chống gậy trúc vòng qua, vòng lại khu rừng trong sự chào đón của màu xanh cây lá, của muôn sắc hoa rừng, của rộn ràng tiếng chim cùng muôn loài muông thú. Người dân gọi đó là Thần rừng.
Mỗi lần dẫn các nhà khoa học, những đoàn thám hiểm hoặc du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu về đa dạng sinh học, khám phá những điều bí ẩn và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên ở khu rừng Đại Lâm Mộc, Tiến sỹ lâm nghiệp Bàn Tuấn Sơn mãi vẹn nguyên một niềm xúc động. Anh cảm thấy hết sức tự hào về kỳ tích bảo vệ rừng của bản Dú Tiên cũng như ông nội của mình, mặc dù đối với anh khu rừng này hết sức gần gũi, thân thuộc.
Tên thật của ông nội do các cụ đặt là Bàn Kim Đạt, nhưng không hiểu sao mọi người lại gọi ông là Bàn Vãng Lâm. Khi Tuấn Sơn hỏi ông về cái tên này lúc anh khai lý lịch vào Đảng, ông bảo, Bàn Vãng Lâm là do chú Đông cán bộ kiểm lâm huyện đặt cho ông. Chú ấy bảo, ngày nào cũng thấy ông đi lại quanh khu rừng này để trông nom, chẳng khác gì những người "vãng đồng" ở dưới xuôi, nên gọi ông là "vãng lâm".
Chả biết do cái tên nghe lạ hay vì lẽ gì mà từ đó dân bản Dú Tiên chuyển hẳn sang gọi ông nội của Tuấn Sơn là Bàn Vãng Lâm thay cho tên cúng cơm Bàn Kim Đạt của ông. Mà hình như ông nội cũng thích cái tên ấy. Mỗi khi nghe ai gọi thế là ông cười rất tươi, gật gật đầu tỏ ý hài lòng.
Chú Đông là kỹ sư lâm nghiệp, biết khá nhiều chữ nho. Chú bảo học được từ bố chú, vốn là thầy đồ Nho ngày trước. Nghe thế ông nội rất quý chú, vì trước đây ông cũng học bập bõm được một số chữ Nôm Dao từ các thầy cúng, thầy mo. Cái tên khu rừng Đại Lâm Mộc cũng do chú Đông đặt. Chú bảo: "Đại Lâm Mộc" có nghĩa là "rừng cây to", bởi đây là khu rừng già nguyên sinh, có những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, có nhiều động vật, thực vật quý hiếm.
Ông nội kể, trước kia khu rừng này có cái tên nghe rợn tóc gáy: Rừng Mả Hủi. Dân bản đồn rằng, ngày xưa có một người bị bệnh hủi, khi ông ấy sắp chết thầy mo xui người nhà đem lên đây chôn. Từ đó dân bản sợ lây bệnh hủi chẳng ai dám đến khu rừng này chặt cây, lấy củi, lấy mộc nhĩ, nấm hương và các loại lâm thổ sản!
Nhờ vậy rừng Mả Hủi không bị tàn phá như các khu rừng khác. Nhưng rồi khu rừng này cũng chỉ được yên ổn đến năm 1990. Ngày ấy Tuấn Sơn mới lên bảy tuổi, nhưng anh nhớ rất rõ những gì đã xảy ra trong và sau trận lũ quét kinh hoàng tại bản người Dao Dú Tiên của mình.
*
…Trước hôm xảy ra trận lũ quét, cây cối quanh bản Dú Tiên đứng im phăng phắc. Trời nóng hầm hập. Không khí đặc quánh, ngột ngạt. Bầu trời từ ráng vàng như mỡ gà bỗng chuyển sang màu chì. Mây đen ở đâu kéo về vây kín cả bầu trời. Đêm ấy, sau những tia chớp giật ngùng ngoằng như những con rắn lửa từ trên trời ném xuống kèm với tiếng sét rung chuyển mặt đất, là trận mưa rào chẳng khác gì đổ nước.
Mưa sầm sập suốt đêm, kéo dài cả ngày hôm sau và đêm kế tiếp. Nước từ trên các khe núi, triền đồi xối xuống ào ạt, tạo thành một dòng thác lớn sôi sùng sục. Dòng thác hung dữ chồm qua bản Dú Tiên, cuốn trôi tất cả mọi thứ. Rất nhiều nhà cửa, lúa ngô, đồ đạc bị chìm nghỉm dưới nước hoặc chôn vùi dưới bùn!
