Thận trọng bích họa tại di tích, đường phố

Những năm gần đây, trên các bức tường ở một số tuyến phố, ngõ xóm các tỉnh, thành bỗng sống động hơn qua những bức tranh bích họa 2D, 3D. Tuy nhiên, dường như việc 'sơn, vẽ' này đang 'tự phát'.

Thay vì mang lại thẩm mỹ hội họa, văn hóa, một số tuyến phố, ngõ xóm, di tích được xếp vào di sản văn hóa nhân loại bị “bôi bẩn”. Và những con phố, ngõ xóm rêu phong, di tích cổ kính như một cụ già áo nâu sồng bị người ta “nhuộm tóc” vàng chóe, bôi son, trát phấn lên khuôn mặt.

Ngõ, phố trở nên sinh động nhờ các tác phẩm tranh 3D.

Ngõ, phố trở nên sinh động nhờ các tác phẩm tranh 3D.

Những bức họa thẩm mỹ, nhân văn

Người dân Yên Phụ (Hà Nội) ngỡ ngàng thích thú khi chứng kiến những bức tường con ngõ nhỏ số 68 sống động lạ thường. Bức bích họa phong cảnh thành phố Venice lãng mạn, thơ mộng phủ kín tường ngõ. Ban đầu chỉ một gia đình nhờ nhóm họa sĩ vẽ cảnh đẹp trang trí ở bức tường trước cửa nhà mình. Thấy đẹp, cả xóm rủ nhau nhờ nhóm họa sĩ lên ý tưởng “thẩm mỹ viện” cho những bức tường. Bức tranh tuyệt đẹp này có diện tích lớn vẽ lại phong cảnh Venice. Bức tranh được vẽ hoàn toàn bằng màu 3D acrylic có độ bền màu từ 10 - 20 năm. Tác phẩm hội họa này rất sinh động, chân thực khiến con ngõ trở thành điểm hẹn cho các bạn trẻ Hà thành tới đây thưởng lãm và “check in”.

Không chỉ ngõ Yên Phụ, ngõ Áo Dài (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng được biết tới con ngõ hội họa, áp phích. Điều thú vị là, tác giả của con ngõ hội họa là một cụ ông 94 tuổi - Cao Trí Thịnh. Nhìn thấy các tường trong ngõ nơi mình đang sống ngập đầy rác, chi chít quảng cáo rao vặt, mất mỹ quan đô thị, cụ Thịnh không đành lòng. Cách đây 20 năm, cụ muốn biến con ngõ trở nên thẩm mỹ đầy văn hóa, là nơi để các cư dân hài lòng, tự hào.

Nghĩ là làm, cụ Thịnh tự bỏ tiền túi đi mua sơn và màu, cần mẫn vẽ các bức tranh độc đáo lên tường. Vì là một Đảng viên nên tranh tường của cụ tập trung tái hiện cảnh ấm cúng gia đình, tình làng nghĩa xóm, cảnh người dân nô nức lao động, cảnh đạo hiếu hay những khẩu hiệu, lời căn dặn của Bác Hồ. Ngắm bức tường được khoác áo mới đầy ý nghĩa, nhưng người dân ở đây vô cùng thích thú, trân trọng việc làm của cụ, cùng nhau giữ gìn bức họa thật sạch sẽ.

“Tôi luôn vẽ những điều tốt đẹp, qua đó để mọi người nhắc nhở nhau sống tốt hơn. Tôi biến những khẩu hiệu khô khan thành những bức tranh tường giản dị nhưng dễ truyền tải thông điệp”, cụ Thịnh bộc bạch.

Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng có tuyến phố “hội họa”. Nhiều người dân và du khách trầm trồ về bức tranh mang thông điệp bảo vệ tê giác được vẽ trên tường gần vòng xoay Điện Biên Phủ (phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tác phẩm hội họa này nằm trong chương trình “Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã” do Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển, Change, phối hợp với Quận đoàn quận 1 thực hiện. 17 bức tranh graffiti sống động mang thông điệp bảo vệ tê giác được 11 họa sĩ trẻ miệt mài sáng tạo. 17 tác phẩm graffiti kỳ vọng sẽ trở thành một “góc tê giác” độc đáo, thu hút khách tham quan cho thành phố.

Góp phần bảo vệ môi trường sống cũng như sáng tạo thẩm mỹ, ý tưởng biến những nắp cống xù xì nằm bên đường hóa thành những bức tranh đầy sắc màu sinh động do Đoàn phường 10 (quận 5) thực hiện với sự hỗ trợ của các bạn sinh viên đội hình mỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn. Bức tranh như khoác lên những miệng cống bằng đủ hình vẽ, đủ sắc màu. Khi là chú cá bơi lượn giữa dòng nước trong xanh biếc, khi lại hóa những đóa sen nở rực trong hồ, lúc như cánh rừng xanh mát hiện lên và xen lẫn là cánh đồng lúa xanh rờn, con suối nước trong xanh... Hàng chục "nắp cống biết nói", mỗi bức vẽ trên các nắp hố ga sẽ thay cho những câu khẩu hiệu kêu gọi người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bích họa đã làm biến dạng đình cổ Tự Đông.

Bích họa đã làm biến dạng đình cổ Tự Đông.

Và các bức tường di sản bị “bôi bẩn”, “dị hợm”

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc vẽ, sơn lên các bức tường gây hiệu ứng tốt. Ngược lại, có không ít người dân khó chịu về sự thay đổi này. Họ coi đó là sự “bôi bẩn” lên tường, thậm chí còn làm hại di tích lịch sử.

Trung tuần tháng 3, người dân không khỏi bức xúc khi Đoàn Thanh niên ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã phủ sơn, vẽ bích họa lên tường khu vực đầu hồi trái của đình cổ Tự Đông ở địa phương này, nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2022.

