Thần tốc mở đường vào Trà Leng: Chuyện bây giờ mới kể

Chỉ hơn một ngày, đường đã được nối thông vào Trà Leng bởi lực lượng nòng cốt ngành giao thông và Công ty Dương Tiến.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ (bên phải) cùng lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam, Cục QLĐB III và ông Nguyễn Bá Dương (bên trái) trao đổi các phương án thông tuyến, nối đường cứu nạn

Sau vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng, việc cứu hộ cứu nạn trở nên vô cùng cần kíp. Trong khi đó, tuyến ĐH1 từ QL40B lên Trà Leng dài gần 20km khi đó có cả chục điểm sạt lở, cắt đường, lực lượng quân đội, y tế không thể tiếp cận.

Có thể ví như một kỳ tích, bởi sau đó chỉ hơn một ngày, đường đã được nối thông bởi lực lượng nòng cốt ngành giao thông và Công ty Dương Tiến.

Xuyên đêm thông đường cứu nạn

Đã gần ba tháng trôi qua qua, song câu chuyện mở đường cứu nạn thần tốc, nối thông các đoạn tuyến sạt lở, đứt đường trên tuyến ĐH1 lên Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) của ông Nguyễn Bá Dương, Giám đốc Công ty TNHH Dương Tiến (Nam Trà My) cùng với lực lượng ngành giao thông vẫn được chính quyền, người dân nhắc nhớ, trân trọng.

Giao thông đi trước mở đường
Giao thông đi trước mở đường, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khắc phục sạt lở, mở đường cứu nạn với những vụ việc Rào Trăng 3, sạt lở doanh trại quân đội ở Quảng Trị và Trà Leng.

Các lực lượng nòng cốt ngành GTVT, đơn vị duy tu sửa chữa như Công ty Dương Tiến được huy động phối hợp chặt chẽ với địa phương để khẩn trương đưa phương án mở đường tối ưu, rút ngắn thời gian cùng quyết tâm cao độ nhất. ĐH1 là tuyến đường cấp huyện, địa hình hiểm trở, taluy dương dựng đứng, nhiều vực taluy âm nên khắc phục sạt lở càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, đơn vị thi công nỗ lực nối tuyến nhanh nhất, tạo điều kiện để các lực lượng quân đội, y tế, phương tiện thiết bị chuyên dụng ra vào thuận lợi hơn, đẩy nhanh công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Đến nay, gần chục đầu máy, thiết bị đào, xúc chuyên dụng của Công ty Dương Tiến vẫn bám trụ hiện trường cùng người dân tìm kiếm các nạn nhân mất tích từ vụ sạt lở đất ngày 28/10/2020.

Tuyến ĐH1 giờ thông thoáng, không còn ổ gà, sạt lở, khác hẳn khung cảnh chia cắt, tan hoang hồi cuối tháng 10/2020 sau ảnh hưởng bởi bão lũ liên tiếp.

Thời điểm đó, ngày 28/10/2020, cả quả đồi đổ sập xuống thôn 1, xã Trà Leng. May mắn 33 người thoát nạn, nhưng 9 người khác không cứu được, 13 người mất tích.

Tuyến ĐH1 từ QL40B lên là tuyến độc đạo đi vào Trà Leng dài gần 20km nhưng có cả chục điểm sạt lở, cắt đường. Phương tiện vận tải cô lập, không thể lưu thông, đòi hỏi việc nối lại tuyến phải tiến hành nhanh nhất.

Ngay trong đêm, cả chục máy móc, thiết bị, công nhân được ông Dương điều động khẩn cấp lên hiện trường. Hai mũi thi công xử lý sạt lở từ QL40B lên và trên Trà Leng xuống gấp rút triển khai với sự phối hợp của các lực lượng nòng cốt ngành GTVT địa phương, dưới chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại hiện trường.

Tiếng máy móc rền vang tại những vị trí sạt lở. Tuy nhiên, việc khắc phục cực kỳ khó khăn. Máy móc không thể dàn hàng ngang đẩy tiến độ thi công mà được bố trí xếp lớp hàng dọc, đưa các mũi đào múc đi đầu, phía sau là xe xúc dọn...

Tối 29/10, trời Trà Leng đen như mực, ông Dương vật lộn trên lớp bùn non, chỉ huy 2 máy múc, đào công suất lớn xử lý “ma trận” sạt lở tại đoạn Km9 tuyến ĐH1. Đây là vị trí sạt lở nặng nhất với hàng chục ngàn m3 đất đá và cả cây rừng. Ông Dương trực tiếp dùng xích sắt buộc vào cây rừng để máy múc kéo về phía taluy âm nhưng bất thành. Xích bị đứt, máy múc phụt khói vì quá tải.

Trong tình thế tưởng chừng bế tắc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra phương án đẩy lớp bùn non ra phía taluy âm, khơi rỗng chân để tạo thế kéo cây rừng. Nhờ thế, hơn tiếng sau, “điểm nóng” sạt lở này được khơi thông. Ông Dương mừng đến phát khóc, đến ôm từng tài xế động viên.