May mà trước đó Trưởng thôn Lý Văn Tỏa đã thúc giục bà con chạy vào hang Thẩm Mã để tránh lũ theo sự cảnh báo và mệnh lệnh của cấp trên nên không có ai trong bản bị nước cuốn trôi!
Sau trận lũ quét mới thật sự là những ngày khốn khổ. Tất cả mọi con đường dẫn đến Du Tiên đều bị trận lũ làm cho tê liệt, đồ tiếp tế và hàng cứu trợ không đến được, khiến cả bản bị đói rét lả lướt! Trưởng thôn Tỏa huy động dân quân, thanh niên vào các khu rừng quanh hang Thẩm Mã tìm những thứ có thể ăn được để cứu bà con.
Mấy ngày đầu kiếm được vài thứ rau, củ quả, nhưng vì là rừng ót nên chẳng có nhiều. Bị những cơn đói hành hạ, một số người trong bản bất chấp sợ hãi, liều mình vào rừng Mả Hủi kiếm cái ăn. Đi đầu là ông nội cùng một tốp thanh niên. Họ vào rừng đào củ mài, hái măng và các loại rau quả. Chỉ nửa buổi đã kiếm được đủ cái ăn trong ngày cho cả bản.
Mấy thanh niên nhận thấy ở rừng Mả Hủi có nhiều thú hoang toan đem súng kíp vào săn bắn hoặc đặt bẫy, bị ông nội ngăn cản. Ông bảo, đó là những linh vật của rừng, động vào là mang tội. Nể ông, các thanh niên đành nước nuốt bọt tiếc rẻ.
Để có lương thực tích trữ, ông nội và tốp người tiếp tục vào rừng Mả Hủi tìm kiếm thêm thức ăn. Lần này ông dẫn họ vào các hang động, tìm được một "ục" hạt gắm, dễ đến cả tạ, toàn là hạt mẩy, chắc. Hạt gắm được đem về hang Thẩm Mã giao cho các bà, các cô đãi sạch rồi rang trên chảo gang, chia cho mọi người.
Hạt gắm vốn không phải là thứ xa lạ với dân bản Dú Tiên, vì thỉnh thoảng mọi người vẫn được ăn mỗi khi có ai đó đi rừng gặp được những chùm quả gắm sai như đắp, nhưng có lẽ chưa bao giờ Tuấn Sơn và bà con dân bản được ăn những hạt gắm ngon đến thế này!
Tục lệ ở bản Dú Tiên là bất cứ ai đi rừng săn bắt được con vật gì hoặc lấy được thứ quả nào cũng đều chia cho dân bản. Họ coi các phẩm vật lấy được từ trong rừng là của chung mọi người.
Tuấn Sơn hỏi ông nội, tại sao lại có "ục" hạt gắm trong hang? Ông bảo, đến mùa quả gắm chín các con vật trong rừng như chồn, cầy hương, cáo bông lau… ăn quả gắm theo kiểu nuốt chửng cho đầy bụng. Dạ dày của chúng chỉ đủ sức nhào bóp lớp vỏ ngoài của quả gắm, còn hạt thì chúng chịu vì có lớp vỏ cứng, không tiêu hóa được, bị thải ra ngoài. Do nhiều lần thải cùng một chỗ nên hạt gắm dồn lại thành "ục". Ục hạt gắm này có thể để đến mấy năm không bị hư hỏng.
Nghe ông nội kể, Tuấn Sơn và các bạn của cậu tròn xoe mắt. Đứa nào cũng sợ hãi đưa tay móc miệng ọe ọe như thể vừa nuốt phải con gián! Lát sau Tuấn Sơn đánh bạo hỏi: "Ông ơi! Vậy ra hạt gắm trong ục là lấy từ phân của chồn, phải không ạ?". Ông nội gật đầu: "Đúng đấy cháu. Nhưng đó là những hạt gắm sạch, vì nó có lớp vỏ cứng, đã được nước mưa rửa trôi hết các thứ bẩn bám bên ngoài!".
Nhờ có số hạt gắm đó mà dân bản Dú Tiên đỡ đói được thêm vài ngày. Những ngày sau mọi người lũ lượt kéo vào rừng Mả Hủi đào củ mài, tìm quả đại hái, quả óc chó, hái rau giảo cổ lam, rau rớn, lấy măng hốc, măng nứa, chặt cây móc, cây đao để lấy nõn về nấu ăn thay cơm.