Theo đó, chiều 17/3, Đoàn Thanh niên phường Cẩm Thượng hoàn thành việc vẽ bích họa lên phía đầu hồi bên trái đình Tự Đông. Bức tường này được phủ sơn nhiều màu và vẽ bản đồ Việt Nam. Đoạn tường bao phía sau hậu cung dài khoảng 40m cũng được vẽ thành một bức tranh phong cảnh. Công trình được thực hiện trong khoảng 3 tuần với tổng kinh phí 40 triệu đồng.

Ngay sau khi "con đường bích họa" khu vực trên được hoàn thành, nhiều người đã chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội và bày tỏ bức xúc vì "con đường bích họa" đặt vô duyên, xâm hại đến ngôi đình cổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử - văn hóa.

Chính quyền phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã khẩn trương xóa bức bích họa do Đoàn Thanh niên địa phương này vẽ lên đình cổ Tự Đông, gây biến dạng, ảnh hưởng đến di tích. Tuy vậy, ngôi đình cổ bị lem nhem sơn trắng, vàng khó có thể trở về hiện trạng cũ khi phường Cẩm Thượng xóa bức bích họa gây phản cảm. Ngôi đình cổ chẳng khác nào một cụ ông bị bôi trát phấn, vôi lem luốc lên mặt.

Đình Tự Đông được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII, thờ Cửa Ngõ Đại Vương, có tài chữa bệnh cứu dân và được tôn làm Thành hoàng. Đình Tự Đông có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Hiện di tích vẫn còn lưu giữ được kiến trúc cơ bản thời Hậu Lê với nhiều mảng chạm khắc gỗ như bức cốn tứ linh, long quần và lưỡng long chầu nguyệt ở gian đại bái, các đầu dư, đầu bẩy, hệ thống cột vẫn còn khá nguyên vẹn. Năm 1997, đình Tự Đông được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Chiều 22/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Hải Dương cho biết đã báo cáo UBND tỉnh, Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ VH-TT&DL, về vi phạm tại di tích quốc gia đình Tự Đông, thuộc phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương.

Sở VH-TT&DL Hải Dương cho biết thêm, hoạt động nêu trên vi phạm Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Cụ thể, luật nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

Nghị định số 38/2021 của Chính phủ cũng quy định xử phạt đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Từ đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Cục Di sản Văn hóa trong vấn đề xử lý tiếp theo.

Không chỉ có đình Tự Đông, phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng là “nạn nhân”. Đây là Di sản Văn hóa thế giới với những ngôi nhà cổ, mái ngói rêu phong thu hút nhiều du khách tới thưởng lãm. Nhưng hiện nay trên nhiều bức tường ở phố cổ “án ngữ” những nét vẽ nguệch ngoạc, xiêu vẹo với đủ màu sắc và hình thù, ký tự, chữ viết kỳ dị, phản cảm. Những hình vẽ đó làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của bức tường hàng trăm tuổi, xâm hại tới di sản văn hóa của nhân loại.

Một vài con ngõ nhỏ ở phố cổ Hà Nội cũng từng bị “tô vẽ” màu sắc lòe loẹt. Một con ngõ tại phố cổ “36 phố phường” Hà Nội bỗng trở nên lòe loẹt sơn xanh, đỏ, tím, vàng. “Tác giả” của những bức tường ấy là một “anh Tây”. Ý tưởng của anh Tây muốn bức tường ở đây đầy màu sắc thay vì màu tường tối, cũ. “Anh Tây” tự bỏ tiền mua sơn và thức trắng đêm để tự tay sơn tường. Hành động đó được người dân trong ngõ đồng ý.

Thế nhưng, màu sắc lòe loẹt ấy cộng thêm với cách sơn “nghiệp dư”, “tự phát” khiến cho những bức tường cũ bị nham nhở, lem nhem, luộm thuộm. Đó là chưa kể tới, có thể bức tường ấy phá hỏng kiến trúc cổ, kiến trúc cũ của 36 phố phường nức tiếng. Nếu ý tưởng này được thực hiện nhân rộng, 36 phố xưa Hà thành rêu phong, cổ kính sẽ như một cụ già áo nâu sồng bị người ta nhuộm tóc vàng chóe, bôi son, trát phấn lên khuôn mặt.

Vẽ, sơn lên tường thì dễ nhưng để “sửa sai” trả lại nét cổ kính, rêu phong lại không hề đơn giản. Bởi đây là điều không dễ dàng bởi mỗi bức tường của phố cổ là một màu sơn, màu thời gian khác nhau. Đơn vị cần phải nghiên cứu chọn lựa để lựa chọn màu nào là hợp lý với màu cũ của các bức tường, chứ không thể sơn bậy, sơn xóa được. Đây là di sản văn hóa thế giới không thể bỡn cợt.

Có thể thấy, vẽ bức họa, sơn vẽ lên tường nhằm mang tới thẩm mỹ mới cho ngõ xóm, đường phố. Nhưng nếu làm việc kiểu “tự phát”, “tùy hứng”, bừa bãi, thích gì vẽ nấy sẽ tác dụng ngược, gây phản cảm và xâm hại di sản văn hóa.

Nên chăng, các nơi danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, các nhà quản lý cần tuyên truyền cho người dân và du khách thông điệp không được viết, vẽ, sơn lên tường.

Còn các ngõ, xóm, đường mới, chính quyền địa phường cần quy hoạch nơi cho người dân, du khách có thể tham gia sáng tác, phát huy đam mê hội họa với những chủ đề cụ thể như: phong cảnh, tình yêu, quê hương, đất nước, thông điệp mang tính nhân văn...

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/than-trong-bich-hoa-tai-di-tich-duong-pho-post439597.html