Than Uyên phát triển sản phẩm OCOP

Những năm qua, các cấp, ngành huyện Than Uyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp; tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn huyện có 51 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

Chúng tôi đến Trung tâm giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm OCOP và quảng bá hàng hóa du lịch - dịch vụ huyện Than Uyên của Công ty TNHH MTV Dũng Long ở thị trấn Than Uyên. Hiện nay, tại Trung tâm đang trưng bày, bán gần 20 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Than Uyên và các huyện trong tỉnh. Trong đó, có các sản phẩm về gạo, miến dong, mật ong, rượu, thịt trâu sấy… Được biết, Công ty là một trong các doanh nghiệp, HTX tiêu biểu trong việc tham gia chương trình OCOP của địa phương. Hiện tại, đơn vị có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm: gạo séng cù, gạo lứt séng cù, gạo tẻ tròn; 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao: gạo nếp tan pỏm và gạo nếp tan co giàng. Mỗi năm, Công ty liên kết với 300 hộ dân ở các xã, cam kết thu mua hơn 200 tấn lúa/năm; xuất bán hơn 100 tấn gạo/năm; doanh thu 1 năm ước đạt gần 4 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dũng Long phấn khởi chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng của huyện về mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung lớn, chúng tôi rất tâm huyết với ngành nông nghiệp của địa phương. Nên khi được sự động viên của lãnh đạo huyện Than Uyên, phòng ban chuyên môn, chúng tôi đã tham gia Chương trình OCOP; đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất gạo; chú trọng làm mẫu mã bao bì, sản phẩm. Cũng nhờ các chính sách của tỉnh, sản phẩm gạo của Công ty được đưa đến tay người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai…

Xác định được tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với sự phát triển nền kinh tế địa phương nói riêng và Chương trình xây dựng NTM nói chung, bám sát chỉ đạo, định hướng của tỉnh, các sở, ngành liên quan, huyện Than Uyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chương trình đến các doanh nghiệp, HTX, hộ dân trên địa bàn. Vận động các chủ thể khai thác tiềm năng, lợi thế có sẵn tham gia chương trình nhằm tạo ra các sản phẩm OCOP có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.

Qua tìm hiểu thực tế và đánh giá của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, Than Uyên có nhiều lợi thế, tiềm năng để doanh nghiệp, HTX, hộ dân phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, địa phương có vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn trên 1.550ha với các giống lúa đặc sản, đặc trưng riêng như: séng cù, nếp tan pỏm; vùng nguyên liệu chè rộng hơn 1.965ha; 1.006 lồng nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát; gần 80 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tổng đàn vật nuôi hơn 400.000 con. Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn để chủ thể khai thác việc nuôi ong lấy mật; tận dụng các nguyên vật liệu dưới tán rừng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, huyện thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, theo đó, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm; thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng; kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm… Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh truyền thông, đưa lên sàn thương mại điện tử. Tạo điều kiện cho các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện lớn của huyện, tỉnh; hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước. Khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp, HTX ứng dụng chuyển đổi số, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên các nền tảng số, mạng xã hội; tìm đầu ra ổn định thị trường.

Huyện Than Uyên thúc đẩy các sản phẩm OCOP là lợi thế của địa phương.

Huyện Than Uyên thúc đẩy các sản phẩm OCOP là lợi thế của địa phương.

Hiện nay, toàn huyện Than Uyên có 51 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao của 21 chủ thể ở nhiều nhóm ngành khác nhau với đa dạng sản phẩm như: nhóm thực phẩm, gồm: gạo, ổi, nho, chè, thịt (xúc xích, giò thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, thịt bò khô…), cá (cá sấy, cá cắt khúc, chả cá lăng viên, ruốc cá), tôm tươi, chẩm chéo; nhóm đồ uống: mật ong, rượu men lá; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu có bột thảo quả Khoen On; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đèn tre Lai Tay…

Nhờ sự phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân toàn huyện Than Uyên đạt 48 triệu đồng/người; 11/11 xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nguồn lao động dồi dào, thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh làm ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu của địa phương để giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng. Hướng đến mục tiêu, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ocop-lai-ch%C3%A2u/than-uy%C3%AAn-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-s%E1%BA%A3n-ph%E1%BA%A9m-ocop