Đến khi những thứ củ quả, rau măng đó sắp hết thì ông nội và các chú dân quân tìm thấy một "kho lương thực" của lũ khỉ giấu trong hang. Tuy thóc, ngô đã bị ải mục nhưng trong lúc đói thế này mà có được chút ngũ cốc cũng hết sức quý giá.
Tuấn Sơn thấy rất lạ, cậu hỏi ông nội sao trong hang núi lại có thóc ngô? Ông bảo, đấy là số lương thực bọn khỉ lấy trộm của dân làng để tích trữ ăn dần mỗi khi mưa gió chúng không đi kiếm được thức ăn. Cứ đến vụ ngô già, lúa chín là lũ khỉ lấy dây rừng buộc vào thắt lưng rồi lén ra nương ngắt những bông lúa chín vàng, bẻ những bắp ngô đẫy hạt giắt quanh người, đem vào hang cất giữ. Tích tiểu thành đại, sau một vụ lúa, vụ ngô cái "kho lương thực" của lũ khỉ có khi lên đến cả tạ.
Tuấn Sơn và các bạn của cậu nghe ông nội kể mà cứ ngỡ là truyện cổ tích. Nhưng đống lúa ngô kia là có thật. Nhờ có số lúa ngô ấy mà người già, trẻ con, người ốm trong bản cũng đỡ đói lả!
Hơn một tuần ở trong hang Thẩm Mã, bà con Dú Tiên được trở về bản. Tuấn Sơn và dân bản hết sức ngỡ ngàng khi thấy những lều bạt, lán tre nứa lợp lá cọ đã được các chú bộ đội, biên phòng, công an, thanh niên của huyện và các địa phương xung quanh vào giúp dựng lên để bà con ở tạm. Có cả lán y tế để chữa bệnh cho người ốm. Nhà nào cũng được hỗ trợ mấy thùng mì tôm và nửa bao tải gạo, cùng nhiều đồ dùng thiết yếu khác…
*
Sau trận lũ quét kinh hoàng ấy, nhiều người trong bản Dú Tiên không còn sợ rừng Mả Hủi nữa. Người ta lại vác rìu, vác dao lên đó chặt gỗ, lấy tre nứa, song mây, lấy mộc nhĩ, nấm hương về dùng. Một số thanh niên trong bản bị kẻ xấu xúi giục còn cả gan đem cưa máy vào rừng đốn gỗ quý, đem theo súng kíp và các loại bẫy để săn bắt các con vật ở trong rừng.
Chả mấy chốc rừng Mả Hủi - khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại ở bản Dú Tiên - trở nên tan hoang! Cán bộ kiểm lâm Đông phải nhờ Trưởng thôn Lý Văn Tỏa cho họp dân để giải thích, tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo vệ rừng, nhưng xem ra những lời nói của cán bộ Đông không thấu tai của những kẻ làm liều. Rừng Mả Hủi vẫn tiếp tục bị tàn phá!
Ông nội Tuấn Sơn tìm Trưởng thôn Lý Văn Tỏa, kéo đến gặp cán bộ kiểm lâm Đông để bàn cách bảo vệ khu rừng nguyên sinh này theo cách riêng của ông. Nhờ cách bảo vệ đặc biệt ấy mà rừng Mả Hủi mới còn đến bây giờ, nhưng ông nội của Tuấn Sơn thì đã đi theo tổ tiên Bàn Vương từ mấy năm trước!
*
Hồi còn là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp, mỗi khi về nghỉ hè Tuấn Sơn thích nhất là được cùng ông nội lên thăm rừng Mả Hủi. Anh cảm thấy khu rừng này chẳng khác gì "Khu rừng cổ tích" mà anh từng được nghe cô giáo kể từ hồi còn là học sinh cấp I.
Ở đó, con người có thể nói chuyện được với các loài vật, cây cỏ. Muôn loài trong rừng có thể nói chuyện được với nhau, sống với nhau đoàn kết, chan hòa, cùng sát vai nhau chống lại lũ hổ, báo ác độc.
Tuy ông nội của anh và các loài vật ở rừng Mả Hủi không nói chuyện được với nhau, nhưng ông có thể ra hiệu cho chúng hiểu được những điều mình cần bằng giọng nói, tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay và các ký hiệu khác.
