Thận trọng, chắc chắn, hiệu quả

Lao động, công chức, viên chức đang mong chờ đến ngày 1.7 bởi đây là thời điểm mức lương tối thiểu vùng dự kiến sẽ tăng và chính sách cải cách tiền lương ở khu vực nhà nước được thực hiện.

Để chuẩn bị cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024. Sau đó, ngày 23.6, Ủy ban Xã hội đã tổ chức phiên họp Thường trực mở rộng để thẩm tra Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21.6.2024 về các nội dung này.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp, sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19.6.2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quan điểm, nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách.

Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội đồng thời cũng bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp. Giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh trong quá trình phát triển.

Những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, hướng đến cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cụ thể, đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ thực hiện đầy đủ theo đúng nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm 2 nội dung là điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tăng 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024 và quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước áp dụng từ ngày 1.1.2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, sẽ thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện thực hiện gồm hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1.7.2024; quy định và hướng dẫn 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập…

Về lý thuyết việc người lao động cũng như công chức, viên chức sẽ được tăng lương là rất đáng mừng. Thế nhưng kèm theo đó là nỗi lo giá đuổi lương, lương chưa tăng giá đã tăng, lương tăng ít, giá tăng nhiều làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương, chất lượng cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động ít được cải thiện.

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I.2024 tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,03%, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, việc quản lý, điều hành giá tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng biến động khó lường… Vậy nên, vấn đề là các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả hàng hóa.

Cụ thể, như ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra mới đây là các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá. Trong đó, kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành “thói quen”, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…

Hân Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/than-trong-chac-chan-hieu-qua-i376819/