Thần tượng âm nhạc ở đâu khi không còn gameshow

Ca sĩ nhí Hồ Văn Cường sau 5 năm đăng quang 'Thần tượng âm nhạc nhí 2016' được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi. Hồ Văn Cường may mắn vì được ca sĩ Phi Nhung nuôi ăn học, và rèn cặp em học hát, rồi đưa em đi biểu diễn chung nhiều sân khấu hải ngoại. Phải khẳng định Cường được nhiều khán giả ái mộ giọng hát như hôm nay phần lớn là nhờ sự rèn cặp của ca sĩ Phi Nhung.

Tuy nhiên sự việc lùm xùm về nghi vấn thù lao biểu diễn của Hồ Văn Cường còn chưa ngã ngũ thì ca sĩ Phi Nhung lâm bệnh nặng và mất. Chưa nói đến số phận 23 đứa con nuôi của ca sĩ Phi Nhung sẽ ra sao ngày mai, Hồ Văn Cường là một trong số 23 đứa con Phi Nhung nhận nuôi. Hồ Văn Cường đã 18 tuổi, em cần được định hình phong cách âm nhạc ổn định và có những hướng đi lâu dài thì lúc này số phận ca hát của em rất đáng phải băn khoăn.

Từ âu lo với Hồ Văn Cường, khiến nhiều người nghĩ đến một trường hợp khác. Đó là ca sĩ nhí Nhật Minh từng xuất hiện như một hiện tượng, cùng lúc với ca sĩ nhí Hồ Văn Cường. Nếu như Hồ Văn Cường đăng quang "Thần tượng âm nhạc nhí 2016" thì ca sĩ Nhật Minh đăng quang "Giọng hát Việt nhí 2016".

Ca sĩ nhí Hồ Văn Cường.

So với các thí sinh tranh tài sân chơi ca sĩ nhí trên truyền hình, thì rõ ràng Nhật Minh xuất thân trong một môi trường thuận lợi hơn hơn hẳn Hồ Văn Cường và những bạn bè khác. Bố là nghệ sĩ chèo Trịnh Nam Cường, mẹ là ca sĩ Hạnh Ngân, cậu bé Nhật Minh được sớm tiếp xúc với đàn, với ca, với diễn. Trong đêm chung kết xếp hạng "Giọng hát Việt nhí 2016", Nhật Minh đã phát huy thế mạnh của mình bằng trích đoạn chèo "Phù thủy sợ ma" với sự hỗ trợ trực tiếp từ người cha.

Phải thừa nhận, Nhật Minh chơi trống rất điêu luyện. Cách gõ dùi, cách giữ nhịp chứng tỏ Nhật Minh không thể nhờ vài ba buổi luyện tập mà thành! Đó là một màn trình diễn thuyết phục cho hôm nay, nhưng đó cũng là câu hỏi âu lo cho ngày mai. Xưa nay, trái chín sớm rất hiếm khi là trái ngon, trái ngọt! Các cuộc thi âm nhạc nhí nhìn đi nhìn lại thì cũng chỉ điểm được một vài gương mặt tiếp có mặt trên con đường nghệ thuật như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, còn lại các á quân trong các cuộc thi giờ không biết lặn ở nơi đâu.

Bằng thiện chí vun đắp cho một nghệ sĩ thực thụ, thì câu khen tặng "quá chuyên nghiệp" và "luôn xuất sắc, hoàn hảo" mà giám khảo dành cho ca sĩ nhí lại ẩn chứa không ít rắc rối. Chưa cần bàn đến thái độ tự mãn của đối tượng tiếp nhận, mà tạo ra một lối tư duy thẩm mỹ khập khiễng. Phải rất đắn đo và rất bình tĩnh để nhận diện nghệ thuật dành cho từng lứa tuổi. Nếu đánh mất sự hồn nhiên, thì bất kỳ sự phô diễn nào ở trẻ thơ cũng thành gượng gạo và ép uổng. Cái đẹp của nụ cần khác và phải khác cái đẹp của hoa. Khi cái nụ sớm bung nở như cái hoa, hoặc cố vươn theo chuẩn mực của cái hoa thì tiêu tan vẻ đẹp của cái nụ. Sai lầm này không phải nằm ở ca sĩ nhí, mà nằm ở những người hướng cho các em chọn lựa cuộc hí lộng quá sức mình!

Sự bất cập về phong cách không thể nào là sự nền tảng cho quá trình phát triển một tài năng nghệ thuật. "Thần tượng âm nhạc nhí" hoặc "Giọng hát Việt nhí" đều là trò chơi tương tác kiểu phương Tây. Người ta bày ra trò chơi để mua vui chốc lát, nhưng người ta lại biết cách xử lý những biên độ khéo léo để ươm mầm tài năng. Cái dở của người Việt là giàu trí tưởng bở, cứ ngỡ trò chơi trên truyền hình là cái nôi nuôi dưỡng ngôi sao tầm cỡ. Nếu "Giọng hát Việt nhí" hoặc "Thần tượng âm nhạc nhí" có giá trị ghê gớm như vậy, thì bản gốc của nó đã sản sinh ra hàng trăm, hàng ngàn siêu nhí thượng thặng. Ở các nước tiến bộ, chẳng ai đẩy trẻ em vào cuộc đua danh vọng phù phiếm trên màn ảnh nhỏ, lấy những tung hô nhất thời và lấy những tin nhắn hào hứng làm cơ sở để định vị tài năng nhí.

Ca sĩ nhí Nhật Minh.