Một lần Tuấn Sơn và ông nội vào rừng Mả Hủi đúng mùa vải guốc chín. Nhìn thấy hai ông cháu Tuấn Sơn, lũ khỉ đang ăn quả trên cây dừng cả lại. Ông nội ngửa hai bàn tay về phía lũ khỉ. Tức thì chúng hiểu ý, vội chọn những chùm quả ngon nhất, chín nhất ném xuống cho hai ông cháu.
Đón những chùm vải từ tay lũ khỉ, Tuấn Sơn nói với ông:
- Bọn khỉ này chả khác gì người, ông nhỉ! Chỉ mỗi tội chúng không biết nói.
Ông nội gật đầu:
- Không biết nói nhưng chúng hiểu tiếng người, cháu ạ.
Nhìn thấy khỉ mẹ đang ngồi cho con bú ở chạc cây, bàn tay xoa xoa trên đầu khỉ con, Tuấn Sơn chỉ tay bảo:
- Ông xem kìa, chẳng khác gì người mẹ bế con!
Ông chưa kịp nói gì thì Tuấn Sơn đã hét lên khi anh nhìn thấy một con khỉ đột cao lớn như người thật, mình đầy lông lá, đôi tay dài quá gối, đi bằng hai chân khòng khòng hình chữ bát tiến về phía hai ông cháu.
- Ối ông ơi! Tinh tinh!
Ông cười bảo Tuấn Sơn:
- Không phải tinh tinh đâu, khỉ đột đấy. Cả khu rừng này chỉ có mỗi mình nó. Ông đặt tên nó là Cu Một. Có lẽ nó nhiều tuổi hơn cả bố cháu! Nhìn ghê gớm thế thôi, chứ Cu Một hiền và có nghĩa lắm đấy!
Ông nội đưa tay gọi Cu Một bằng tiếng huýt sáo. Nó lừng lững bước đến, ngồi vào lòng ông nội, thân mật như một đứa cháu. Nó chỉ tay vào Tuấn Sơn nói câu gì đó bằng tiếng "vàm vàm" của loài khỉ đột. Tuấn Sơn chẳng hiểu gì, nhưng ông nội thì hiểu.
Ông bảo, nó hỏi cháu là đứa nào, từ đâu đến, có làm hại nó và các con vật khác không? Ông nói với nó bằng các động tác tay và mắt, giống như người ta nói với người câm. Chả biết Cu Một có hiểu không mà thấy cậu ta nhăn mũi, nhe hàm răng bàn cuốc ra cười.
Ông bảo Cu Một ra làm quen với Tuấn Sơn, nó chồm đến ngồi luôn vào lòng khiến anh giật bắn mình. Cu Một ôm lấy đầu Tuấn Sơn vuốt ve, đặt lên trán anh một cái hôn rõ kêu. Lúc này Tuấn Sơn mới hiểu được vì sao ông nội rất hay lên rừng Mả Hủi.
Chưa hết ngạc nhiên về Cu Một, Tuấn Sơn lại thêm bất ngờ khi ông nội vỗ tay mấy cái thì ong rừng ở đâu bay về như một đám mây vây kín lấy hai ông cháu. Sợ ong đốt, Tuấn Sơn vội núp vào người ông. Ông nội bảo, ong này chỉ đốt người phá tổ nó chứ không đốt người lành đâu, cháu cứ ngồi yên. Ông đưa tay lên cao quay mấy vòng, lũ ong dồn tụ lại to như cái thúng ngay chạc cây phía trước mặt.
Ông nói với Tuấn Sơn: "Đây là ong khoái mật, còn gọi là khoái khoan. Loại này đốt khá đau nhưng không nguy hiểm". Tuấn Sơn hỏi ông làm cách nào để làm quen được với các loài vật? Ông bảo, muốn làm quen được với chúng thì trước hết phải yêu thương và đừng bao giờ làm hại chúng, tiếp nữa là phải tìm hiểu tập tính của từng loài vật để hiểu và chơi với chúng. Nếu giúp được chúng, nhất là những lúc nguy nan, thì càng tốt. Khi ấy chúng sẽ biết ơn và tìm cách trả ơn mình.
