Thận trọng tái đàn vật nuôi
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn. Tuy nhiên, đây là thời điểm chuyển mùa, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Do vậy, việc tái đàn cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng chăn nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
Nông dân hăm hở tái đàn
Sau một năm xuất hiện, dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi của Hà Nội tổn thất nặng nề với 543.878 con lợn buộc phải tiêu hủy. Sau nhiều nỗ lực phòng chống, đến nay dịch cơ bản đã được đẩy lùi. Toàn TP chỉ còn 4 xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Chu Phan (huyện Mê Linh), Tân Lập (huyện Đan Phượng), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) còn dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Dịch bệnh được kiểm soát, cùng với việc giá lợn đang ở mức cao nên nhiều hộ chăn nuôi đã bắt tay vào tái đàn.
Anh Nguyễn Văn Đông (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) phấn khởi cho biết: “Dịp Tết vừa rồi, gia đình tôi xuất chuồng đàn lợn hơn 30 con, thu lãi 50 triệu đồng. Với giá lợn cao như hiện nay, mình phải chớp nhanh thời cơ. Vì vậy, tôi dự tính sẽ cải tạo chuồng, nhập 60 lợn giống về chăn thêm”.
Tương tự, những năm trước đây, hộ bà Đào Thị Thu (xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai) thường xuyên duy trì 80 – 100 con lợn trong chuồng. Tuy nhiên, sau khi bị bị tiêu hủy 83 con lợn vì dịch tả châu Phi hồi tháng 3/2019, gia đình bà đã để trống chuồng vì sợ dịch quay lại. Thời điểm này, khi thấy dịch đã cơ bản ổn định, bà đã vệ sinh chuồng trại chuẩn bị nhập 100 lợn giống về chăn. “Việc tìm mua lợn giống cũng không phải dễ dàng và giá khá cao. Trung bình mỗi con giống có giá từ 1,5 – 2 triệu đồng” – bà Thu bày tỏ.
Không chỉ có lợn, gia cầm cũng là vật nuôi đang được người chăn nuôi tập trung tái đàn. Hộ anh Nguyễn Văn Đạt, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức trong dịp Tết vừa qua đã xuất chuồng đàn gà 1.500 con với giá 120.000 đồng/kg và đang có kế hoạch tái đàn với số lượng 2.000 con. Theo anh Đạt, Tết năm nay giá gà cao nên nhiều nhà trúng đậm. Vì vậy, nhiều nhà đã có kế hoạch tăng đàn trong thời gian tới.
Kiểm soát, chủ động phòng dịch
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trong dịp Tết vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm được xuất bán nên tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn TP giảm mạnh. Vì vậy, sau Tết Nguyên đán, việc tái đàn là cần thiết để ổn định chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Tuy nhiên, ông Đăng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; không tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt.
Bên cạnh đó, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát nhưng thời điểm này đang giao mùa nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. Để đảm bảo an toàn cho việc tái đàn, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi mua con giống ở những địa chỉ uy tín. Đối với những loại gia súc, gia cầm giống nhập từ ngoại tỉnh cần phải kiểm tra, kiểm soát kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
Riêng đối với những cơ sở chăn nuôi lợn, khi tái đàn phải thực hiện khai báo với chính quyền địa phương. Trong đó, chỉ được tái đàn ở những cơ sở, trang trại trong vùng công bố hết dịch.
Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tiêm vaccine bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình, tích cực chuyển hướng trong chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra.
"Thời điểm này, tình hình dịch bệnh vật nuôi trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định và có chiều hướng tăng tổng đàn. Toàn TP có hơn 7.600 hộ chăn nuôi lợn tái đàn với số lượng 576.000 con, nâng tổng đàn lợn hiện có lên hơn 1,1 triệu con. Với đàn gia cầm, các hộ dân vẫn thực hiện tái đàn liên tục, với tổng số 40,1 triệu con, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gà 26,5 triệu con, tăng 17,1%. Còn đàn bò hiện tại khoảng 134.500 con, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước." - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội
Nguyễn Ngọc Sơn
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/than-trong-tai-dan-vat-nuoi-364482.html