Cùng với "Giọng hát Việt nhí" và "Thần tượng âm nhạc nhí", ở nước ta còn hào hứng với "Người hùng tí hon" hay "Gương mặt thân quen nhí" đang nhen nhóm những hệ lụy cho đời sống tinh thần của trẻ em. Thậm chí, vào năm 2017, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp với Purpose Media thực hiện game show mua bản quyền từ Wonder Kids để có tên gọi rất hoành tráng là "Thần đồng âm nhạc".

Nhạc sĩ Trần Tiến khi ấy được mời làm giám khảo, cho rằng: "Thực tế hiện nay là thị trường hỗn loạn, đồng tiền nó lăn qua tàn phá hết những giá trị nghệ thuật. Nhưng Wonder Kids có lẽ tính chất hoàn toàn khác, việc không loại thí sinh thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của trẻ và ý tưởng mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng thật sự rất tuyệt vời. Những chương trình giáo dục - giải trí như thế này là những chương trình cần thiết cho đời sống và tôi là người ủng hộ những gì đẹp đẽ về nghệ thuật nên tôi sẵn sàng tham gia chương trình". Đáng tiếc, khác với trống giong cở mở lúc đầu, chương trình "Thần đồng âm nhạc" nhanh chóng biến mất.

Bài toán game show sản sinh thần đồng âm nhạc, phơi bày điều gì? Tất nhiên, ở đây chưa cần cái nhìn khắt khe của một nhà tâm lý giáo dục, mà chỉ cần nói đến sự tiếp tay hơi quá lố của người lớn. Các sân chơi trên truyền hình đã kích hoạt sự hơn thua ở nhiều bậc phụ huynh. Tình thương dành cho con đã bị lấn át bởi ham muốn chứng tỏ con mình có phẩm chất phi thường. Vậy là bớt dần những khuôn mặt trong sáng và thánh thiện đi thi hát như một niềm vui ngoài giờ học, mà thay bằng những khao khát được chạm đến tên tuổi nghệ thuật.

Thậm chí, nhiều bậc làm cha làm mẹ còn tính toán số tiền thưởng 300 triệu đồng hoặc 500 triệu đồng để đánh cược con em vào những sân chơi khác nhau. Các lò luyện thi mọc ra như nấm sau mưa, để nhào nặn những cô bé, cậu bé hồn nhiên thành những thí sinh chuyên nghiệp. Chưa kể học hành dang dở mà hiện tại ở Việt Nam chưa có một địa chỉ nào có được tư duy bài bản và đúng đắn nào để đào tạo tài năng nghệ thuật nhỏ tuổi. Cái cách hát, cái cách diễn của người lớn cứ mang bừa vào ứng dụng cho trẻ con, và kết quả là những sản phẩm vừa gây trầm trồ vừa gây ngậm ngùi.

Ca sĩ Mỹ Linh, người đã từng được mời làm giám khảo ở nhiều game show ca nhạc, rất chân thành chia sẻ: "Trước hết, ta nên nhìn một cách khách quan rằng mục đích của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay là để giải trí và phục vụ thị hiếu của số đông khán giả, chứ các nhà sản xuất không hướng tới mục tiêu hay có trách nhiệm phải tư vấn, định hướng, đào tạo dài hạn cho các thí sinh bước ra từ cuộc thi. Vậy nên, rõ ràng là sẽ có sự lãng phí tài năng ở đây nhưng lời giải cho bài toán này thì lại nằm ở thiện chí của lớp nghệ sĩ đi trước - những đàn anh, đàn chị có khả năng phát hiện và bồi dưỡng tài năng nhí một cách bài bản, chứ không thể trông chờ vào các đơn vị tổ chức chương trình được.

Hơn nữa, phải thấy rằng không phải tất cả những bạn được giải hay vào tốp trong các chương trình truyền hình thực tế đều là những "tài năng" về nghệ thuật. Một cuộc thi chỉ kéo dài trong vài tháng và nhiều khi sự hơn thua lại đến từ lượng tin nhắn bình chọn của khán giả thì chưa thể đảm bảo được các bạn thí sinh bước ra từ đó có thực sự đam mê và định hướng theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc hay không. Vì thế, trước khi nghĩ tới chuyện định hướng hay tư vấn thì nên chăng, các đội ngũ phát triển tài năng cần có thêm một cuộc sàng lọc để tìm kiếm và đầu tư đúng trọng tâm cho những em thực sự có tài và có tâm với nghệ thuật".

Thực trạng ở nhiều trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp là nguồn tuyển sinh ngày càng khó khăn, chỉ trông cậy vào những đối tượng "con nhà nòi" đã được bố mẹ hướng nghiệp và được sống trong môi trường thuận lợi từ nhỏ. Những ca sĩ nhí lừng danh một thời như Xuân Mai, Xuân Nghi, Linh Tý… đều không thể theo đuổi con đường âm nhạc lâu dài. Áp lực của sự nổi tiếng rất nguy hiểm. Và cái thánh giá thần đồng nghệ thuật không hề mang vác nhẹ nhõm đâu! Bài học nhãn tiền về sự trưởng thành đầy thị phi của các tài năng nhí trước đây, chính là lời cảnh tỉnh gần gũi nhất và uy lực nhất. Và thực tế, sau 5 năm được ca tụng lên mây, các ca sĩ nhí vẫn còn phải loay hoay đâu đó trong đời sống nghệ thuật đích thực.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/than-tuong-am-nhac-o-dau-khi-khong-con-gameshow-i629990/