Những câu nói tưởng như tâm tình của ông nội về các loài vật hoang dã bỗng nhiên trở thành ý tưởng đề tài nghiên cứu khoa học của Tuấn Sơn sau khi anh tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp. Được các thầy cô trong trường khuyến khích, Tuấn Sơn làm tiếp luôn khóa trình nghiên cứu sinh về đề tài "Nguyên lý tiếp cận, làm quen và thuần dưỡng các loài động vật hoang dã ở rừng Mả Hủi".
Theo đánh giá của các thầy, đây là một đề tài hi hữu, độc đáo, có tính khoa học và thực tiễn cao. Tuấn Sơn bảo vệ thành công luận án tiến sỹ lâm nghiệp với điểm số rất cao. Anh nghĩ, để hoàn thành luận án này công lớn thuộc về ông nội. Chính ông là người đã gợi mở cho anh ý tưởng và truyền dạy cho anh những kinh nghiệm thực tiễn của mình khi hằng ngày tiếp xúc với các loài động vật hoang dã ở rừng Mả Hủi.
Anh đem tấm bằng về khoe với ông nội. Ông dắt anh lên bàn thờ tổ tiên, đặt tấm bằng lên mâm ngũ quả, thắp hương bẩm báo, tri ân các vị thần Phật, các cụ tổ khảo, tổ tỷ. Ngay chiều hôm ấy ông dẫn Tuấn Sơn ra bìa rừng Mả Hủi thắp hương trên mộ Cu Một. Cu Một đã xả thân cứu ông nội trong cái hôm ông bị bọn lâm tặc bắt trói toan thủ tiêu trên rừng Mả Hủi. Chuyện xảy ra đã hơn chục năm rồi mà Tuấn Sơn vẫn nhớ như in…
*
… Ngoài việc chặt phá gỗ quý trên rừng, bọn lâm tặc còn tìm mọi cách để săn bắt các loài động vật hoang dã. Chú Đông đã bao lần kiến nghị chính quyền địa phương cùng kiểm lâm cấp trên điều động thêm lực lượng để bảo vệ rừng Mả Hủi, nhưng xem ra những điều chú nói không lọt lỗ tai của những người có trách nhiệm. Chú đành dựa vào ông nội Tuấn Sơn và những người yêu rừng ở bản Dú Tiên.
Nhưng dần dần nhiều người cũng lơ đễnh, bỏ bê việc bảo vệ rừng, một phần do bản thân họ và những người trong gia đình họ cũng phải kiếm kế sinh nhai từ rừng; mặt khác họ không thể chịu nổi sự liều lĩnh, những lời đe dọa của bọn lâm tặc cùng những kẻ tiếp tay cho chúng. Chỉ còn lại ông nội Tuấn Sơn, Trưởng thôn Lý Văn Tỏa và chú Đông kiểm lâm là quyết bảo vệ rừng Mả Hủi đến cùng.
Mỗi khi phát hiện thấy bọn lâm tặc vác cưa máy hoặc đem súng kíp, đem bẫy cạm lên rừng Mả Hủi là ông nội lại vội vàng chạy theo. Ông gặp họ để khuyên giải, thậm chí là năn nỉ họ đừng chặt gỗ quý, đừng săn bắt thú rừng. Khi không cản được lòng tham của bọn lâm tặc, ông đành phải hú gọi để cảnh báo nguy hiểm cho các loài thú. Việc làm ấy của ông khiến bọn lâm tặc bực mình.
Buổi chiều nọ, khi bọn lâm tặc đốt lửa dưới gốc để hạ một cây nghiến già, ông nội liều mình xông đến dập lửa. Tên cầm đầu bọn lâm tặc hất đầu ra lệnh cho bọn tay chân quật ông ngã sóng soài rồi trói quặt hai cánh tay ông về phía sau lưng. Ông nội chỉ kịp huýt một tiếng sáo dài trước khi bị bọn chúng nhét đầy giẻ vào miệng. Tiếng huýt sáo ấy là để gọi Cu Một. Tên đầu sỏ ghé sát miệng vào mặt ông nội, nói vẻ hăm dọa:
- Ông muốn sống thì hãy để chúng tôi yên! Nếu ông tiếp tục cản chúng tôi thì chỉ có đường chết. Ông chọn đi!
Thấy ông nội vẫn ương ngạnh lắc đầu, tên đầu sỏ rút con dao nhọn giắt ở thắt lưng gí vào cổ ông, rít lên:
- Thế thì hôm nay ông phải chết!
