Thần tốc truy vết những trường hợp liên quan đến các ổ dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập, chung tay bảo vệ thành quả phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tiến sỹ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trao đổi với phóng viên BáoThanh Hóa.

Phóng viên: Thưa ông, là địa phương được đánh giá có nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập rất cao, bởi tại các ổ dịch Hà Nam, Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa đều có các trường hợp F1 liên quan, vậy việc truy vết những trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh dương tính được triển khai như thế nào?

Tiến sĩ Lương Ngọc Trương: Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và trong khu vực, Thanh Hóa chúng ta được xác định có nguy cơ rất cao, vì vậy tỉnh đã tập trung tối đa, nỗ lực triển khai các giải pháp để ngăn chặn và phát hiện sớm nhất các mối nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập. Trong 4 ngày qua, khi có thông tin của CDC Hà Nam về trường hợp ca bệnh 2899; tiếp đến là từ các ổ dịch Vĩnh Phúc, Hà Nội, Yên Bái, Thanh Hóa đều có trường hợp F1 liên quan…, CDC Thanh Hóa đã cùng với hệ thống giám sát dịch của tỉnh vào cuộc tích cực, thần tốc truy vết, giám sát những ca F1, F2 liên quan đến các ổ dịch. Ngay trong ngày 29-4 đã truy vết 13 F1 liên quan đến ca bệnh ở Hà Nam, trong đó có 8 trường hợp đi cùng chuyến bay từ Nhật Bản về và ở cùng khu cách ly, 5 trường hợp đi cùng chuyến xe với bệnh nhân COVID-19 tuyến Đà Nẵng – Hà Nội. Và với sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, không kể ngày đêm, nghỉ lễ, từ 29-4 đến 3-5, hệ thống giám sát dịch trên địa bàn tỉnh đã truy vết, giám sát được 34 trường hợp F1 liên quan đến 4 ổ dịch của Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái tại 14 huyện, thị xã, thành phố; 314 trường hợp F2, gần 400 trường hợp F3. Các trường hợp F1, F2 đều được kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, đến nay tất cả các trường hợp này đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Các mẫu bệnh phẩm F1, F2 được CDC Thanh Hóa tiếp nhận và tổ chức xét nghiệm ngay để có hướng xử trí dịch phù hợp.

Phóng viên: Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khó lường, vậy hiện nay, tỉnh ta đã có những chỉ đạo, giải pháp như thế nào để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập, thưa ông?

Tiến sĩ Lương Ngọc Trương: Thực tế, không phải chỉ đến thời điểm này, chúng ta mới cảm nhận được mối nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Đến nay, sau hơn 1 năm tính từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, dịch COVID-19 đang là “nỗi ám ảnh” của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, trong suốt thời gian qua, các ngành, các lực lượng đã thực hiện có hiệu quả lời kêu gọi đoàn kết của Đảng, Chính phủ cùng tạo lên sức mạnh tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh, tất cả đều dồn sức cho việc chống dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Tại Thanh Hóa, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành y tế, cùng với Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện đã không kể ngày đêm trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, thần tốc truy vết, cách ly triệt để, đặc biệt là các trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung tại các khu cách ly tập trung kịp thời ngay khi phát hiện, F2 được hướng dẫn cách ly tại nhà; công tác truyền thông được tăng cường đẩy mạnh.

Đặc biệt, ngày 30-4, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 08/CĐ-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm: “Quyết liệt, khẩn trương, không lơ là, chủ quan”; song phải bình tĩnh, chủ động, không hoang mang, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp; phải đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, lĩnh vực được phân công quản lý…

Tại 14 huyện, thị xã, thành phố có các trường hợp F1, Ban chỉ đạo, đặc biệt tổ giám sát cộng đồng đã nỗ lực bám sát địa bàn, phát hiện sớm những trường hợp đi về từ các tỉnh có dịch, các tỉnh khác và các điểm mốc dịch tễ Bộ Y tế thông báo, đã nỗ lực tổ chức truy vết, giám sát, cách ly kịp thời các trường hợp liên quan đến các ổ dịch trở về địa phương. Trong đó vai trò của giám sát cộng đồng tại cơ sở rất quan trọng trong truy vết, là điểm tựa của chính quyền các cấp trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhanh nhất, kịp thời nhất, từ đó kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Thành viên Tổ giám sát cộng đồng xã Thiệu Dương rà soát, truy vết các trường hợp liên quan trở về địa phương.

Phóng viên: Bài học từ các ca lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra tại Hà Nam vừa qua cho thấy, việc không tuân thủ các quy định, quy trình về cách ly phòng dịch có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Và việc xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mới trong những ngày gần đây cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch đang hiện hữu. Vậy ông có khuyến cáo gì để mỗi người dân tự bảo vệ mình và để bảo vệ thành quả phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh?

Tiến sĩ Lương Ngọc Trương: Như chúng ta đã biết, dịch COVID-19 quay trở lại với những biến chủng mới, lây lan nhanh, tại các ổ dịch ở Việt Nam đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi Thanh Hóa là tỉnh có nguy cơ cao nên chúng ta không được chủ quan, lơ là. Việc phòng chống dịch COVID -19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, đòi hỏi sự chung sức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Vì thế các cơ quan chức năng phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong việc truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, quản lý chặt chẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Ban Chỉ đạo các cấp cần thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thực hiện đẩy đủ chế độ thông tin báo cáo cho ban chỉ đạo các cấp để thực hiện đồng bộ công tác chỉ đạo thống suốt; thường xuyên cập nhật các điểm dịch tễ mà Bộ Y tế thông báo để truy vết những trường hợp liên quan, những trường hợp trở về từ vùng dịch, từ tỉnh ngoài, từ các địa phương khác; bám sát địa bàn cơ sở để mỗi cộng đồng, mỗi thôn, mỗi xã, mỗi huyện là một cộng đồng an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh những nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, rất cần đến thái độ tích cực và ý thức trách nhiệm của chính mỗi người dân. Mỗi người cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua những việc làm giản đơn, thiết thực, đó là việc tự giác thực hiện khai báo y tế, thực hiện cách ly nếu thuộc diện quy định; những người đi từ vùng dịch, các tỉnh khác về phải khai báo đầy đủ cho cơ quan y tế, thực hiện đầy đủ nội dung phòng chống dịch do ban chỉ đạo các cấp triển khai, nhất là thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện giãn cách, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi cộng cộng và nơi tập trung đông người… Khi thực hiện những việc này, trước hết mỗi người đã tự bảo vệ sức khỏe của chính mình; đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, chung tay bảo vệ thành quả chống dịch của chúng ta trong thời gian qua.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/covid-19/than-toc-truy-vet-nhung-truong-hop-lien-quan-den-cac-o-dich-covid-19-kiem-soat-dich-benh-hieu-qua/135702.htm