Thân thương hình bóng Bác ở La Habana
Nổi bật trong số rất nhiều công trình mang dấu ấn Việt Nam tại Cuba là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở công viên mang tên Người ở thủ đô La Habana.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, không khó để bắt gặp trên khắp đất nước Cuba và ngay ở thủ đô La Habana những công trình mang tên các anh hùng hay địa danh lịch sử của Việt Nam. Người dân Cuba từ lâu đã quen thuộc với những cái tên Võ Thị Thắng, Nguyễn Văn Trỗi, Bến Tre… và đều phát âm rành rọt.
Nổi bật trong số rất nhiều công trình mang dấu ấn Việt Nam là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên mang tên Người ở thủ đô La Habana. Hơn 20 năm trôi qua, địa điểm này đã trở thành không gian quen thuộc với những người yêu mến Việt Nam.
Người dân địa phương, từ cụ già đến trẻ nhỏ, đã quen thuộc với những tán cây tỏa bóng mát quanh tượng đài Bác Hồ - biểu tượng cao cả của tình hữu nghị đặc biệt mẫu mực trong suốt chiều dài lịch sử giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba.
Kiến trúc sư Joel Díaz Gutíerrez là người đảm nhiệm công tác thiết kế và giám sát thi công tượng đài, trong khi phần tượng bán thân bằng đồng do các nghệ nhân Việt Nam đúc. Trong chuyến thăm chính thức Cuba tháng 10/2002, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao bức tượng này cho các bạn Cuba. Công trình xây dựng sau đó được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác (19/5/2003).
Kiến trúc sư Joel năm nay đã ngoài 90. Trong suốt cuộc đời mình, đây là công trình mà ông tự hào nhất, vinh dự nhất. Ông Joel dành phần lớn đời mình để vun đắp tình hữu nghị Cuba – Việt Nam và vô cùng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ông Joel Díaz nhớ lại, khi mới bắt tay thiết kế tượng đài, nhiều đêm ông trăn trở tìm cách thể hiện sinh động nhất hình ảnh về đất nước Việt Nam, về con người vô cùng vĩ đại nhưng lại rất đỗi giản dị, khiêm nhường của Bác Hồ và những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Người.
Kiến trúc sư Joel nghiên cứu rất nhiều tài liệu về Bác trước khi lên ý tưởng. Từng hợp phần, chi tiết của tượng đài được thiết kế với lòng yêu kính vô vàn dành cho Bác Hồ vĩ đại. Ông nói: “Ở Cuba có hàng trăm tượng đài của các nhân vật lịch sử, kể cả người nước ngoài, nhưng đối với Bác Hồ vĩ đại thì cần phải có một sự thể hiện hoàn toàn khác".
Tọa lạc bên một trong những con đường lớn nhất ở thủ đô La Habana, Công viên Hồ Chí Minh rộng 5.600 m2. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên nền đá cẩm thạch đỏ, rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Chính giữa nền đá cẩm thạch là ngôi sao 5 cánh bằng hoa vàng – hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam. Trụ đá bệ tượng được làm bằng đá cẩm thạch trắng không trang trí bất cứ hoa văn, họa tiết nào, gợi nhớ hình ảnh Bác Hồ “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”.
Khung bảo vệ phía trên, gồm 4 thanh sắt sơn màu đỏ nổi bật trên nền cây xanh của công viên, kết nối thành hình chóp tượng trưng cho chiếc nón lá Việt Nam. Trong số 4 thanh sắt, 3 thanh tượng trưng 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn; thanh còn lại tượng trưng cho Quốc tế Cộng sản. Điểm hội tụ ngay trên đỉnh tượng đài chính là sự tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đoàn kết các lực lượng cách mạng để cùng hướng tới mục tiêu chung là giải phóng dân tộc.
Rặng trúc dày sau tượng đài là để tạo phong cảnh gần gũi giống Việt Nam. Đây là giống trúc được chọn ở Cuba. Và, mấy tán cây cổ thụ cao vút phía sau kia nữa cũng không phải ngẫu nhiên lại được bố trí để gợi nhớ rừng núi chiến khu Việt Bắc và Điện Biên Phủ, nơi Bác Hồ đã sống và lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.
Sau khi công trình được khánh thành, một Chi hội hữu nghị Cuba - Việt Nam với các thành viên là cán bộ, nhân viên một số cơ sở sản xuất và nhân dân ở khu phố nơi có Công viên Hồ Chí Minh đã được thành lập để làm nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ khu tượng đài Bác.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, Chi hội hữu nghị đã tham gia đón hàng trăm đoàn thăm chính thức của Việt Nam tới đặt hoa ở tượng đài Bác, trong đó có những đoàn ở cấp cao nhất. Công trình này còn được nhiều đoàn nước ngoài khác ghé thăm, bày tỏ lòng kính trọng tới vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta và tìm hiểu “góc Việt Nam” độc đáo của La Habana.