Thận trọng không thừa

Việc sử dụng chuyên gia Trung Quốc của Công ty CP Khánh An cần hết sức thận trọng, tránh thất thoát tài nguyên.

Đó là ý kiến của GS-TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - trên Báo Đất Việt ngày 4-12 về tài nguyên đất hiếm liên quan đến người Trung Quốc ở Việt Nam. Theo đó, Công ty CP Khánh An được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò đất hiếm ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Công ty này đã sử dụng 19 lao động là chuyên gia Trung Quốc.

Chuyện lập dự án, sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động nước ngoài là điều bình thường. Tuy nhiên, điều dư luận đặc biệt quan tâm là nguồn tài nguyên đất hiếm của nước ta và chuyên gia Trung Quốc sang nước ta thăm dò nguồn khoáng sản chiến lược này.

Đất hiếm là tài nguyên có giá trị đặc biệt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ hiện đại. Các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Ở nước ta, đất hiếm được dự báo trữ lượng 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc.

Quý hiếm và quan trọng như vậy nên thông tin nói trên khiến nhiều người lo ngại. Theo GS-TS Lê Huy Bá, Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ ý định muốn khai thác đất hiếm ở Việt Nam nhưng chưa được cũng vì tầm quan trọng của tài nguyên này. Từ đó ông khuyến cáo các cơ quan hữu trách cần hết sức thận trọng, từ vấn đề môi trường cho đến bảo vệ những bí mật của đất nước.

Vì sao Công ty CP Khánh An lại sử dụng chuyên gia Trung Quốc? Công ty này đưa lý do sử dụng công nghệ Trung Quốc và đây là những chuyên gia giỏi, để không sử dụng lao động Việt Nam. Công ty cũng "lách" luật khi dựa vào đó để vận dụng nhóm chuyên gia này không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, cho rằng không xử lý được vì các lao động Trung Quốc đều có thời hạn làm việc dưới 3 tháng ở Việt Nam nên không cần làm thủ tục xin cấp giấy phép.

Dư luận có quyền đặt vấn đề vì sao Công ty CP Khánh An lại "mặn mà" với chuyên gia Trung Quốc. Vì sao xem nhẹ các yếu tố an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường trong một dự án có tính chất nhạy cảm như vậy? Việt Nam cũng đâu thiếu những chuyên gia địa chất tài giỏi, nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và thực địa, tại sao không mời các chuyên gia trong nước mà lại thuê chuyên gia Trung Quốc?

Khoản 5, điều 172 Bộ Luật Lao động quy định những trường hợp lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp phép lao động tại Việt Nam "là người làm việc với thời hạn dưới 3 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được". Công ty CP Khánh An dựa vào đâu để xác định chuyên gia làm việc ở trong nước "không xử lý được"?

Một câu chuyện để lại nhiều bài học. Chúng ta luôn thiện chí mời gọi đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng không phải bằng mọi giá. Sự thận trọng trong các vấn đề nhạy cảm là rất cần thiết. Để quản lý tốt hơn, cần tăng cường quản lý, giám sát và sớm có luật riêng về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

HIỀN MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/than-trong-khong-thua-20191206231119682.htm