Khi tiếng rít của hắn vừa dứt thì Cu Một xuất hiện. Nhìn thấy con khỉ đột lừng lững lao tới, nhe hàm răng đầy vẻ phẫn nộ, bọn lâm tặc giật mình lùi lại. Một tên hốt hoảng hét lên:
- Ôi! Tinh tinh! Đại ca ơi, chạy đi!
Cu Một lao đến rút bối giẻ khỏi miệng ông nội. Ông vội nói với nó:
- Con vỗ tay gọi ong đi! Nhanh lên!
Cu Một vỗ tay liền mấy cái. Chỉ một lát sau lũ ong khoái khoan từ mọi phía bay đến kín đặc. Nghe tiếng sùy sùy của ông nội, bầy ong lao vào bọn lâm tặc, chích những nọc độc chí tử vào mặt bọn chúng để cứu chủ nhân. Bọn lâm tặc ôm đầu, ôm mặt chạy tháo thân trước sự tấn công dữ dội của bầy ong. Nhân lúc bọn lâm tặc bị bầy ong tấn công, Cu Một vội vàng cởi trói cho ông nội. Ông nội nói với nó như ra lệnh:
- Cu Một, con chạy vào rừng đi, mau lên! Bọn chúng có súng đấy!
Thấy Cu Một lừng khừng chưa đi, ông nội quát to:
- Ta bảo con chạy đi! Mặc kệ ta!
Mặc dù bị bầy ong tấn công dữ dội nhưng một tên lâm tặc vẫn cố sống cố chết bật lửa đốt cỏ khô để xua bầy ong. Khói đen bốc lên vây kín bầy ong khiến chúng phải bay tản đi nơi khác.
Thoát được bầy ong, tên đầu sỏ nghiến răng rít lên:
- Hôm nay tao phải giết chết lão già này!
Tên đầu sỏ giật lấy khẩu súng từ tay tên lâm tặc đứng gần đấy chĩa về phía ông nội. Đúng lúc hắn hướng nòng súng vào đầu ông bóp cò thì Cu Một lao tới chắn phía trước. Súng nổ. Cu Một đổ vật xuống. Ông nội ôm lấy Cu Một, hét lên:
- Trời ơi! Đồ dã man! Quân giết người!
Nghe tiếng súng nổ, biết có chuyện chẳng lành, chú Đông vội gọi Trưởng thôn Tỏa cùng dân quân và công an viên chạy lên rừng Mả Hủi. Ông nội đang ôm xác Cu Một lặng lẽ khóc. Ngôi mộ của khỉ đột được đặt ở ngay bìa rừng. Tấm bia đá khắc hàng chữ: Bàn Cu Một…
*
Đúng vào ngày khu rừng Đại Lâm Mộc được chính quyền tỉnh phê duyệt quy hoạch thành rừng đặc dụng cũng là ngày ông nội của Tuấn Sơn, cụ Bàn Vãng Lâm, tức Bàn Kim Đạt, về với tổ tiên. Ông ra đi nhẹ nhàng như một người đã làm xong công việc nặng nhọc, thanh thản ngủ một giấc dài. Ngôi mộ ông được đặt trang trọng ngay phía cửa rừng để tiện cho mọi người có thể dễ dàng vào thắp hương bái lạy và tri ân.
Ông nội đã về cõi Tiên, nhưng thỉnh thoảng người dân trong bản Dú Tiên vẫn thấy hình bóng một ông già râu tóc bạc phơ chống gậy trúc vòng qua, vòng lại khu rừng trong sự chào đón của màu xanh cây lá, của muôn sắc hoa rừng, của rộn ràng tiếng chim cùng muôn loài muông thú. Người dân gọi đó là Thần rừng.
Tuấn Sơn biết đó chỉ là ảo ảnh. Nhưng đó lại là hình ảnh có thật luôn tồn tại trong tâm khảm của dân bản Dú Tiên bởi lòng kính trọng và sự biết ơn đối với ông nội mình. Anh tự hứa sẽ là người kế tục công việc thiêng liêng của ông trước đây, sẽ làm mọi điều tốt nhất để cho khu rừng Đại Lâm Mộc mãi mãi là niềm tự hào của người dân Dú Tiên và cả miền Cao nguyên đá nơi cực Bắc.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/than-rung-632791/