Anh Tân (tài xế máy đào Công ty Dương Tiến) với bọc nilon lấy ổ bánh mì ẩm nước mưa. Đồng hồ điểm 21h. Mọi người quên cả bữa tối, chỉ lót dạ bằng bánh mì, xôi nắm. Thứ trưởng Thọ nhờ người dân nấu bữa cháo gà đêm để bồi dưỡng anh em công nhân ngay tại công trường sau khi giải phóng điểm sạt lở phức tạp nhất trên tuyến ĐH1.

Ngay trong đêm 29/10, hai mũi thi công tiếp tục tiến về thôn 1, khẩn cấp khắc phục các điểm sạt lở tại Km10, suối Ông Già (Km 10+200)… Ông Dương rọi đèn pin, cùng Thứ trưởng Thọ tiếp tục cuốc bộ vài cây số, khảo sát các vị trí sạt lở còn lại để đưa phương án nối đường sớm nhất.

“Trước mặt là Trà Leng, nơi người dân đang gặp nạn, sau lưng là những đoàn cứu nạn, tiếp tế đang chờ từng giây phút thông đường. Với tôi đó là mệnh lệnh trái tim”, ông Dương chia sẻ và cho biết, làm nghề khắc phục sạt lở khối lượng rất khó kiểm đếm để thanh toán, nhiều khi nhà thầu phải chịu lỗ chi phí. Vậy nhưng, cứ có sạt lở là ông lại huy động máy móc để lên đường, không mảy may tính toán.

Đến sáng 30/10, toàn tuyến ĐH1 đã thông, từng đoàn xe tải chở hàng, lực lượng chức năng… hướng về hiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho hay, với khối lượng sạt lở, cắt đường lớn trên tuyến ĐH1, bình thường phải mất cả tuần mới có thể thông tuyến, nhưng chỉ hơn một ngày, các lực lượng nòng cốt ngành GTVT và các đơn vị thi công như Công ty Dương Tiến đã kịp thời nối thông đường, tạo thuận lợi cho công tác cứu nạn.

Giám đốc “tay ngang” và cơ duyên đường bộ

Ông Nguyễn Bá Dương trực tiếp xuống đường hướng dẫn lái xe đào, xúc... theo các phương án thông đường

Những năm gần đây, Công ty Dương Tiến được giao duy tu sửa chữa thường xuyên trên tuyến ĐH1. Ở tuổi 54, ông Dương vẫn băng băng đi bộ như không biết mệt, thông thuộc từng đoạn tuyến.

Đặc thù địa hình miền núi, năm nào tuyến ĐH1 cũng có sạt lở nhưng chưa năm nào sạt lở nặng như năm 2020. Ông cười bảo: “Mình là dân “tay ngang”, đến với nghề giao thông như một cơ duyên. Nghề chọn người nhưng có “máu riêng” mới trụ nổi”.

Ban đầu, ông làm đủ nghề, từ xát gạo đến thợ mộc…, sau đó đăng ký học Trung cấp Cơ khí ô tô ở Bình Định. Năm 2006, sau những năm tháng gắng sức làm việc, tích góp, ông khiến cả làng ngạc nhiên khi đưa về chiếc xe tải 2 cầu, 4 tấn thuộc loại “xịn” nhất lúc bấy giờ.

“Giá con xe lúc đó cả mấy chục cây vàng, mình quyết định đầu tư để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, vật liệu cho người dân”, ông Dương kể và cho biết, đây cũng là cơ duyên đầu tiên để đưa ông đến với nghề vận tải.

Những lần vận chuyển vật liệu san lấp, mở đường khiến ông Dương ấp ủ ước mơ trực tiếp sửa chữa, thi công cầu đường. Nghĩ là làm, chỉ tròn chục năm sau, ông đầu tư được dàn thiết bị chuyên dụng với 7 chiếc máy xúc, 2 máy ủi, 3 xe lu, 5 ô tô tải, 1 mỏ đá ở Nam Trà My, cùng đội ngũ gần 20 cán bộ, công nhân chuyên ngành duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đường.

Ngoài duy tu sửa chữa tuyến ĐH1, công ty của ông Dương giờ được các đơn vị, nhà thầu dự án giao thông qua địa bàn (đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh…) chọn cung cấp vật liệu, tăng cường máy móc nhân lực thi công…

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho hay, khi xảy ra sự cố, Công ty Dương Tiến là đơn vị tiên phong huy động máy móc, thiết bị phối hợp các đơn vị chức năng mở đường cứu nạn. “Hành động của ông Dương và anh em công ty được lãnh đạo các cấp, người dân rất ghi nhận”, ông Cường nói.

Xuân Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/than-toc-mo-duong-vao-tra-leng-chuyen-bay-gio-moi-ke-d495396.html