Thận trọng khi theo học chương trình THCS lên cao đẳng

ang có sự nhầm lẫn giữa bằng trung học nghề và trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp, người học dễ rơi vào cảnh bằng một đường, năng lực một nẻo.

Thời gian qua nhiều trường cao đẳng tổ chức tuyển sinh rầm rộ các thí sinh THCS đăng ký thẳng hệ đào tạo cao đẳng.

Với hình thức đào tạo này, người học được rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, học song song các môn văn hóa và kỹ năng nghề.

Sau 4 năm học, với tấm bằng cao đẳng chính quy ở tuổi 19, người học có thể tự do tìm kiếm công việc phù hợp hoặc liên thông đại học, hướng tới các cấp bậc đào tạo cao hơn.

Hiện đang có tình trạng nở rộ tuyển sinh cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

Nhiều trường còn thông tin, trong thời gian học 4 năm, sau 2 năm cấp bằng trung cấp (có kiến thức văn hóa THPT). Sau 3 đến 4 năm cấp bằng cao đẳng (tùy theo từng ngành nghề) và được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.

Trước những lời quảng cáo như vậy nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy cuốn hút bởi việc học ít, bằng cấp cao theo kiểu siêu tốc. Trao đổi với phóng viên Báo Công luận, anh Xuân Quyết ở Thường Tín Hà Nội cho rằng anh đang phân vân có nên cho con theo học không.

Theo tâm sự, con anh Quyết có học lực khá trội, đam mê công nghệ thông tin. Nếu theo học công nghệ thông tin ngay từ sau bậc THCS hy vọng sẽ giúp con anh phát triển đam mê.

Không chỉ anh Quyết, nhiều phụ huynh hiện nay bị cuốn theo những tuyên truyền quảng cáo về hình thức học “đi tắt đón bằng” này.

Rõ ràng những lời mời chào, quảng cáo của các trường cao đẳng đang khiến cho nhiều phụ huynh, học sinh bị “thôi miên”. Họ muốn con cháu mình nhanh chóng rút ngắn được việc học, sớm ra trường được làm kỹ sư, đi làm lương cao.

Để tránh việc ngộ nhận, sai lầm trong chọn ngành nghề khi tuổi còn quá sớm, trẻ chưa bộc lộ hết năng khiếu, sở trường, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam.

Theo ông Lê Viết Khuyến, một học sinh trình độ THCS nhưng học chỉ cần ba – bốn năm để đạt trình độ cao đẳng là không thể đào tạo được.

Ông cho rằng, đang có sự gian lận liên quan giữa bằng trung học nghề với bằng trung cấp nghề. Bằng trung học nghề giá trị ngang với trình độ THPT. Khi theo học trung học nghề, học sinh chỉ bớt đi một số môn văn hóa để học môn nghề.

Sau khi tốt nghiệp các em có quyền học lên trình độ cao hơn (cao đẳng, đại học).

Nhưng khi theo học trung cấp nghề, người học chỉ được đào tạo tay nghề, cho nên thời gian đào tạo ngắn. Loại hình đào tạo này không chạy theo mục tiêu học vấn, người học chỉ được cấp một bằng nghề.

Việc đồng nhất bằng trung cấp nghề với trung học nghề chính là cách lẫn lộn tai hại. Coi trung cấp và trung học như nhau và đều được học lên cao đẳng. “Điều này không thể vì thời gian học khác nhau không thể đồng nhất hai bằng này” – tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Ông cho rằng, tình trạng đào tạo “siêu tốc” như “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành” là hiện tượng chạy đua theo hư danh để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả nguồn nhân lực sẽ không được thế giới công nhận.

Nếu chỉ cố gắng “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học cần thiết đương nhiên sẽ đào tạo ra nhân lực rởm, gây tổn hại uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước.

Ông Lê Viết Khuyến còn cho biết, thời gian qua còn có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề với cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo.

Bản chất thì cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30:70 là phù hợp, nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học chứ không phải giống như cao đẳng nghề.

Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới) giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức đào tạo thợ và nhân viên, trong khi giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia các loại (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư,..).

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp để thành cái gọi là “giáo dục nghề nghiệp” như chỉ đạo vừa qua của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước thực trạng như vậy, tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Phụ huynh cần thiết thận trọng, không nên chạy theo hư danh để rồi lựa chọn không đúng hướng đi cho con em mình”.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/than-trong-khi-theo-hoc-chuong-trinh-thcs-len-cao-dang-post124098.html